Phát hiện nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đại diện Bộ phận Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Chính phủ đã thực hiện rà soát tổng số 523 văn bản quy phạm pháp luật gồm 66 luật, 02 pháp lệnh, 08 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 167 nghị định, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 217 văn bản do các cơ quan khác ở trung ương ban hành.
Qua rà soát, đã phát hiện nội dung được cho là mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc trong các luật, văn bản dưới luật có liên quan. Cụ thể: Có 18 lĩnh vực trong 22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 (đấu thầu, đấu giá, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, hợp tác công tư, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp, giám định, định giá) có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc; 04 lĩnh vực (gồm: xã hội hóa các dịch vụ công, ngân sách nhà nước, quy hoạch, trái phiếu), qua rà soát chưa phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc.
Đối với các văn bản không thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm, qua rà soát cũng phát hiện một số nội dung bất cập, vướng mắc được phản ánh, kiến nghị liên quan đến các luật, nghị định, thông tư thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, khoa học và công nghệ…
Ngoài các nội dung đã được tổng hợp, phân tích, đánh giá tại 25 Phụ lục thành phần kèm theo Báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội bước đầu phát hiện và cho rằng vẫn còn quy định tại các luật, nghị định, thông tư thuộc một số lĩnh vực quản lý nhà nước có vướng mắc, bất cập, có thể kể đến như: lĩnh vực y tế, tài nguyên và môi trường, bổ trợ tư pháp, xử lý vi phạm hành chính, thi hành án dân sự, ngân sách nhà nước, quy hoạch, năng lượng nguyên tử, điện lực, đầu tư, phòng chống tham nhũng, hình sự, tố tụng hình sự, văn hóa, du lịch, thể thao, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, lao động thương binh và xã hội…
Tuy nhiên, Thường trực Tổ côn g tác cho rằng, do chưa có đủ thời gian, điều kiện thực hiện các bước thảo luận, đánh giá, thống nhất đối với kết quả rà soát nêu trên nên Chính phủ ghi nhận để tổng hợp, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện, khách quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
"Có thể khẳng định, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 là công việc khó do phạm vi rà soát rộng, thời gian thực hiện gấp, quy mô triển khai trên cả nước, nhưng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm từ khắp các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, đặc biệt là từ bộ phận Thường trực của Tổ công tác, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trong quá trình thực hiện tổng hợp, xây dựng Báo cáo rà soát và 25 Phụ lục kèm theo", ông Hồ Quang Huy nhấn mạnh.
Tích cực, chủ động, hiệu quả trong rà soát văn bản
Đánh giá về kết quả này, Thường trực Tổ công tác cho rằng, việc tổ chức thực hiện Kế hoạch được Tổ công tác triển khai chủ động, tích cực, kịp thời, bài bản, khoa học và hiệu quả với các hình thức khác nhau, trong đó đã tăng cường tổ chức các hoạt động hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp Tổ công tác thực hiện rà soát, cho ý kiến độc lập. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL. Về cơ bản, các bộ, ngành đã tập trung, nghiêm túc thực hiện việc rà soát và xử lý kết quả văn bản.
Từ kết quả rà soát văn bản QPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Sự trùng lặp với một số kết quả rà soát đã được thực hiện và báo cáo trước đây; nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập được phát hiện qua rà soát và phương án đề xuất xử lý sau rà soát còn chung chung; nội dung được nêu trong báo cáo rà soát của một số bộ, ngành, địa phương chưa chính xác; trong nhiều trường hợp, vấn đề được cho là vướng mắc, bất cập thực chất là do cách hiểu và áp dụng pháp luật, không phải do các quy định của pháp luật hoặc do quan điểm, chính sách quản lý nhà nước đối với vấn đề được điều chỉnh tại thời điểm ban hành.
Quy định của pháp luật trong phạm vi các lĩnh vực được rà soát vẫn tồn tại một số mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, chưa cụ thể; ngôn ngữ sử dụng trong một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu "chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu" theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Nhiều cơ quan chưa coi là nhiệm vụ thường xuyên
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, hạn chế là việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa được các bộ, cơ quan ngang bộ xác định là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động thực hiện khi có căn cứ rà soát; nhiều kết quả rà soát văn bản và một số nguyên nhân đã được chỉ ra tại các báo cáo rà soát trước đây chậm được xử lý, khắc phục triệt để; đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; một số vấn đề KT-XH mới, phức tạp nảy sinh trong thực tiễn, nhưng pháp luật chưa kịp thời có quy định điều chỉnh phù hợp; nhận thức của chủ thể áp dụng pháp luật và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức liên quan trong tổ chức thi hành pháp luật một số trường hợp chưa bảo đảm liên thông, chặt chẽ, kịp thời.
Về định hướng hoạt động của Tổ công tác trong năm 2024, Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ tổ chức tổng kết hoạt động rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15; họp lấy ý kiến thành viên Tổ công tác, các bộ, cơ quan ngang bộ đối với kết quả rà soát, đề xuất phương án xử lý các nội dung tại Phụ lục số III kèm theo Báo cáo số 587/BC-CP; Phụ lục số 02 kèm theo Báo cáo thẩm tra số 2277/BC-UBPL và phản ánh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Văn bản số 2279/LĐTM-PC; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
Đồng thời, lấy ý kiến thành viên Chính phủ và trình Chính phủ cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo và các Phụ lục kèm theo và trình các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành cơ bản nhất trí với báo cáo trung tâm của Tổ công tác, đồng thời đánh giá cao kết quả rà soát toàn diện, khách quan, chặt chẽ của Tổ công tác trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội trong triển khai thực hiện Kế hoạch của Tổ công tác.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận sự nỗ lực rất cao của thành viên Tổ công tác, Bộ phận Thường trực và đại diện cho các bộ, ngành thực hiện Nghị quyết số 101 của Quốc hội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng tài liệu tổng kết nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực, nhất là trong quá trình xem xét, rà soát 523 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều đạo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 217 văn bản do các cơ quan khác ở trung ương ban hành. Đặc biệt là xây dựng đề cương báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả rà soát.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, để nâng cao kết quả và hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật, cần đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tự rà soát các văn bản của bộ, ngành mình ban hành. Các Bộ, cơ quan ngang bộ cần khẩn trương gửi báo cáo tình hình xử lý kết quả rà soát, trong đó cần lưu ý làm rõ phương án và kết quả xử lý đối với văn bản được chỉ ra còn bất cập, vướng mắc, hạn chế.
Trên cơ sở các Báo cáo do Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi về Bộ Tư pháp, Bộ phận Thường trực Tổ công tác khẩn trương tổng hợp, tổ chức họp lấy ý kiến cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang Bộ về tính chính xác đối với nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành đó để hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Đối với các kiến nghị có sự thống nhất là còn bất cập, vướng mắc thì cần sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Lê Sơn