Người lao động là F0 tại các doanh nghiệp tăng nhanh

Hoàng Huyền
Số công nhân lao động nhiễm bệnh trở thành F0, F1 tăng cao, chiếm gần 20% tổng số lao động nên các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch, sắp xếp nhân sự trong sản xuất, cố gắng đảm bảo tiến độ sản xuất kinh doanh.

nguoi-lao-dong-la-f0-tai-cac-doanh-nghiep-tang-nhanh-dulichgiaitrivn-doi-song-1647936342.jpg
(Ảnh: minh hoạ)

Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, những ngày qua tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP cơ bản được kiểm soát, số ca mắc giảm so với tuần giữa của tháng 3 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hiện số công nhân lao động bị mắc Covid-19, trở thành F0, F1 tăng cao khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch, sắp xếp nhân sự trong sản xuất, cố gắng đảm bảo tiến độ sản xuất kinh doanh.

Hiện, tổng số đoàn viên, công nhân lao động trở thành F0 là 46.346 (tăng 17.449 ca) so với tuần giữa tháng 3, trong đó tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có 14.415 ca (tăng 12.787 ca). 922 doanh nghiệp có đoàn viên, công nhân lao động là F0, 1.805 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; 45.595 công nhân lao động thiếu việc làm…

Nhằm kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người LĐ giải quyết chế độ về bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền, lợi ích của người LĐ, ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP cho biết: Liên đoàn Lao động TP đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn giải quyết các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; những quy định mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện, tránh những bức xúc, mâu thuẫn phát sinh có thể xảy ra.

Theo chỉ đạo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, các cấp Công đoàn cần chủ động phối hợp với cơ quan: Y tế, Bảo hiểm xã hội, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ công nhân lao động là F0 hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải quyết các chế độ về bảo hiểm xã hội theo quy định. Đồng thời, nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của CNLĐ; tăng cường thương lượng, đối thoại, chia sẻ thông tin về: Tiền lương, tiền thưởng, chất lượng bữa ăn ca, chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc... góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; triển khai các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, tổ chức chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động khó khăn do dịch bệnh Covid-19, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt vào dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022.

Tính đến nay, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã chi hơn 41 tỷ hỗ trợ cho 71.225 người lao động(trong đó hỗ trợ 1.610 CNLĐ là trường hợp F0); hỗ trợ 1.555 đoàn viên, người lao động là lực lượng ytế tuyến đầu phòng, chống dịch với số tiền 1,646 tỷ đồng.

HẠNH LÊ