Ngành thuế theo dõi sát sao sức khỏe DN, ‘nuôi’ nguồn thu bền vững

Admin
(Chinhphu.vn) – Với tiến độ thực hiện thu ngân sách Nhà nước (NSNN) như hiện nay, nếu tính cả dự toán năm 2025 mà Quốc hội, Chính phủ giao tại Nghị quyết 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024, thu NSNN giai đoạn 2021-2025 cán đích trên 9 triệu tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính ngân sách đề ra.
Ngành thuế theo dõi sát sao sức khỏe DN, ‘nuôi’ nguồn thu bền vững- Ảnh 1.

Đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia trao đổi tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Chiều 18/12, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững".

Miễn, giảm, gia hạn thuế hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động mạnh mẽ, việc đảm bảo thu ngân sách bền vững là nhiệm vụ then chốt đối với mỗi quốc gia. Thu ngân sách không chỉ là nguồn lực chính để Nhà nước thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình mà còn là nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Trên cơ sở mục tiêu kế hoạch tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội, hàng năm Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) cho các địa phương và chỉ đạo cơ quan thuế tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.

Tổng thu NSNN năm 2024, do cơ quan thuế quản lý ước vượt 16,5% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023; đây là năm đầu tiên số thu ngành Thuế quản lý vượt mốc trên 1,7 triệu tỷ đồng.

Như vậy, tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, đạt 86,5% so mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là 8,3 triệu tỷ đồng, trong đó: tổng thu do cơ quan thuế quản lý luỹ kế 2021 - 2024 ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, bằng 119% so với dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn khoảng 8,6%/năm.

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong nhiều năm qua, ngành Thuế đã luôn nỗ lực, quyết liệt triển khai, theo dõi sát sao sức khoẻ doanh nghiệp, diễn biến kinh tế thế giới và trong nước. Ngành Thuế đã đánh giá tác động tới từng khoản thu, sắc thuế, địa bàn, nhận diện sớm những rủi ro để kịp thời tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành và triển khai đồng bộ các gói chính sách tài khoá mở rộng ngay từ đầu năm 2021 đến nay với quy mô lớn.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin, năm 2025, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 2021-2025, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành thuế sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội, Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành, các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN, hoàn thành toàn diện các mục tiêu đã đề ra.

Đánh giá cao những hiệu quả của ngành thuế, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao động cho rằng, trong nhiều năm qua, chính sách thuế đã thể hiện rõ nét quan điểm kiến tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế; 4 năm qua, việc miễn giảm, gia hạn thuế với tổng số tiền lên đến hơn 800 nghìn tỷ đồng là một minh chứng cho nỗ lực của ngành tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình, thể hiện việc "nuôi dưỡng nguồn thu bền vững" khi tổng thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu hơn 940 nghìn tỷ đồng.

Ngành thuế theo dõi sát sao sức khỏe DN, ‘nuôi’ nguồn thu bền vững- Ảnh 2.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm 2024 tiếp tục là một năm có có nhiều khó khăn, thách thức khi các doanh nghiệp vừa phải phản ứng với những biến động khó lường của thị trường thế giới; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm trước và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ…

Ngành thuế theo dõi sát sao sức khỏe DN, ‘nuôi’ nguồn thu bền vững- Ảnh 3.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Trong bối cảnh đầy khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận các cơ quan Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong khắc phục những khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản sửa đổi phù hợp về thuế, quy trình thủ tục, tham mưu ban hành các chính sách kịp thời về miễn, giảm, gia hạn về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước quốc hội vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.

Ngành thuế vượt khó, nâng hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử

Nhiều năm liền, Bộ Tài chính liên tục nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

"Đặc biệt, đối với công tác đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với VCCI tổ chức các chương trình đối thoại, giải đáp các khó khăn, vướng mắc phát sinh của cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2005 đến này. Hàng chục ngàn lượt doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, làm rõ các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh" - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Về công tác chuyển đổi số, hiện đại hoá trong ngành Thuế, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành thuế là một trong các cơ quan nhà nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế. Nổi bật như dịch vụ khai thuế điện tử được triển khai từ năm 2009, nộp thuế điện tử năm 2014, hoàn thuế điện tử năm 2017 và tích hợp trên một hệ thống Dịch vụ Thuế điện tử (eTax) từ năm 2018. Ngành thuế cũng sẽ xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách... đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

Anh Minh