Tâm huyết với nghề
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về giáo dục và nghệ thuật, cô giáo Hạnh sớm có năng khiếu nghệ thuật và được hun đúc tình yêu với nghề gieo chữ từ bố mẹ. Ước mơ được làm cô giáo giáo dục mỹ thuật cho học sinh từ bé đã thôi thúc cô Hạnh quyết tâm thi vào ngành Sư phạm Mỹ thuật của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và rèn luyện để đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy.
Tháng 6/2001, vừa tốt nghiệp đại học, cô Hạnh vinh dự được Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Đô (Cầu Giấy) xin về công tác tại trường do có thành tích tốt trong quá trình học tập. Tháng 8/2003, cô Hạnh đầu quân về Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) - một ngôi trường với bề dày thành tích dạy và học. Đây cũng là cơ hội để cô thoả sức đam mê, phát triển nghề.
Cô Hạnh được tham gia dạy mẫu các băng hình cho toàn quốc áp dụng phương pháp mới. Cách dạy cổ truyền đã dần được thay thế bởi những phương pháp linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, kích thích niềm đam mê của học sinh và khiến các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Cô say mê với phương pháp mới này đến nỗi đồng nghiệp thường bảo cô là “cô đồng nát” bởi xe máy hay các tủ làm việc luôn chất kín những đồ tái chế - vật liệu không thể thiếu trong dạy mỹ thuật nếu muốn phương pháp mới áp dụng có hiệu quả.
Cô giáo Phạm Thị Hạnh và cô giáo Lưu Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Diệu cạnh bức tranh vẽ "chân dung cô giáo của em" do hơn 40 em học sinh vẽ bằng sơn màu được treo tại trường.
Song song với việc giảng dạy, truyền lửa đam mê vẽ tranh cho các em, cô giáo Hạnh viết những sáng kiến kinh nghiệm dạy và học phương pháp mới cho các đồng nghiệp. “Phương pháp mới đòi hỏi phải tìm tòi, sáng tạo, bỏ nhiều công sức để đổi mới dạy, học cho học sinh. Do đó, người giáo viên phải thực sự yêu nghề, tâm huyết và dành nhiều thời gian, nỗ lực để mỗi tiết học là một niềm vui, niềm hứng khởi”, cô Hạnh cho biết.
Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô Hạnh được Thành phố đánh giá cao, xếp loại cao trong nhiều năm liền như đề tài: “Một số biện pháp giúp học sinh thể hiện tính hồn nhiên trong tranh”; “Sử dụng phương pháp gợi mở trong giảng dạy Mĩ thuật”; “Một số biện pháp giúp học sinh hứng thú học tập nặn, tạo dáng tự do”; “Một số kinh nghiệm về việc đổi mới phương pháp dạy học trong phân môn vẽ tranh cho học sinh tiểu học”…
Cô Hạnh quan niệm, ai sinh ra chỉ sống một lần duy nhất trên đời nên mình hãy cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho xã hội bằng sự sáng tạo của mình. Do đó, cô Hạnh luôn sắp xếp công việc của mình một cách hợp lý, logic để thuận tiện hơn, luôn “phát minh” ra những thứ mới lạ giúp cho công việc và cuộc sống trở nên thuận tiện, dễ dàng, hiện đại và tiện nghi hơn.
Cô giáo Phạm Thị Hạnh được vinh dự được UBND TP Hà Nội trao danh hiệu “Người tốt, việt tốt” năm 2024.
Chính cách làm việc khoa học, sáng tạo và có trách nhiệm đó, nên năm 2017, khi chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, cô Hạnh được tín nhiệm giao phụ trách Tổ Chuyên biệt- Tự chọn (lúc đó gọi là tổ văn, thể, mỹ). Để đáp ứng công việc, cô Hạnh tiếp tục học thêm Thạc sỹ Quản lý Hành chính nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia, Cử nhân Chính trị học của Học viện Báo chí tuyên truyền, Thạc sỹ Lý luận và phương pháp dạy học Mỹ thuật để học cách quản lý, cách truyền thông và học chuyên sâu các chất liệu trong mỹ thuật.
“Tôi may mắn vì có nhiều cơ hội được học tập, bồi dưỡng chuyên môn không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Chuyến đi học tập “Lãnh đạo trường học trong tương lai” của tại Philippinnes vào tháng 8/2023 vừa qua đã giúp tôi có thêm phương pháp dạy mới, giúp mỗi tiết dạy lại càng trở nên thú vị hơn. Những khóa học tập, tập huấn trong nước cũng không kém phần hấp dẫn, thú vị.
Ngoài những buổi tập huấn chuyên đề Thành phố, chuyên đề quận, trường, tôi còn được tham gia thêm những khóa học bồi dưỡng giáo viên cốt cán. Đó quả thực là những ngày tuyệt vời vì cứ đến cuối khóa học, tôi lại thu gom được rất nhiều kinh nghiệm cho quá trình giảng dạy và áp dụng sau này. Tôi lại tiếp tục triển khai, áp dụng hiệu quả nhất để không phụ lòng các cấp lãnh đạo đã tin tưởng trao cho tôi những cơ hội tuyệt vời đó”- cô Hạnh nói.
Mỗi một tiết dạy hàng ngày, cô Hạnh đều chuẩn bị đầy đủ đồ dùng dạy học từ tranh ảnh, mẫu vật thật đến việc thiết kế bài giảng trên powerpoint cẩn thận và chu đáo. Những tiết hội giảng, chuyên đề, thi giáo viên giỏi các cấp, cô giáo Hạnh đều luôn có những hình thức đổi mới, những phương pháp tiên tiến và cả những đồ dùng dạy học sáng tạo để góp phần vào thành công của tiết học. Mỗi một đồ dùng dạy học sáng tạo không chỉ được dùng trong một hoạt động mà còn được phát huy hiệu quả xuyên suốt tiết học, có thể sử dụng vào những bài học khác, thậm chí vào cả các môn học khác. Chính vì vậy, tiết dạy của cô không chỉ được các lãnh đạo đánh giá cao, học sinh hăng hái tham gia.
Đau đáu với chuyển đổi số, ứng dụng AI trong sáng tạo nghệ thuật
Chia sẻ với chúng tôi, cô Hạnh vẫn luôn tâm niệm, nghệ thuật chính là trí tưởng tượng, là sáng tạo. Nhưng nghệ thuật cũng có tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Hiện nay, trong thời đại 4.0, công nghệ số đã hầu như chiếm lĩnh hầu hết các mặt của đời sống xã hội. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy Mỹ thuật ở cấp tiểu học giúp tạo ra môi trường học tập sinh động và hỗ trợ các em phát triển kỹ năng nghệ thuật một cách hiệu quả. AI còn phát hiện và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật bằng cách phân tích phong cách vẽ và sự sáng tạo của học sinh, từ đó giúp giáo viên phát hiện sớm những tài năng nghệ thuật tiềm ẩn và bồi dưỡng đúng hướng.
“Nhìn chung AI không chỉ hỗ trợ giảng dạy mà còn giúp kích thích sự sáng tạo và phát triển toàn diện kĩ năng nghệ thuật cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ này nên thực hiện một cách hợp lý và phù hợp với độ tuổi và trình độ của các em”- cô Hạnh nói.
Bên cạnh đó, cô giáo Hạnh còn tổ chức và hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa trong sáng tạo mỹ thuật dưới hình thức worshop, tham quan triển lãm và trao đổi, chia sẻ trải nghiệm. “Với đa số học sinh đang học tập tại trường tiểu học Hoàng Diệu và sinh sống tại trên địa bàn quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, đại đa số gia đình các em đều có điều kiện tiếp xúc nhiều với internet nên có khả năng cảm thụ thẩm mỹ tốt. Chính vì vậy, các em thường nhận thức nhanh cấu tạo, đặc điểm hình dáng trang phục, nắm bắt tốt được đặc điểm đề tài, màu sắc, chất liệu, kĩ thuật tranh ghép mảnh Byzantine, kĩ năng sử dụng các vật dụng trong quá trình thực hành.
Cô Hạnh tổ chức các buổi workshop giúp các em được tự do trong việc thể hiện bài từ các chất liệu giấy báo màu, giấy màu, nỉ, decal hay sử dụng công cụ paint trên máy tính để thể hiện một tác phẩm mỹ thuật yêu thích. Việc vận dụng nghệ thuật trang trí ghép các vật liệu như sỏi, củ quả, hạt, vải, giấy giúp học sinh biết một số kiến thức về nguyên lý nghệ thuật tạo hình như màu, hình, nét, bố cục, đường diềm”- cô Hạnh chia sẻ.
Với sự đổi mới và nhiều sáng tạo, cô Hạnh được ban giám hiệu nhà trường và các cấp lãnh đạo ghi nhận, khen thưởng, biểu dương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Năm 2024, cô Hạnh được tôn vinh giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. “Đó cũng chính là những phần thưởng quý giá, là nguồn động viên to lớn giúp tôi ngày càng phát huy những khả năng của mình, phát huy sự sáng tạo trong mình”, cô Hạnh cho biết.
Nữ giáo viên hết lòng với công tác thiện nguyện
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cô Hạnh còn là cô giáo có tấm lòng nhân ái, luôn có trách nhiệm với cộng đồng. Cô luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong năm 2013 và năm 2015, cô Hạnh đã kêu gọi ủng hộ cho học sinh các điểm trường Nặm Hùm, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng mua sách vở, quần áo, thực phẩm cho các em học sinh, mỗi năm được 50 triệu đồng.
Năm 2019, cô đứng ra kêu gọi bạn bè, gia đình, tổ dân phố ủng hộ 30 triệu đồng cho nạn nhân vụ cháy ở Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Cô giáo Phạm Thị Hạnh giành giải Xuất sắc trong cuộc thi Nhà giáo Tâm huyết sáng tạo quận Ba Đình năm 2024
Năm 2023, cô giáo Hạnh đã kêu gọi gia đình và người nhà ủng hộ 105 triệu đồng cho các điểm trường Liên Tòng, xã Liên Tòng và các điểm trường Thượng Phùng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để làm bể nước nóng cho các em tắm, xây giếng, làm bể chứa nước, mua quần áo, cặp sách. Đồng thời, kêu gọi ủng hộ 65 triệu đồng cho vụ cháy chung cư mini ở số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội để hỗ trợ các gia đình gặp nạn.
Năm 2024, cô Nguyễn Thị Hạnh tham gia chương trình từ thiện của trường Tiểu học Hoàng Diệu tặng quà cho học sinh trường Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu để mua máy giặt, sách vở, thực phẩm cho học sinh. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm cô kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội để giúp chùa chăm sóc trẻ em; tham gia ủng hộ làng Ung thư Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội; đóng góp vào việc lắp đặt hệ thống xử lý rác thải nhựa gây ung thư cho người dân. Bản thân cô Hạnh cũng đã đóng góp hàng trăm triệu đồng vào các đợt thiện nguyện do mình kêu gọi.
Từ những việc làm vô cùng ý nghĩa đó, cô giáo Phạm Thị Hạnh được UBND TP Hà Nội trao danh hiệu “Người tốt, việt tốt” năm 2024.
Đánh giá về thành tích công tác của cô giáo Phạm Thị Hạnh, cô giáo Lưu Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu chia sẻ: Cô giáo Phạm Thị Hạnh không chỉ là giáo viên tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động mà giáo viên có kho ý tưởng phong phú. Cô luôn sáng tạo trong dạy học, tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận với học sinh. Những tiết học mỹ thuật của cô Hạnh không chỉ khiến học sinh thích thú bởi nhiều màu sắc, mà còn bởi được sáng tạo trên nhiều chất liệu khác nhau. Các em được thoả sức sáng tạo, thể hiện ý tưởng qua nét vẽ của mình. Nhiều tác phẩm tranh do cô Hạnh lên ý tưởng và hướng dẫn học sinh được trưng bày tại trường. Cô Hạnh còn đào tạo, dạy dỗ, giúp nhiều học sinh phát triển năng khiếu, năng lực, đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi vẽ tranh…