Ngành ngân hàng quyết tâm ‘trợ lực’ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8%

Admin
(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định quyết tâm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8%, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ. Ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ huy động và sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Ngành ngân hàng quyết tâm ‘trợ lực’ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8%- Ảnh 1.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là ý kiến của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế ngày 21/2 tại Hà Nội.

Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng bền vững

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đầy biến động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định ngành ngân hàng sẽ quán triệt sâu sắc tinh thần tăng trưởng bứt phá, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. Đây là nền tảng để tạo đà phát triển kinh tế cao trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, song song với nhiệm vụ tăng trưởng, NHNN cũng nhấn mạnh việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thống đốc phân tích: Năm 2025 được dự báo là năm có nhiều biến động khó lường, cả trên thế giới và trong nước. Với độ mở cửa lớn của nền kinh tế Việt Nam, các căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là sự thay đổi chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, sẽ tạo áp lực lớn lên thị trường tài chính tiền tệ.

Điều này đòi hỏi NHNN phải chủ động điều chỉnh chính sách tiền tệ và tỷ giá để ứng phó kịp thời. Trong nước, mặc dù tình hình kinh tế đã có nhiều cải thiện, nhưng doanh nghiệp (DN) và người dân vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Một trong những trọng tâm hàng đầu của NHNN là theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, từ đó chủ động đưa ra các giải pháp và công cụ điều hành phù hợp. Mục tiêu là kiểm soát lạm phát ở mức 4,5-5%, đồng thời ổn định thị trường tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây được coi là nền tảng quan trọng để đạt được tăng trưởng bền vững.

Ngành ngân hàng quyết tâm ‘trợ lực’ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8%- Ảnh 2.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT

Tăng trưởng tín dụng 16%, lấy DN nhỏ là trọng tâm

Với bối cảnh này và với mục tiêu tăng trưởng bứt phá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu những trọng tâm điều hành của ngành ngân hàng để đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Thứ nhất, NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Thứ hai, NHNN xác định tăng trưởng tín dụng hiệu quả là trọng tâm quan trọng vì kinh tế của chúng ta vẫn dựa vào vốn của hệ thống ngân hàng. Năm 2025, NHNN đã đưa ra định hướng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động.

"Trong năm nay chúng tôi cũng phải căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5-5%, chúng tôi sẽ đánh giá. Nếu diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn dự kiến thì chúng tôi sẽ có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng. Ngược lại, nếu lạm phát có nguy cơ thì chúng tôi cũng sẽ có báo cáo và có những điều chỉnh chính sách", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Để hỗ trợ nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng ở mức cao, Thống đốc cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hành lang pháp lý để đối với các kênh đưa tiền ra sẵn sàng hành lang pháp lý khi cần các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì đã có cơ sở thực hiện.

NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các gói tín dụng như là gói tín dụng thủy sản 100 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở là 120 nghìn tỷ đồng.

Người đứng đầu ngành ngân hàng phân tích thêm: lãi suất và tỉ giá là những biến số sẽ tác động đến câu chuyện thị trường trong nước và dòng vốn vào ra của nền kinh tế. NHNN đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến, thậm chí là diễn biến hàng ngày để có sự chủ động trong điều tiết.

Kết luận tại Hội nghị, một trong những yêu cầu được lãnh đạo Chính phủ lưu ý là NHNN phải kiểm soát chặt chẽ về lãi suất cho vay. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý: Ngân hàng nào tự ý tăng lãi suất cho vay không hợp lý (nhất là tăng lãi suất trong khi khi thế giới giảm lãi suất) , không làm đúng định hướng của Chính phủ, NHNN về hỗ trợ DN vay vốn thì các cơ quan quản lý phải có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời.

Riêng với lãi suất, lãnh đạo NHNN khẳng định đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có thể tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ cho DN và người dân. Tuy nhiên, điều hành lãi suất sẽ phải kết hợp tổng thể các điều hành về vấn đề tỉ giá.

Cụ thể, về tỉ giá, lãnh đạo ngành ngân hàng cho rằng cốt lõi là cung cầu ngoại tệ. Hiện nay tỉ giá đang chịu áp lực, Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành cần có giải pháp để hài hòa hóa thương mại với các đối tác lớn để làm sao chúng ta không vào danh sách chịu áp thuế.

Riêng về lĩnh vực bất động sản, Thống đốc NHNN cho hay: Dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay là 3,48 triệu tỷ đồng, nhưng nhiều dự án đang gặp khó khăn. NHNN đề xuất tháo gỡ các vướng mắc để dòng tiền quay trở lại ngân hàng, giúp lưu thông dòng vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng.

Nêu các kiến nghị, ở góc độ vĩ mô, Thống đốc NHNN cho rằng, để đạt được tăng trưởng cao thì cần phải khai thác tối đa các yếu tố đầu vào, đó là yếu tố về vốn, vốn thì phải huy động cả trong nước và nước ngoài, vì bản chất nền kinh tế của chúng ta là tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư.

Do đó, các bộ, ngành cũng đang thực hiện, nghiên cứu, rà soát việc tăng hiệu quả huy động và sử dụng vốn từ nước ngoài.

Thống đốc NHNN bày tỏ đồng tình nhất trí rất cao với với chủ trương cải cách tháo gỡ khó khăn, giảm tầng nấc trung gian, làm sao rút ngắn thời gian phê duyệt, triển khai dự án, đây cũng là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, dòng vốn sẽ có cơ hội quay vòng nhiều hơn, từ đó, ngành ngân hàng tiếp tục có điều kiện mở rộng cấp tín dụng cho DN và người dân, giúp việc giảm lãi suất cho vay thuận lợi hơn.

Lãnh đạo NHNN cũng nêu quan điểm: Năng suất lao động và đổi mới sáng tạo là hai yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, NHNN kêu gọi các bộ, ngành và DN tập trung vào việc nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng: Đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để tăng trưởng bứt pháNgành ngân hàng năm 2025: Tăng tốc tín dụng gắn với kiểm soát rủi roNgân hàng nỗ lực vượt thách thức, sẵn sàng cho năm tăng tốc bứt phá

Đại diện NHNN kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp để thúc đẩy hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đồng thời đánh giá nhu cầu nhà ở để có các giải pháp phù hợp.

Đối với tín dụng nhà ở, ngành ngân hàng rất quyết liệt dành nguồn lực tài chính của hệ thống, tuy nhiên, người dân có thu nhập thấp rồi thì không phải ai cũng có mong muốn đi vay để sở hữu nhà.

"Do đó, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp. Về phía ngành ngân hàng, chúng tôi cũng sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn", Thống đốc khẳng định quan điểm.

Huy Thắng