Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hiện nay

Admin
(PNTĐ) - Trong thời gian qua, những quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và cách mạng nước ta trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đã và đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, càng tinh vi, phức tạp. Do đó, việc nhận diện và nắm rõ bản chất một số quan điểm, hiện tượng sai trái trong đời sống văn hóa văn nghệ và đưa ra đề xuất một số giải pháp đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi chúng trong thực tiễn là vấn đề thực sự cần thiết.

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Bác căn dặn các nghệ sĩ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người khẳng định: “Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết... Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Lời dạy của Bác được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Trong những năm qua, thông qua những giá trị văn hóa, những hình tượng nghệ thuật, nền văn hóa - văn nghệ nước nhà đã góp phần giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân tinh thần yêu nước, yêu chế độ, tôn kính Đảng và lãnh tụ; giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận văn hóa - văn nghệ chống lại các quá trình xâm hại văn hóa.

Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hiện nay - ảnh 1
Đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc rực rỡ sắc màu trong Chương trình "Hội xuân dâng Bác" ở tỉnh Sơn La - Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ những năm qua cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động trái chiều của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước. Đây được xem là một trong những nguy cơ lớn cần được nhận diện và xử lý để làm lành mạnh, trong sạch đời sống văn hóa, văn nghệ ở nước ta hiện nay.

Trong lịch sử văn hóa, văn nghệ nước nhà, từng có những văn nghệ sĩ có quan điểm, lập trường, nhận thức phiến diện, cực đoan, sai lầm, lệch lạc... tác động xấu đến đời sống chính trị - xã hội. Họ bị những thế lực phản động dụ dỗ, mua chuộc, lợi dụng chiêu bài “tự do dân chủ”, “tự do ngôn luận”, nấp sau những hình tượng ẩn dụ của văn học, nghệ thuật để xây dựng hình tượng nhân vật mang màu sắc chống đối, đả kích Đảng, chế độ và hoài nghi các anh hùng dân tộc và thành tựu cách mạng. Không ít hiện tượng văn học, nghệ thuật tiêu cực nảy sinh, chạy theo một số chiều hướng, như phủ nhận thành tựu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kích động sự thù hằn, gieo rắc tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động về con đường đi lên CNXH, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Bằng những chiêu thức quảng bá mang tính giật gân, câu khách, những tác phẩm này đã kích thích sự tò mò, chú ý của nhiều bạn đọc, tạo những nhận thức sai lệch về cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Không chỉ trong phạm vi văn chương mà trong các loại hình nghệ thuật khác, như âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, một số ca sĩ, nghệ sĩ cũng bị chi phối bởi cái nhìn lệch lạc, bị giật dây bởi các thế lực thù địch trong và ngoài nước, từ đó viết những ca khúc đi ngược lại giá trị chân - thiện - mỹ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí mang tư tưởng phản động.

Theo thống kê của Bộ Công an năm 2020, ở nước ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, mạng internet, 429 báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta. Hằng năm, có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng, 28.000 thư ân xá quốc tế xâm nhập, tán phát qua con đường bưu điện quốc tế dưới dạng quà tặng, khoảng 11.000 ấn phẩm được đưa vào bằng nhiều con đường khác nhau.

Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà cũng phải đối diện với những hiện tượng mới nảy sinh, như trường hợp một số văn nghệ sĩ, trí thức có uy tín, từng công tác, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật muốn vận động, thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập”. Tổ chức này đã mạo danh chấn hưng nền văn học để thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối thông qua các hoạt động bất hợp pháp, chống phá Đảng và chế độ ta. Đồng thời, còn có hiện tượng không ít văn nghệ sĩ tận dụng những lợi thế của những trang mạng cá nhân, các blog, tài khoản zalo, trang mạng xã hội facebook để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan. Cảm xúc nhất thời theo những trào lưu, khuynh hướng trên mạng của một số văn nghệ sĩ này đã gây hiểu lầm nhất định cho công chúng, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, xã hội của đất nước. Trên trang facebook cá nhân, một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, lên án chính quyền, tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá Đảng, Nhà nước.

Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hiện nay - ảnh 2
Công tác phòng chống các luận điệu xuyên tạc, núp bóng văn hóa, văn nghệ cần được thực thi đồng bộ, kiên trì.

Từ thực tế trên cho thấy, công tác phòng chống các luận điệu xuyên tạc, núp bóng văn hóa, văn nghệ để truyền bá cái xấu, cái ác, cái phản giá trị, phản nhân văn, cần được thực thi đồng bộ, kiên trì, lâu dài nhiều giải pháp với sự tham gia của nhiều ban, ngành chức năng, hội nghề nghiệp, trách nhiệm của người nghệ sĩmvà sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó cần thực hiện hiệu quả một giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Các cấp ủy Đảng cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ. Việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và xây dựng nền tảng lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ phải mang tính chất tạo đà, mở đường, dẫn dắt và tạo động lực cho nền văn hóa, văn nghệ phát triển đúng hướng.

Chỉ đạo, có định hướng cho sự phát triển của văn hóa, văn nghệ. Làm cho văn nghệ gắn bó sâu sắc với nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, phục vụ sự nghiệp đấu tranh và xây dựng Tổ quốc của nhân dân; hiểu biết, gắn bó máu thịt và coi cuộc sống của nhân dân là cội nguồn sản sinh ra những tác phẩm, những công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị, có sức tác động và ảnh hưởng tích cực đối với quần chúng. Giữ vững những định hướng cơ bản của Đảng trong quá trình xây dựng nền văn hóa, văn nghệ, đồng thời kiên quyết đấu tranh, phê phán mạnh mẽ những quan điểm lệch lạc, sai lầm, ngăn chặn các văn hóa phẩm độc hại ảnh hưởng đến tinh thần, tình cảm của xã hội, con người.

Hai là, các chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phải được xây dựng, ban hành kịp thời; tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người nghệ sĩ. Quan tâm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần để nghệ sĩ yên tâm sáng tác, cống hiến; khuyến khích những ý tưởng mới, tìm tòi, thử nghiệm nhằm mang lại nguồn sinh khí mới cho đời sống văn hóa, văn nghệ, từ đó mang lại những tác phẩm, công trình có giá trị cho đời sống tinh thần của nhân dân.

Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong nhận diện, xử lý những hiện tượng núp bóng, lợi dụng, đội lốt văn hóa, văn nghệ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Kiểm soát tốt thông tin, hình ảnh và các ấn phẩm văn hóa trên không gian mạng; ngăn chặn, đầy lùi thông tin xấu, độc và tình trạng “xâm lăng”, áp đặt văn hóa ngoại lai; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, khoa học, đảm bảo đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Bốn là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực cho đội ngũ văn nghệ sĩ về sứ mệnh của mình, có lập trường tư tưởng vững vàng, nhân cách trong sáng; kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Giáo dục cho đội ngũ văn nghệ sĩ, để viết lên những tác phẩm lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội cũng như đẩy lùi những tác phẩm kém giá trị, mỗi cá nhân cần ý thức sâu sắc về thiên chức, sứ mệnh của mình; có lập trường tư tưởng, bản lĩnh vững vàng, giữ gìn thiện lương và nhân cách trong sáng; kiên định mục tiêu, con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn. Không ngừng trau dồi vốn sống, kinh nghiệm viết; kế thừa, bổ sung và phát triển những thành tựu của nền văn hóa, văn nghệ truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng sáng tác. Không ngừng đổi mới tư duy, có cái nhìn khách quan, biện chứng về hiện thực, cuộc sống, con người; đa dạng hóa các hình thức thể hiện, định hình được phong cách sáng tác, sáng tạo độc đáo, để qua mỗi tác phẩm nghệ thuật góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách tốt đẹp cho con người.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giới văn nghệ sĩ về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền. Không có một thứ tự do nào là tuyệt đối, không có thứ nghệ thuật nào thuần túy, thoát ly ra khỏi đời sống hiện thực. Mỗi khi bắt đầu quá trình sáng tạo, các văn nghệ sĩ cần xác định rõ mục đích, nội dung, cách thức và đối tượng hướng đến phục vụ, tránh để các thế lực lợi dụng, sai khiến.

Năm là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, năng lực hưởng thụ văn hóa của công chúng. Công chúng cần biết lựa chọn những tác phẩm có ích, có giá trị nhân văn; tỉnh táo, kịp thời nhận diện, phân biệt được những tác phẩm có nội dung xấu, độc để lên án, tẩy chay, loại bỏ khỏi đời sống xã hội, qua đó lựa chọn, thẩm định, quyết định giá trị và sức sống của một tác phẩm, công trình nghệ thuật.

Định hướng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa, văn nghệ và tuyên truyền định hướng, xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ cho mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, mà ở đó “Khẳng định và biểu dương những giá trị chân chính, bồi dưỡng cái chân, cái thiện, cái mỹ theo quan điểm tiến bộ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém”.

Văn hóa, văn nghệ là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nhận thấy sức mạnh to lớn đó, thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng dùng mọi thủ đoạn để lợi dụng, biến văn học, nghệ thuật thành công cụ đắc lực nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên cảnh giác, tỉnh táo nhận diện để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trước hết, đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa phải tự nâng cao nhận thức về sứ mệnh vẻ vang của người cầm bút, cần phản ánh chân thật, đúng giá trị, ý nghĩa các cuộc đấu tranh yêu nước, những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta; đây không chỉ là trách nhiệm cao cả, mà là lương tâm của văn nghệ sĩ. Qua đó, góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.