Ngành chăn nuôi ứng biến kịp thời trước những thay đổi của thị trường

Admin
(Chinhphu.vn) - Ngày 3/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới. Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chăn nuôi, thú y để giải pháp phát triển ngành chăn nuôi lợn trước những cơ hội và thách thức mới.
Ngành chăn nuôi ứng biến kịp thời trước những thay đổi của thị trường- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trưởng Phùng Đức Tiến - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thực trạng và những thách thức lớn

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai, cho biết ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, với 61,83%. Tuy nhiên, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện chỉ còn khoảng 1,9 triệu con, giảm 5,23% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chăn nuôi heo đang đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm công tác phòng chống dịch bệnh, khai báo tổng đàn, kiểm soát ra vào và di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.

Trong năm qua, Đồng Nai đã phải tiêu hủy 1.300 con heo do dịch bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Dù tỉnh đã thực hiện di dời 80% các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, 20% còn lại vẫn gặp khó khăn do thiếu quỹ đất và các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ. Trước thực trạng này, ông Sinh đã đưa ra 3 kiến nghị nhằm cải thiện hiệu quả quản lý và phát triển ngành chăn nuôi.

Thứ nhất, cần thực hiện truy xuất nguồn gốc – yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo ông Sinh, nếu không xây dựng và vận hành theo chuỗi khép kín, việc truy xuất nguồn gốc sẽ không thể thực hiện hiệu quả. Trước mắt, cần quy định và triển khai mã định danh cho các cơ sở chăn nuôi để quản lý chặt chẽ hơn.

Thứ hai, cần quy định cụ thể về việc khai báo tổng đàn trong các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung hình thức khai báo trực tuyến. Đây không chỉ là biện pháp khuyến khích mà cần trở thành quy định bắt buộc, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát dịch bệnh.

Thứ ba, cần xây dựng một phần mềm quản lý chuẩn, thống nhất trên toàn quốc, với một "nhạc trưởng" chịu trách nhiệm quy tập dữ liệu và thông tin. Hệ thống này sẽ giúp quản lý ngành chăn nuôi hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường ngày càng phức tạp.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Đảng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội đã chia sẻ những khó khăn của ngành chăn nuôi tại địa phương. Hà Nội đang mở rộng không gian quy hoạch phát triển đô thị, dẫn đến diện tích đất dành cho nông nghiệp và chăn nuôi ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh thực phẩm cho hơn 10 triệu dân và góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Ông Đảng cho rằng một số quy định trong Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đã không còn phù hợp, gây khó khăn trong triển khai. Đặc biệt, hệ thống thú y cấp xã – lực lượng bám sát địa phương, nắm bắt diễn biến dịch bệnh nhanh nhất – đang đối mặt với nhiều thách thức do quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại các địa phương. Vì vậy, ông Đảng đề xuất cần nghiên cứu thêm chính sách cụ thể để hỗ trợ lực lượng này, đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, thông tin rằng tổng đàn lợn của tỉnh hiện đạt 1,3 triệu con, với 588 trang trại chăn nuôi và hơn 88.070 hộ chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi hàng năm của Thanh Hóa ước tính khoảng 185.000 tấn. Mỗi tháng, tỉnh xuất chuồng 155.000-160.000 con lợn thịt, trong đó 110.000-115.000 con được tiêu thụ trong tỉnh, còn lại xuất bán ra các địa phương khác.

Ước tính trong quý I/2025, ngành chăn nuôi lợn của Thanh Hóa đã xuất bán khoảng 480.000 con, mang lại giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng, với lợi nhuận ước đạt 720 tỷ đồng. Cả năm 2025, tổng giá trị sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng. Để phát triển bền vững, ông Hiệp kiến nghị áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi, nhằm tự động hóa các khâu sản xuất, tối ưu hóa năng suất và giảm chi phí.

Ngoài ra, trong bối cảnh cả nước sắp triển khai mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 1/7/2025, Thanh Hóa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm, hướng dẫn tỉnh trong công tác quản lý lĩnh vực chăn nuôi và thú y, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả.

Ngành chăn nuôi ứng biến kịp thời trước những thay đổi của thị trường- Ảnh 2.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Dự báo sản lượng thịt giảm

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi của Việt Nam đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm trước, trong đó thịt lợn chiếm khoảng 62% (5,18 triệu tấn). Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong top 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dự báo năm 2025, sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ giảm nhẹ xuống còn 115,1 triệu tấn, giảm 0,8% so với năm 2024, do ảnh hưởng từ các thị trường lớn như Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, như thể chế ngày càng hoàn thiện, thị trường tiêu thụ tiềm năng, giá thức ăn chăn nuôi giảm và ổn định, cùng cơ hội tiếp cận công nghệ mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm thói quen giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát an toàn sinh học, phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, và liên kết chuỗi còn hạn chế. Đặc biệt, trong quý I/2025, giá thịt lợn tăng sớm và nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt ở phía Nam, với lượng lớn lợn từ miền Bắc được chuyển vào miền Nam.

Ông Đăng đề xuất các giải pháp trước mắt, như tăng cường phòng chống dịch bệnh, áp dụng triệt để an toàn sinh học, kiểm soát biên giới để ngăn chặn nhập lậu, mở rộng thị trường và xúc tiến xuất khẩu. Về lâu dài, cần quy hoạch lại ngành chăn nuôi, tập trung nguồn lực vào các vùng trọng điểm, đầu tư khoa học công nghệ, chuyển đổi số, và xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến phân phối.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đã "về đích ngoạn mục" trong năm 2024 và quý I/2025 ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng. Mục tiêu năm 2025 là đạt tăng trưởng 4%, với kim ngạch xuất khẩu 64-65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD. Tuy nhiên, để vượt qua các thách thức, ngành chăn nuôi cần "dĩ bất biến ứng vạn biến", triển khai các giải pháp toàn diện, kiểm soát chặt chẽ các vấn đề lớn như con giống, thức ăn, môi trường, và an toàn dịch bệnh.

Những kiến nghị từ Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa tại hội nghị cho thấy quyết tâm của các địa phương trong việc phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, và xây dựng chuỗi liên kết khép kín sẽ là chìa khóa để ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, và đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025. Với sự đồng hành của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cơ hội phát triển chăn nuôi theo tín hiệu thị trườngCơ hội phát triển chăn nuôi theo tín hiệu thị trường
Tham khảo thêm
Năm 2025: Nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng cho ngành chăn nuôiNăm 2025: Nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng cho ngành chăn nuôi