Nguyên nhân Ba Lan tích cực tăng dự trữ vàng

Admin
Tỉ lệ vàng trong dự trữ của Ba Lan cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Lượng vàng mà Ba Lan hiện đang nắm giữ đã vượt qua lượng kim loại quý dự trữ tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đồng thời quốc gia thành viên EU ở Đông Âu cũng đang chứng kiến khối tài sản chiến lược của mình "sinh sôi nảy nở" nhờ giá vàng cao.

Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) hiện nắm giữ 509,3 tấn vàng, nhiều hơn một chút so với lượng vàng do ECB – đơn vị thiết lập chính sách tiền tệ cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và EU – nắm giữ, theo Thống đốc NBP Adam Glapiński.

"Điều này cho thấy sự ổn định, dồi dào và khả năng thanh toán của nền kinh tế Ba Lan", ông Glapiński nói với các phóng viên trong cuộc họp báo cuối tuần qua. Vị quan chức Ba Lan coi vàng là lá chắn chống lại sự bất ổn toàn cầu và là nền tảng của chủ quyền kinh tế.

Theo ông Glapiński, vàng hiện chiếm 22% tổng dự trữ của NBP – cao hơn mục tiêu 20% mà cơ quan này đặt ra và lớn hơn con số 506,5 tấn vàng do ECB nắm giữ.

Đáng chú ý, tỉ lệ vàng trong dự trữ của Ba Lan cũng cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong liên minh. Để so sánh, ngân hàng trung ương của Cộng hòa Séc nắm giữ khoảng 3% tài sản của mình bằng vàng, trong khi của Hungary là 8% và Romania là 10%.

Nguyên nhân Ba Lan tích cực tăng dự trữ vàng- Ảnh 1.

Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) đã tăng gần gấp đôi dự trữ vàng của mình trong 5 năm qua. Ảnh: NBP

Ba Lan đã tăng tốc tích lũy vàng trong những năm gần đây. Năm 1996, NBP chỉ nắm giữ 14 tấn vàng. Đến năm 2016, con số đó đã tăng lên 102 tấn.

Tốc độ mua vào kim loại quý này đã tăng đáng kể sau năm 2022, với việc NBP tăng gấp đôi lượng vàng nắm giữ từ 228 tấn lên 480 tấn chỉ trong vòng 2 năm.

Nhờ xu hướng giá vàng tăng, đến cuối năm 2024, khối vàng dự trữ của NBP đã sinh lợi thêm 60 tỷ Zloty (14,12 tỷ Euro), ông Glapiński cho biết, nhưng nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương không có kế hoạch bán vàng của mình.

Theo nghĩa chặt chẽ, đây không phải là lợi nhuận vì nó không thúc đẩy thu nhập của ngân hàng. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản là sự gia tăng giá trị tài sản mà ngân hàng nắm giữ, trang tin tức kinh doanh Puls Biznesu lưu ý.

Khoảng 20% vàng của NBP hiện được lưu trữ tại Ba Lan, phần còn lại được gửi tại New York và London. Ông Glapiński cho biết mục tiêu của NBP là giữ 1/3 vàng của mình tại mỗi một trong số 3 địa điểm này vì mục đích an ninh.

Đầu tuần trước, Thống đốc Glapiński đã nêu ra một số lý do tại sao ngân hàng trung ương coi lượng vàng dự trữ lớn như vậy là cần thiết.

Ông cho biết vàng vẫn là thành phần an toàn nhất của tài sản dự trữ, lưu ý rằng kim loại quý không liên quan trực tiếp đến các chính sách kinh tế quốc gia, chống chịu được khủng hoảng và giữ nguyên giá trị thực của nó trong dài hạn.

"Đây là biểu tượng của sự ổn định giúp tăng cường uy tín của chúng ta trong mắt các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài," ông Glapiński nói với một nhóm người được phép thăm quan kho vàng của NBP vào ngày 7/5.

Ngân hàng trung ương coi vàng là tài sản chiến lược trong dự trữ ngoại hối của mình. Theo trang web của NBP, vàng không phải là khoản nợ phải trả và không có rủi ro tín dụng, với các đặc điểm vật lý đảm bảo độ bền và gần như không thể bị phá hủy.

Ngân hàng cho biết, vàng có xu hướng tăng giá trị trong thời kỳ bất ổn về tài chính hoặc chính trị và hỗ trợ uy tín của Ba Lan trên thị trường quốc tế.

Minh Đức (Theo NFP, TVP World)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Lãnh đạo Nga, Trung Quốc nhất trí một điều về dự án khí đốt khổng lồLãnh đạo Nga, Trung Quốc nhất trí một điều về dự án khí đốt khổng lồ
Tham khảo thêm
Thông tin mới liên quan đến công ty đứng sau Nord Stream 2Thông tin mới liên quan đến công ty đứng sau Nord Stream 2