Chiều 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 10 luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Điện lực (sửa đổi).
Phát triển nguồn điện gió ngoài khơi
Tại cuộc họp, ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Luật Điện lực sau khi được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, đảm bảo an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu net zero và góp phần thúc đẩy ngành điện phát triển bền vững, hiệu quả.
Một nội dung hoàn toàn mới được quy định tại Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được quy định tại chương III, gồm 2 mục và 10 điều.
Theo đó, mục 1 Quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 25), trong đó có quy định nội dung về điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới…
Mục 2 quy định về phát triển điện gió ngoài khơi gồm 4 điều, từ Điều 26 đến Điều 29 có quy định chung về phát triển điện gió ngoài khơi, khảo sát dự án, chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Trả lời câu hỏi của báo chí về nguồn điện gió ngoài khơi hiện nay, ông Hoài cho biết, với những công trình điện gió ngoài 6 hải lý sẽ được xem là điện gió ngoài khơi.
"Theo pháp luật về biển đảo hiện nay các công trình ngoài 6 hải lý quản lý sẽ khác, tuy nhiên các công trình trong phạm vi 6 hải lý hiện đang sử dụng công nghệ điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng chúng tôi tính toán đến sự thống nhất trong hệ thống pháp luật", ông Hoài nói thêm.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, Luật Điện lực năm 2024 đã đưa ra những quy định khung và Chính phủ quy định chi tiết đảm bảo tính thống nhất thực hiện sau này.
Về điện mặt trời mái nhà, ông Hoài cho hay, quy định pháp luật tương đối rõ nhưng một số vấn đề mang tính chất kỹ thuật nhằm đảm bảo độ ổn định của hệ thống điện như tỉ lệ năng lượng tái tạo sẽ quy định tùy từng thời kỳ và phụ thuộc vào hạ tầng lưới điện Việt Nam.
"Nếu nguồn điện nền phát triển tốt thì chúng ta có dư địa để phát triển năng lượng tái tạo, nhưng nếu nguồn nền chậm và ít sẽ có giải pháp như pin lưu trữ để cân bằng hệ thống điện", Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Bổ sung cơ chế giá điện 2 thành phần
Về nội dung thị trường điện cạnh tranh và mua bán điện được quy định tại chương IV gồm 3 mục và 15 điều.
Trong đó bổ sung điểm mới quy định về tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ; bổ sung phương pháp hướng dẫn và hình thức định giá đối với lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng và bổ sung cơ chế giá điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho biết, Luật Điện lực còn đưa vào những nội dung cụ thể về điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực; điều khoản thi hành.
"Để đảm bảo Luật Điện lực được triển khai hiệu quả khi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện", ông Hoài nhấn mạnh.