Mỹ không tham gia nhưng ủng hộ đàm phán hòa bình Nga-Ukraine tiếp tục

Admin
Mỹ “khuyến khích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine nhằm theo đuổi một lệnh ngừng bắn toàn diện và cuối cùng là một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ mới nhất hôm 22/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nhắc lại sự ủng hộ của Washington đối với vòng đàm phán hòa bình thứ 3 đã được lên kế hoạch giữa Ukraine và Nga, dự kiến diễn ra tại Istanbul từ ngày 23/7.

Cuộc đàm phán này, nếu được tổ chức, sẽ đánh dấu cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa Kiev và Moscow trong khoảng 7 tuần qua nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột đã kéo dài gần ba năm rưỡi.

Bà Bruce nói với trang Kyiv Post rằng Mỹ đã nhận thức được về cuộc đàm phán sắp tới, nhấn mạnh rằng dù Mỹ không trực tiếp tham gia vào các cuộc thảo luận, nhưng vẫn ủng hộ việc diễn ra các cuộc đàm phán này.

Mỹ "tiếp tục khuyến khích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine nhằm theo đuổi một lệnh ngừng bắn toàn diện và cuối cùng là một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán", bà Bruce cho biết.

Mỹ không tham gia nhưng ủng hộ đàm phán hòa bình Nga-Ukraine tiếp tục - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce.

Mỹ khẳng định rằng "đối thoại xây dựng và thiện chí là con đường duy nhất để chấm dứt cuộc chiến này", một lập trường phù hợp với quan điểm của Ngoại trưởng Marco Rubio rằng chỉ các bên liên quan mới có thể chấm dứt xung đột.

"Tôi không thể nói rõ suy nghĩ của Bộ trưởng, nhưng tôi biết rằng Đại sứ của chúng tôi tại NATO đã có một số phát biểu sáng nay trên truyền hình liên quan đến các cuộc đàm phán – một lần nữa, đây sẽ là ở Istanbul", bà Bruce nói tại cuộc họp báo hôm 22/7.

Vị phát ngôn viên sau đó đã trích dẫn những bình luận của Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker, trong đó ông khuyến khích cả hai bên quay trở lại bàn đàm phán, nhấn mạnh rằng đàm phán trực tiếp là "cách duy nhất để giải quyết vấn đề này".

"Việc đưa cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán, cũng như cuộc đàm phán sắp diễn ra trong tuần này, là rất quan trọng. Đó là một bước tiếp theo quan trọng", ông Whitaker được dẫn lời nói. Vị đại sứ cũng cho rằng tiến triển này là nhờ "đòn bẩy mà Mỹ và Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp dụng".

Các vòng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine trước đó tại Istanbul vào ngày 16/5 và ngày 2/6 đã mang lại các cuộc trao đổi tù binh nhưng không đạt được nhiều tiến triển đáng kể hướng tới một lệnh ngừng bắn.

Trước các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Mỹ đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán để tìm cách giải quyết cuộc xung đột dai dẳng này, nhưng không mang lại tiến triển và dẫn đến việc Washington rút lui khỏi nỗ lực trung gian này.

Minh Đức (Theo Kyiv Post, State.gov)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Ông Zelensky nêu 3 mục tiêu của Ukraine trong cuộc đàm phán sắp tới với NgaMỹ không tham gia nhưng ủng hộ đàm phán hòa bình Nga-Ukraine tiếp tục - Ảnh 3.