Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa

Admin
(PNTĐ) - Bà Trần Thị Thu Dung, là một trí thức, nhà báo xuất thân từ Hà Nội. Sau khi sang Pháp định cư, tận dụng thế mạnh được tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu quý cũng như gặp gỡ các học giả, chuyên gia về biển đảo có uy tín của thế giới, bà đã tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền, khẳng định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 1

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp là nơi lưu giữ khá nhiều tài liệu quý liên quan đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Các nguồn tài liệu này rất đa dạng có thể cung cấp chứng cứ để khẳng định chủ quyền không thể phủ nhận của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Vì vậy, khi có cơ hội tới Pháp du học, sau đó trở thành tiến sĩ Văn Sử và bằng kinh nghiệm của người đã từng công tác tại Đại học Sư phạm Cachan, bà Trần Thu Dung đã dành nhiều thời gian để đọc, sưu tầm và nghiên cứu các tài liệu quốc tế được viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về biển đảo Việt Nam.

Bà cho biết: Các tài liệu đã chứng minh người Việt đã đặt tên cho hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong sách thời triều Nguyễn, bản đồ địa lý An Nam đã vẽ hai quần đảo này. Một số bản đồ Đông Dương do Pháp in cũng ghi rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Đông Dương Pháp (tức là của Việt Nam). Bản đồ Indochine của Pháp ghi rõ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc An Nam. Bản đồ của nhà kỹ sư địa lý thủy văn Rigobert Bonne năm 1771, vẽ bản đồ thủy văn vùng Nam Kỳ bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Một tài liệu khác là Giấy khai sinh của một người tên Mai Kim Quy năm 1940 tại Hoàng Sa. Trên giấy ghi rõ: Cộng Hòa Pháp, tỉnh An Nam, đảo Hoàng Sa.

Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 2
 
Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 3
Giấy khai sinh của một người tên Mai Kim Quy năm 1940 tại Hoàng Sa. 

Từ nguồn dữ liệu có được, bà đã viết bài, tham luận... khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời góp phần làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến biển Đông và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bà kể, có người từng hỏi bà, vì sao biển Đông lại có tên là Hoa Nam. Bà giải thích trong quá khứ, chỉ có những tàu lớn châu Âu mới vượt đại dương đi khắp thế giới. Người nước ngoài đặt tên những đại dương đi qua theo tên các nước lớn để dễ nhận biết. Biển Hoa Nam là do thế giới đặt nhưng không có nghĩa toàn bộ biển đó thuộc về một quốc gia cụ thể, cũng như thế giới gọi là Ấn Độ Dương không đồng nghĩa toàn bộ khu biển đó thuộc Ấn Độ. Ngày nay các nước đã thống nhất gọi là biển Đông thay cho tên Hoa Nam để tránh nhầm lẫn.

“Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia đứng đầu thế giới về tinh thần bất khuất trước giặc ngoại xâm. Truyền thống này đã thấm vào máu thịt người Việt, dù ở đâu người Việt cũng mang tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Mỗi một luận điểm, chứng cứ, nguồn tài liệu tin cậy về lịch sử và pháp lý được đưa ra sẽ góp phần bổ sung nguồn dữ liệu quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, TS. Trần Thu Dung chia sẻ.

Cùng với đấu tranh trên lĩnh vực truyền thông, bà Dung còn cùng cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu triển khai nhiều hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam. “Năm 2023, chúng tôi thành lập “Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam”. NhiềuCLB vì chủ quyền biển đảo Việt Nam cũng được các Việt kiều sau khi đi thăm quần đảo Trường Sa trở về thành lập khắp châu Âu”, bà cho biết. Còn tại Pháp là “CLB yêu biển đảo Việt Nam tại Pháp” hiện do bà làm Chủ tịch.

Đáng chú ý, năm 2023, bà đã tích cực tham gia cùng các cộng sự, “Ban liên lạc người Việt tại Châu Âu vì biển đảo Việt Nam” tổ chức Hội thảo “Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam” tại Paris, Pháp. Hội thảo đã mời 15 chuyên gia các nước chuyên về chủ đề lịch sử Việt Nam tham gia tạo nên tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam về chủ quyền biển đảo như Piere Journoud (Giáo sư Sử học người Pháp), Patrice Jorland (Giáo sư địa sử từng là tùy viên văn hóa Pháp tại Việt Nam), Gibert Tereze (nhà văn Pháp), Valentin Ykushik (Giáo sư châu Á Thái Bình Dương ở Ukraine),  Gerard Will (Giáo sư triết học ở Đức), Malgozata (Giáo sư Châu Á học tại Balan), Sandra Scargliotti (Giáo sư Việt học ở Ý)...; Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, sự tham gia đưa tin của nhiều cơ quan báo chí...

Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 4
Tên bà Trần Thu Dung được giới thiệu tại Hội thảo khoa học với chủ đề : "Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam" tại thủ đô Paris (Pháp). Ảnh : TTXVN tại Pháp 

 

Sau đó, bà đã chủ biên các bài viết thành cuốn “Biển Đông và Chủ quyền Việt Nam” do Nhà xuất bản l’Harmattan xuất bản. Bìa sách là bức tranh bà vẽ về một con tàu rẽ sóng mang theo cờ Tổ quốc xuất phát từ cảm hứng được đi trên chuyến tàu KN491 thăm quần đảo Trường Sa. Đến nay, bà đã có khoảng 20 bức tranh vẽ về Trường Sa, nhà giàn DK1.

Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 5
Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 6Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 7
Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 8Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 9
Một số bức tranh vẽ về Trường Sa, nhà giàn DK1 của bà Trần Thu Dung
Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 10
Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 11

TS Trần Thu Dung rất tự hào vì đã được đến với Trường Sa vào các năm 2018, 2024. Qua các chuyến đi, bà được chứng kiến sức sống, sự phát triển từng ngày ở Trường Sa.

Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 12Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 13Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 14

Tiến sĩ Trần Thu Dung tự hào vì đã 2 lần được đến với Trường Sa

“Trước kia ngư dân bị bệnh nặng ở Trường Sa muốn vào đất liền chữa bệnh phải mất nhiều ngày trên biển. Hiện nay đã có trực thăng đưa bệnh nhân vào đất liền, bệnh viện cũng đã được xây dựng để tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm định cư, bám biển. Các trạm xá đã thực hiện được nhiều ca như mổ ruột thừa, đỡ đẻ... Từ năm 2012, đã có những em bé Việt Nam được sinh ra ở Trường Sa. Trường học, thư viện, nhà văn hóa đa năng... đã và đang tiếp tục được xây dựng. Trên đảo đã có bể trữ nước mưa để phục vụ tăng gia tự cung tự cấp rau sạch, chăn nuôi...”.

Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 15
TS Trần Thu Dung (ngoài cùng bên trái) và cùng các Việt kiều với các hoạt động góp sức xây Trường Sa
Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 16
Chuyến đi đến với Trường Sa giúp bà và các kiều bào thêm quyết tâm góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc

Bà và các Việt kiều còn được đến thăm nhiều ngôi chùa được xây dựng và tôn tạo ở nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa... Chùa dù quay về hướng nào cũng đều hướng ra biển Đông, đón được tia nắng sớm nhất lúc bình minh, trở thành nơi bình yên an lạc cho ngư dân và thủy thủ, là điểm tựa tâm linh cho người Việt khi ra khơi đánh cá. Trong lần đến thăm Song Tử Tây, bà được các chiến sĩ tặng vỏ ốc nặng 5 kg. Những kỷ vật được bà trân trọng mang về Pháp và tiếp thêm động lực để bà tiếp tục cùng cộng đồng người Việt trên thế giới có nhiều hoạt động bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa, đóng góp kinh phí, vật lực xây dựng Trường Sa thân yêu. Bà nói, Trường Sa đã tạo sức mạnh vô hình nối kết cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.

Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 17

Bà Trần Thu Dung chia sẻ, bà thấy mình rất may mắn khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Mẹ của bà là con quan nhưng sẵn sàng từ bỏ nhung lụa để đồng cam cộng khổ cùng đồng bào ủng hộ kháng chiến. Cha bà cũng từng 9 năm trong Ủy ban kháng chiến, hoạt động ở nội thành Hà Nội và bà còn một người anh trai là liệt sĩ mà tới giờ vẫn chưa tìm thấy mộ. Bà tự hào vì mình đang tiếp bước cha anh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Đến nay, sự kết nối của bà với nguồn cội vẫn không hề ngắt quãng thông qua những chuyến đi về thường xuyên. Trong gia đình bà vẫn giữ nề nếp, văn hóa của người Hà Nội, các con biết đi hỏi về chào, kính trên nhường dưới, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, sống nhân ái... Bà nói, dù ở đâu, bà vẫn luôn là người con của Hà Nội.

Bà tâm sự: “Đi gần hết cuộc đời, trong tôi vẫn giữ hình ảnh đan xen của một Hà Nội hòa bình-chiến tranh- mới thống nhất- và phát triển. Một thời ẩn nấu dưới hầm khi còi tiếng còi rú... Một thời Hà Nội còn nhiều khó khăn. Nhưng còn có một Hà Nội nghĩa tình, thương yêu nhau thực sự. Thời chiến, tôi có thể đi nhờ xe đạp của các cô chú dân quân từ nơi sơ tán ở Hoài Đức về Hà Nội khi nghe tin giặc Mỹ ném bom phố Bà Triệu nơi gia đình tôi đang ở. Có chú bảo “nghe cháu nói biết là người Hà Nội” nhờ giọng Hà Nội lễ phép và ngoan. Sự đùm bọc của người Hà Nội đã mãi mãi sống trong tôi nên sau này, tôi vẫn thường giúp các du học sinh sang Pháp gặp khó khăn”.

Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 18
Bà Trần Thu Dung đánh giá Hà Nội đang trở thành điểm đến “đa văn hóa” mà ít nơi có được.

Bây giờ, Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Bà đánh giá Hà Nội đang trở thành điểm đến “đa văn hóa” mà ít nơi có được. Hà Nội trong tương lai sẽ là nơi hội tụ anh tài, đa sắc dân tộc và có tiềm năng trở thành điểm hẹn của du lịch thế giới. Bà đã và đang ấp ủ nhiều kế hoạch kết nối, giới thiệu người Pháp tham gia dạy miễn phí tiếng Pháp cho học sinh Việt Nam, trong đó có học sinh ở Hà Nội.

Ngoài ra, bà đang cùng “Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam” tổ chức cuộc thi viết vẽ về biển đảo quê hương. Các tác phẩm sẽ được đưa đi triển lãm ở khắp châu Âu để giới thiệu về biển đảo Việt Nam và cổ vũ việc giữ gìn tiếng Việt. Bà cũng đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan sớm ra mắt tài liệu về biển Đông và chủ quyền Việt Nam bằng tiếng Anh để đưa thông tin tới thế giới, từ đó khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam trên biển Đông, phản bác thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Một người con Hà Nội góp sức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa - ảnh 19