Ngành nông nghiệp cơ bản đạt và vượt các mục tiêu đề ra

Admin
(Chinhphu.vn) - Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đã đạt 56,74 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 16,46 tỷ USD, tăng 52,8%.
Ngành nông nghiệp cơ bản đạt và vượt các mục tiêu đề ra- Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đến thời điểm này đã đạt 8,5 triệu tấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến cuối tháng 11, cả nước đã gieo cấy được 7.825 nghìn ha lúa, bằng 104% cùng kỳ. Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 6.853,8 nghìn ha, bằng 100,1% so với cùng kỳ; sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt 42,12 triệu tấn, bằng 101,1% so với cùng kỳ, năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha.

Đối với ngành chăn nuôi, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 11 tăng khoảng 3,5% so với cùng thời điểm năm 2023; chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, đàn gia cầm cả nước tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước

Tính đến cuối tháng 11, cả nước đã trồng mới được 232.000ha rừng tập trung, tăng 5,1 % so với cùng kỳ năm trước. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 11 tháng năm 2024 ước đạt 5.189,4 nghìn tấn, tăng 3,9%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận về kết quả đạt được của ngành nông nghiệp đến thời điểm này: "Ngành nông nghiệp đã cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách do biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh. Sự tăng trưởng của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững chỉ số giá tiêu dùng. Với đà phát triển như hiện nay, chắc chắn nguồn thực phẩm phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ ổn định, không có sự biến động".

Ngành nông nghiệp cơ bản đạt và vượt các mục tiêu đề ra- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trong một chuyến công tác hỗ trợ ngư dân sau bão số 3 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Điểm sáng xuất khẩu

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay là một điểm sáng, đánh dấu những cột mốc quan trọng của ngành nông nghiệp. Tính đến hết tháng 11/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt mức 56,74 tỷ USD, nếu trong tháng 12 chúng ta thu khoảng 5 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản thì kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2024 sẽ vượt 61 tỷ USD. Đáng chú ý, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích: "Hàng năm, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp thường chiếm 65 - 72% toàn nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần khẳng định, đây là thu thật, khẳng định lợi thế, tiềm năng của ngành nông nghiệp đang được khơi thông. Đóng góp lớn cho thặng dư thương mại ngành nông nghiệp vẫn là gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Hiện, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 năm 2024 ước đạt 1,4 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2024 đạt 14,62 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh ký kết các Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ngành hàng rau quả cũng đã xuất siêu 4 tỷ USD sau 9 tháng năm 2024".

Nhìn nhận về động lực để ngành nông nghiệp đạt được kết quả như hiện nay với hàng loạt kỷ lục mới đã được thiết lập, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, có kết quả như hôm nay, đầu tiên, phải kể đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Sau cơn bão số 3, Chính phủ đã có Nghị quyết 143, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 100 chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết lại sản xuất.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, toàn ngành nông nghiệp đã tỏa đi các địa phương đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất, ưu tiên các nhóm cây ngắn ngày, các loại thủy cầm, gia cầm; khuyến khích các địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão lũ tăng tốc sản xuất. Đáng chú ý, công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường trong năm qua đạt được nhiều thành tựu. 

Ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, ngành nông nghiệp xác định sẽ đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm nông sản vào thị trường Halal. Hiện, một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi như Deheus, Hùng Nhơn đang rà soát lại khâu chế biến, an toàn thực phẩm, vùng nguyên liệu để trong tương lai không xa nữa thịt gà chế biến của Việt Nam sẽ tiến vào thị trường Halal. Yêu cầu của thị trường Halal rất chặt chẽ, các nước không công nhận tiêu chuẩn của nhau nên chúng tôi xác định vào được thị trường nào phải chắc thị trường đó", lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hiện đại hóa thủy lợi nội đồng để nâng tầm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu LongHiện đại hóa thủy lợi nội đồng để nâng tầm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long
Tham khảo thêm
Thu hút nguồn lực tạo các đối tác phát triển nông nghiệp bền vữngThu hút nguồn lực tạo các đối tác phát triển nông nghiệp bền vững