Ngày vía Thần Tài 2022: Cúng giờ nào để cả năm tài lộc dồi dào?

Admin
Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Vậy trong ngày vía Thần Tài 2022 cúng giờ nào thì tốt?

Theo một chuyên gia nghiên cứu văn hóa, người Việt thờ Thần Tài với mong muốn Thần Tài mang đến tài lộc, sự sung túc, giàu có và thịnh vượng.

Ngày vía Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Vào ngày này, các gia đình, cửa hàng kinh doanh, công ty thường làm lễ cúng Thần Tài, cầu mong một năm mới may mắn, làm ăn thuận lợi, phát tài phát lộc.

Những năm gần đây, cứ đến ngày vía Thần Tài, nhiều người còn đi mua vàng về cúng Thần Tài để lấy hên đầu năm, vàng hình linh vật của năm thường được ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là thói quen phổ biến ở các đô thị lớn, còn ở vùng nông thôn, việc mua vàng ngày vía Thần Tài vẫn chưa rộng rãi.

Năm Nhâm Dần 2022, ngày vía Thần Tài rơi vào thứ Năm, ngày 10 tháng Giêng (tức ngày Giáp Ngọ, tháng Nhâm Dần, năm Nhâm Dần), tương ứng là ngày 10/2/2022 dương lịch. Theo chuyên gia phong thủy, các khung giờ dưới đây được coi là đẹp, linh thiêng để tiến hành nghi lễ cúng vía Thần Tài năm nay.

5h-7h, giờ Đinh Mão, tức giờ Ngọc Đường hoàng đạo. Giờ Ngọc Đường có sao Thiếu Vi và sao Thiên Khai đồng ngự. Đây là 2 tinh tú chủ về công danh và phú quý. Giờ Ngọc Đường thích hợp tiến hành cúng lễ cầu tài lộc, kiếm tìm, gây dựng hoặc triển khai sự nghiệp.

15h-17h, giờ Nhâm Thân, tức giờ Thanh Long hoàng đạo. Đây là giờ thuộc khung của sao Thiên Ất, là giờ vạn sự có thành, thích hợp làm bất cứ công việc gì.

17h-19h, giờ Quý Dậu, tức giờ Minh Đường hoàng đạo. Khung giờ này có sao ngự trị là Minh Phổ và Quý Nhân, giờ này thích hợp đi cầu người giúp đỡ sẽ thành.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, trong ngày vía Thần Tài, bạn nên tránh làm những việc “đại kỵ” dưới đây :

-Quên tắm tượng Thần Tài và ông Địa: Cần lau sạch bụi bẩn, tẩy uế bằng nước hoa bưởi hoặc nước gừng để làm sạch tượng Thần Tài, ông Địa. Khăn dùng tắm rửa cho tượng không dùng làm việc khác. Sau khi lau tắm rửa 2 tượng sạch sẽ, nên lau khô lại rồi mới bắt đầu làm lễ cúng. Không được để 2 tượng vẫn còn ướt mà tiến hành cúng bái. Bên cạnh đó, bàn thờ và các đồ cúng của Thần Tài nên được lau dọn sạch sẽ, không để nhiễm bụi bẩn.

-Để bàn thờ Thần Tài lộn xộn: Trên bàn thờ, các vật thờ cúng không được để lung tung. Cụ thể, tượng Thần Tài để ở bên trái bàn thờ, bên phải là tượng ông Địa, chính giữa đặt bát nhang. Ba hũ gạo, muối và nước sẽ được đặt chính giữa hai ông cùng với mâm hoa quả ở bên trái, bình hoa ở bên phải.

-Cúng trái cây giả: Hoa cúng Thần Tài không nên dùng đồ giả. Cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt; quả thì chọn loại tươi, ngon.

-Đặt ban thờ ở nơi không sạch: Ban thờ Thần Tài được đặt dưới đất nhưng phải chọn nơi sạch sẽ, trang nghiêm, để hướng ra cửa chính hoặc gần với cửa chính. Tuyệt đối không được đặt bàn thờ Thần Tài ở gần nhà vệ sinh, nhà tắm hay nhà bếp.

-Không nghiêm túc, chỉnh tề: Điều đầu tiên thể hiện sự thành kính của gia chủ khi làm lễ cúng là giữ tâm thành kính, thể hiện qua thái độ nghiêm túc, trang phục nghiêm chỉnh khi dâng lễ. Khi tiến hành lễ cúng Thần Tài, không nên ăn mặc xuề xòa, luộm thuộm, trang phục phải sạch sẽ, gọn gàng. Theo phong tục dân gian, thái độ kính cẩn, sự thành tâm mới là điều quan trọng nhất trong các lễ cúng thần linh, gia tiên.

-Nói tục, gây gổ, tranh cãi: Không tranh cãi hay nói tục chửi bậy, to tiếng với nhau trong lễ cúng Thần Tài. Thay vào đó, cần giữ hòa khí và sự ôn hòa, vui vẻ.

* Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo

Minh Hoa (t/h)