Ngành thuế, hải quan đẩy mạnh cải cách lấy DN làm trung tâm

Admin
(Chinhphu.vn) - Chiều 16/10, tại Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024 với chủ đề "Cải cách Thuế - Hải quan: Vì sự phát triển bền vững của DN”.
Ngành thuế, hải quan đẩy mạnh cải cách lấy DN làm trung tâm- Ảnh 1.

Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024. Diễn đàn năm nay có chủ đề "Cải cách Thuế - Hải quan: Vì sự phát triển bền vững của DN” - Ảnh: VGP/HT

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Thu Phong, Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn là cơ quan liên tục đi đầu về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhiều năm liền, Bộ Tài chính liên tục nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Tài chính đã đạt những bước tiến lớn trong công tác cải cách hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực, được người dân, doanh nghiệp (DN) và tổ chức đánh giá cao.

Ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định: Công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN và các bên liên quan cũng luôn được ngành hải quan xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành; được thực hiện ở cả 3 cấp Tổng cục, Cục, Chi cục và tập trung vào các hoạt động chủ yếu như: Thông tin, hỗ trợ DN; tham vấn DN và các bên liên quan; giám sát thực thi pháp luật; hợp tác Hải quan-DN.

Ngành thuế, hải quan đẩy mạnh cải cách lấy DN làm trung tâm- Ảnh 2.

Ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT

Theo đó, cơ quan hải quan luôn tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cho người dân và DN nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hải quan...

Đồng thời, cơ quan hải quan các cấp cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN thông qua các nội dung như: Hướng dẫn thực thi quy định pháp luật về thuế, hải quan; giải đáp vướng mắc pháp luật hải quan; công khai mức độ tuân thủ...

Có thể khẳng định, việc triển khai các giải pháp phát triển quan hệ đối tác đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực cho cả cơ quan hải quan và cộng đồng DN; góp phần quan trọng trong việc xây dựng sự hiểu biết, đồng thuận, đồng hành giữa cơ quan hải quan và DN trong việc thực hiện pháp luật về hải quan.

Phó Tổng Cục trưởng Trần Đức Hùng cho biết: Hiện nay, Hải quan Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 là với mục tiêu là: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan.

Do đó, trong thời gian tới, ngành hải quan sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính hơn nữa, tiếp tục tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Đẩy mạnh nâng cấp hệ thống CNTT hiện tại, đồng thời tích cực thực hiện chuyển đổi số trong ngành hải quan, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và DN.

"Công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN và các bên liên quan sẽ tiếp tục được ngành hải quan đẩy mạnh triển khai, tích cực đổi mới, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; thực sự coi DN là đối tác hợp tác; lấy sự hài lòng của DN là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan", ông Trần Đức Hùng nói.

Ngành thuế, hải quan đẩy mạnh cải cách lấy DN làm trung tâm- Ảnh 3.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Toàn ngành thuế đã đẩy mạnh cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế, theo đó đã hoàn thành chương trình cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính theo chủ trương của Chính phủ.

Tổng cục Thuế tổ chức nhiều hoạt động như hội nghị đối thoại, trao đổi, tọa đàm theo hình thức để hỗ trợ cộng đồng DN. Cơ quan thuế các cấp tập trung tuyên truyền, hỗ trợ trợ hiệu quả, nhanh chóng cho NNT dưới nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là bằng phương thức điện tử.

Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ thuế điện tử tiếp tục được vận hành, triển khai ổn định, hỗ trợ kịp thời 24/7 cho NNT sử dụng các dịch vụ thuế điện tử với tỷ lệ hỗ trợ trên 95%.

Ngành thuế đã, đang tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin với phương châm lấy NNT là trung tâm để thiết kế các ứng dụng, đảm bảo tăng cường tính linh hoạt, tích hợp của hệ thống và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược dài hạn của ngành thuế....

Hiện nay, tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng đạt 99,95%; tỷ lệ sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,2%; tỷ lệ DN thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 99%; 100% DN, tổ chức đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Quyết định số 508/QĐ-TTg. Trong đó, mục tiêu đặt ra đối với ngành Thuế đến năm 2030 là "Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, ông Vũ Lê Huy cho biết: Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đặt mục tiêu phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, DN làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước. Cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách.

TIN LIÊN QUANThuế, Hải quan phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3Đối thoại với DN Hàn Quốc, gỡ vướng trong lĩnh vực thuế, hải quanĐối thoại giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quanĐối thoại giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện DN, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đã trao đổi về các giải pháp đẩy nhanh quá trình cải cách thuế - hải quan giai đoạn tới. Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam mong muốn ngành thuế, hải quan tăng cường cơ chế tiếp nhận phản hồi nhanh với DN; tăng cường tư vấn cụ thể, chi tiết nghĩa vụ và trách nhiệm của DN; có hệ thống thuế và hải quan tự động hoàn toàn để mọi sai sót được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng, không gây khó khăn cho DN, đồng thời giảm thiểu tối đa các cuộc thanh, kiểm tra.

Tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn cho biết, Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) sửa đổi 17/20 điều của Luật Thuế thu nhập DN hiện hành, tập trung vào 6 vấn đề lớn, trong đó, sửa đổi quy định liên quan đến khoản thu nhập chịu thuế, miễn thuế; sửa đổi các quy định liên quan đến các khoản được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập DN; ưu đãi về thuế thu nhập DN...

Anh Minh