
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: VGP/HT
Từ bản sắc dân tộc đến bản lĩnh ngân hàng Việt
Tại tọa đàm "Thương hiệu ngân hàng với thương hiệu quốc gia" do Thời báo ngân hàng tổ chức ngày 5/5 tại Hà Nội, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đã đưa ra nhiều nhận định sâu sắc và chiến lược về định vị thương hiệu ngân hàng,
Theo lãnh đạo NHNN, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu có từ 2-3 ngân hàng thương mại Việt Nam lọt vào Top 100 ngân hàng có thương hiệu lớn nhất khu vực châu Á. Đây là mục tiêu không chỉ về quy mô tài sản, mà còn là sự khẳng định uy tín, thương hiệu và sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu này, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, chuẩn hóa quản trị theo thông lệ quốc tế, tăng cường minh bạch và đổi mới sáng tạo. Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam vững mạnh, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế.
Các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động nâng cao hình ảnh và vị thế của mình trên thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế. Theo xếp hạng của Brand Finance năm 2025, đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu.
"Đây là một tín hiệu đáng mừng, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong việc xây dựng thương hiệu mạnh và bền vững", Phó thống đốc nhấn mạnh.
Trong xu thế đó, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp cận các mô hình quản trị thương hiệu hiện đại và cập nhật tư duy chiến lược là vô cùng quan trọng. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh số hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản, gắn với chiến lược phát triển dài hạn và hội nhập quốc tế.
"Với sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng vươn lên, tôi tin tưởng rằng, thương hiệu ngân hàng Việt Nam sẽ ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.

Chuyên gia thương hiệu, GS John Quelch - người có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn và lãnh đạo tại những trường đại học danh tiếng - Ảnh: VGP/HT
Chiến lược toàn cầu hóa thương hiệu-góc nhìn từ chuyên gia, DN
GS John Quelch - người có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn và lãnh đạo tại những trường đại học danh tiếng như Phó hiệu trưởng trường Harvard Business School, London Business School, CEIBS và hiện là Phó hiệu trưởng Đại học Duke Kunshan đánh giá, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam phát triển khá lành mạnh nhưng hiện vẫn còn nhiều ngân hàng trong hệ thống đang gặp khó khăn và cần khuyến khích hoạt động mua bán, sáp nhập để hình thành nên những ngân hàng thương mại lớn.
GS John Quelch cho rằng: Ngành ngân hàng cần phải hiểu rõ sự phát triển của nền kinh tế, các giai đoạn của phát triển kinh tế và chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển, tiến lên phía trước. Không phải là gánh nặng cho nền kinh tế mà là bộ phận tăng tốc cho nền kinh tế.
Hiện tại, có nhiều dự án và các sáng kiến mà các ngân hàng cần đảm nhiệm: đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao hiệu suất, vận hành, AI thay thế tác vụ ngân hàng thông thường. Tất cả những cái đổi mới sáng tạo đó rất cần thiết để thúc đẩy năng lực lĩnh vực ngân hàng, giúp ngân hàng đóng góp vào phát triển kinh tế, duy trì năng lực cạnh tranh so với hệ thống các ngân hàng của các quốc gia khác trên thế giới.
"Tôi nghĩ rằng, lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam phát triển khá lành mạnh vì đã có nhiều các ngân hàng cạnh tranh trên thị trường sẽ cho phép người dùng có nhiều lựa chọn. NHNN giám sát rất tốt hệ thống. Nếu nhìn vào vào nền kinh tế hiện nay, giá trị khoảng 600 tỷ USD tiền gửi và lạm phát 4%, tỷ giá khá ổn định. Tất cả những chỉ số đó khá lành mạnh, như vậy NHNN đáng nhận được hoan nghênh vì duy trì được hệ thống ngân hàng lành mạnh", GS John Quelch phân tích.
Tuy nhiên vị "phù thủy thương hiệu" nhận định: Rõ ràng cũng có những NH đang gặp khó khăn, ngoài ra thì cũng có những ngân hàng trên thị trường hiện nay đang có quy mô khá lớn so với nền kinh tế.
"Chúng tôi cũng muốn thấy nhiều hơn hoạt động mua lại và hợp nhất… Tôi khuyến khích NHNN cho phép đầu tư nhiều hơn, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng nhiều hơn. Nếu như hệ thống ngân hàng muốn duy trì được sức khỏe cần có thêm đầu tư nước ngoài, có thêm cơ hội cho việc mua bán, sáp nhập để tạo ra ngân hàng có quy mô đủ lớn, phù hợp để có thể đầu tư một cách thông minh, thành công vào CNTT chất lượng cao và cũng như có thể đầu tư ra nước ngoài", GS John Quelch góp ý.
GS John Quelch cho rằng: Chất lượng cần phải đảm bảo tương đương kỳ vọng khách hàng, không nhất thiết chất lượng phải là cao nhất trên thị trường. Nhưng phải là chất lượng đáp ứng được khách hàng kỳ vọng từ thương hiệu. Có rất nhiều thương hiệu thành công không phải là cung cấp sản phẩm chất lượng cao nhất trên thị trường, nhưng quan hệ giá thành và chất lượng vô cùng tích cực.
GS John Quelch dẫn ví dụ về Ngân hàng HSBC, ngân hàng này cách đây 10 năm đã phát triển chiến lược định vị thương hiệu hết sức thành công. HSBC định vị là Ngân hàng địa phương toàn cầu thế giới với hàm ý, nếu là một công ty đa quốc gia đang chuẩn bị gia nhập thị trường châu Á thì hãy tìm đến HSBC, ngân hàng HSBC đã tích cực làm việc với địa phương để có thể giúp các công ty quốc tế gia nhập thị trường. Còn nếu là một doanh nghiệp (DN) nhỏ ở châu Á, thì HSBC lại có thể cung cấp các kinh nghiệm toàn cầu cho DN thông qua các mạng lưới toàn cầu lớn giữa các DN vừa, nhỏ để vươn ra quốc tế. Thương hiệu "ngân hàng địa phương toàn cầu" của HSBC là một chiến lược tuyên bố, định vị thương hiệu rất mạnh và thông minh của ngân hàng này.
"Nếu ngân hàng Việt muốn khác biệt trong ngân hàng thì cần tạo ra một điều gì đó thật sự đặc biệt", GS John Quelch nói.

Ông Peter Verhoeven-chuyên gia cao cấp về phát triển thương hiệu đến từ châu Âu - Ảnh: VGP/HT
Còn ông Peter Verhoeven-chuyên gia cao cấp về phát triển thương hiệu đến từ châu Âu cũng chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế rất đáng chú ý. Theo ông, thương hiệu ngân hàng chỉ có thể phát triển bền vững nếu nó "ăn sâu" vào trải nghiệm khách hàng hàng ngày. Tức là, từ ứng dụng ngân hàng điện tử, dịch vụ tại quầy, đến cách giải quyết khiếu nại, tất cả đều phải nhất quán về thông điệp và giá trị.
Ông cũng đề nghị rằng các ngân hàng Việt cần sử dụng công nghệ như một công cụ để cá nhân hóa dịch vụ, thay vì chỉ xem đó là kênh để mở rộng quy mô.
"Ngoài ra, ông cũng cảnh báo rằng thương hiệu ngân hàng rất dễ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng niềm tin, đặc biệt khi có sự cố liên quan đến bảo mật, lạm dụng dữ liệu cá nhân hoặc thông tin tài chính sai lệch. Vì vậy, bảo mật và đạo đức dữ liệu cần được xem là yếu tố nền tảng trong chiến lược thương hiệu hiện đại", ông Peter Verhoeven nói.

Tọa đàm "Thương hiệu ngân hàng với thương hiệu quốc gia"
Dưới góc độ DN Việt, bà Thái Hương-Nhà sáng lập Tập đoàn TH, lãnh đạo ngân hàng Bắc Á mang đến một góc nhìn đặc biệt từ phía DN. Theo bà, muốn thương hiệu ngân hàng phát triển, thì mối quan hệ giữa ngân hàng và DN phải dựa trên sự đồng hành, minh bạch và chia sẻ rủi ro.
"DN Việt đang trên hành trình vươn ra thế giới. Nhưng nếu thiếu sự hỗ trợ tài chính vững chắc từ ngân hàng trong nước, thì rất khó có thể phát triển bền vững", bà Thái Hương khẳng định.
Bà Thái Hương cũng chia sẻ rằng ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính, mà còn góp phần định hướng tư duy và chiến lược phát triển cho DN. Đặc biệt, trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao hay xuất khẩu, vai trò của ngân hàng còn mang tính chất quyết định. "Xây dựng thương hiệu ngân hàng phải đi cùng xây dựng một hệ sinh thái tài chính gắn bó và tương hỗ với cộng đồng DN", bà Thái Hương nói.
Anh Minh