Nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho Sơn La, Hòa Bình

Admin
(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, Đoàn công tác Thành viên Chính phủ đã trao đổi về những vấn đề mới phát sinh của tỉnh Sơn La và Hòa Bình nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho Sơn La, Hòa Bình- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc

Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/10, Đoàn công tác Thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt làm Trưởng đoàn đã làm việc trực tuyến với tỉnh Sơn La và Hòa Bình về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù đã có nhiều kết quả khả quan nhưng so với các tỉnh thành khác trên cả nước thì tình hình kinh tế - xã hội của Hòa Bình và Sơn La vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là cơn bão số 2 và số 3 vừa qua đã để lại thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn 2 tỉnh.

Bộ trưởng đề nghị, ngoài việc trao đổi các nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, Đoàn công tác mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cởi mở mang tính đối thoại, để đề xuất được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, cũng như việc hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả sau các đợt thiên tai trên địa bàn 2 tỉnh thời gian vừa qua.

Tính từ khi bắt đầu thực hiện các Chương trình làm việc của Thành viên Chính phủ với 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình đến quý II/2024 có tổng số 92 đề xuất, kiến nghị được gửi đến các bộ, ngành. Các bộ, ngành đã giải quyết 59 kiến nghị, còn 33 kiến nghị đang trong quá trình xem xét, giải quyết (trong đó có 22 kiến nghị mới phát sinh trong kỳ báo cáo).

Các kiến nghị này đã được Bộ KH&CN tổng hợp báo cáo Chính phủ đồng thời gửi cho các bộ, ngành liên quan để xử lý, trả lời địa phương.

Nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho Sơn La, Hòa Bình- Ảnh 2.

Điểm cầu UBND tỉnh Hòa Bình

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 9 đạt 4.590 tỷ đồng, đạt 114% dự toán Chính phủ giao, đạt 83% dự toán HĐND tỉnh. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế đạt nhiều kết quả...

Tuy nhiên trong 9 tháng, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thấp hơn so với yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc; tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia chậm; ảnh hưởng cơn bão số 3 gây thiệt hại của tỉnh khoảng 1.066 tỷ đồng.

Tỉnh Hoà Bình đề nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh để sớm phục hồi, tái thiết sau thiên tai; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến ngày 31/12/2025; tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư giai đoạn hoàn thiện, nâng cấp lên 4 làn xe cho Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu...

Nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho Sơn La, Hòa Bình- Ảnh 3.

Điểm cầu UBND tỉnh Sơn La

Đối với Sơn La, trong 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng 7,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 21,81%...Thu, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai và nhiệm vụ phát sinh của tỉnh.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.752 tỷ đồng, bằng 67% dự toán Trung ương giao, bằng 62% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng kế hoạch đầu tư công thực hiện năm 2024 là 4.397,962 tỷ đồng, kết quả giải ngân đến ngày 30/9/2024 đạt là 2.023 tỷ đồng, bằng 46,01% kế hoạch vốn giao và bằng 51,41% kế hoạch vốn phân bổ chi tiết.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sơn La chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 903,64 tỷ đồng. Đặc biệt do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 và bão số 3 trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn trên diện rộng, gây ngập úng, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người, nhà ở, lúa và cuốn trôi gia súc, gia cầm của người dân. Riêng thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 2 và số 3 gây ra là 666,25 tỷ đồng.

Tỉnh Sơn La kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan hỗ trợ tỉnh từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để thực hiện các dự án di dân cấp bách và các dự án khắc phục hậu quả thiên tai mưa lũ; hướng dẫn về quản lý, sử dụng nguồn thu giá dịch vụ thoát nước; hướng dẫn cụ thể về kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm đối với việc thực hiện các Tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia..

Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đại diện các bộ, ngành Trung ương liên quan đã giải thích làm rõ một số đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời, ghi nhận đối với những nội dung vượt thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo tham mưu Chính phủ sớm xem xét, trả lời cho tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trung ương với các cơ quan địa phương, nhằm tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy, triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

TIN LIÊN QUANChính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại 2 tỉnh Sơn La và Điện BiênPhó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ 20 tấn gạo cho người dân vùng lũ Hưng YênThủy điện Hòa Bình vận hành ổn định, an toànThủy điện Hòa Bình vận hành ổn định, an toàn

Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, phân công rõ người, rõ việc; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn sản xuất, kinh doanh, không để công việc bị ngừng trệ, ách tắc.

Đối với các kiến nghị, đề xuất đang trong quá trình xem xét, giải quyết, đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương phối hợp chặt chẽ với địa phương có phương án tháo gỡ kịp thời, có văn bản trả lời, hướng dẫn địa phương trong thời gian sớm nhất, đồng thời gửi Bộ KH&CN để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách, đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết để kịp thời tháo gỡ cho địa phương, trong đó lưu ý tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Hoàng Giang