Nhiều người chưa thành niên có nhu cầu được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý

Admin
Từ khi Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thì số lượng trẻ em là người chưa thành niên được trợ giúp pháp lý đã dần dần tăng lên.

Nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp luật

Với mong muốn góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật và hội viên hội luật gia, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và người chưa thành niên, ngày 9/3, Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tổ chức Tập huấn cho cán bộ hội về tư vấn pháp luật thân thiện cho người chưa thành niên và nhạy cảm giới.

Hoạt động này nằm trong Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP.

Chương trình do hai cơ quan này của Liên Hợp Quốc thực hiện, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam. Đồng thời, hoạt động cũng được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Thanh Hoá và Đà Nẵng.

Tham dự tập huấn có ông Trần Đức Long, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; bà Nguyễn Thanh Trúc - Chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam; ông Lê Đình Ty, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa; Bà Bùi Thị Mai Hoan, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, cùng các đại biểu là lãnh đạo, hội viên Hội luật gia, lãnh đạo, hội viên Hội phụ nữ đến từ thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Sầm Sơn và các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung, Đông Sơn, Quảng Xương…

Tiêu điểm - Nhiều người chưa thành niên có nhu cầu được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý

Toàn cảnh buổi tập huấn diễn tại điểm cầu Hà Nội. 

Phát biểu khai mạc tập huấn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long cho biết, trong những năm qua, các cấp Hội Luật gia trong toàn quốc đã nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường tiếp cận pháp luật và dịch vụ pháp lý cho công dân nói chung và những người chịu thiệt thòi nói riêng, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội và 58 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp trên toàn quốc, trong đó Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa là một trong những đơn vị hoạt động rất năng động và tích cực.

Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm này đã giúp người dân nâng cao ý thức pháp luật, cũng như giải quyết các vướng mắc pháp luật của người dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trần Đức Long cho rằng, đội ngũ tư vấn viên pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam, mặc dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành luật, có thời gian công tác pháp luật lâu năm, có kinh nghiệm và nhiệt tình, tâm huyết với nghề nhưng chưa được thường xuyên cập nhật các kỹ năng để thực hiện công việc tư vấn một cách chuyên nghiệp, đặc biệt là tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên và phụ nữ.

Tiêu điểm - Nhiều người chưa thành niên có nhu cầu được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (Hình 2).

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Trần Đức Long phát biểu tại buổi tập huấn.

“Với mong muốn hướng tới một dịch vụ tư vấn pháp luật tốt hơn, dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của người dân nói chung, nhóm yếu thế/dễ bị tổn thương trong xã hội nói riêng và đặc biệt là phụ nữ và người chưa thành niên, Hội Luật gia đã xác định rõ cần phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm, mà khâu then chốt là phải tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện hoạt động này”, Phó Chủ tịch Trần Đức Long nhấn mạnh.

Để góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật và hội viên Hội luật gia, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”, Hội Luật gia và UNICEF đã tổ chức tập huấn này , với nội dung tập trung vào các vấn đề chủ yếu gồm:

Những vấn đề cơ bản về bạo lực đối với phụ nữ và người chưa thành niên; gói dịch vụ cơ bản dành cho phụ nữ và người chưa thành niên bị bạo lực.  Tiến trình tư pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và pháp luật Việt Nam về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực. Hướng dẫn tư vấn pháp luật thân thiện cho người chưa thành niên.

Phó chủ tịch Trần Đức Long đặc biệt tin tưởng rằng, với sự hướng dẫn của 2 giảng viên giàu kinh nghiệm là Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia của UNICEF và PGS. TS. Phan Thị Lan Hương, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, các đại biểu sẽ có 2 ngày tập huấn thú vị, bổ ích và thu được nhiều kiến thức quý báu, hữu ích cho công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của mình.

“Thay mặt Lãnh đạo Hội luật gia Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn các giảng viên và toàn thể quý vị đại biểu. Tôi cũng trân trọng cảm ơn đại diện của UNICEF đã đồng hành cùng Hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện hoạt động này cũng như đã hỗ trợ các cấp hội luật gia trong nhiều năm qua”, Phó chủ tịch Trần Đức Long bày tỏ.

Hỗ trợ trợ giúp pháp lý kịp thời

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, hỗ trợ trợ giúp pháp lý là công cụ rất quan trọng để đảm bảo tiếp cận tư pháp cho các nhóm dễ bị tổn thương trong đó có người chưa thành niên. Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc quy định rằng người chưa thành niên vi phạm pháp luật thì phải được hỗ trợ pháp lý và những sự hỗ trợ thích hợp khác để chuẩn bị trình bày và bào chữa cho mình.

Điều 42b của Công ước này cũng quy định người chưa thành niên vi phạm pháp luật cần được xét xử công bằng theo quy định của pháp luật, trợ giúp pháp lý và các hỗ trợ thích hợp khác…

Ở Việt Nam, quyền được bào chữa và trợ giúp pháp lý của trẻ em đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trẻ em quy định là cần bảo đảm quyền được bào chữa, trợ giúp pháp lý cho các em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính. Luật Trẻ em cũng quy định rằng luật sư, trợ giúp viên pháp lý phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với trẻ em, sử dụng ngôn ngữ thân thiện, dễ hiểu….

Tiêu điểm - Nhiều người chưa thành niên có nhu cầu được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (Hình 3).

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, 100% bị can, bị cáo chưa thành niên có người bào chữa. Đồng thời, từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thì số lượng trẻ em là người chưa thành niên được trợ giúp pháp lý đã dần dần tăng lên từ 5.323 em năm 2018 lên 6.281 em vào năm 2021.

Nhìn vào số liệu người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật mỗi năm bao gồm khoảng 13.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật, 2.000 em là người bị hại trong các vụ án hình sự và khoảng 50 – 60.000 người chưa thành niên trong các vụ án hôn nhân và gia đình thì có thể trong thực tế còn rất nhiều người chưa thành niên có nhu cầu được tư vấn, được đại diện trong và ngoài tố tụng chưa được biết đến hoặc chưa được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Từ năm 2019, trong khuôn khổ của chương trình tăng cường tư pháp và pháp luật ở Việt Nam, UNICEF đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ trợ giúp pháp lý kịp thời, có chất lượng, thân thiện và nhạy cảm giới cho người chưa thành niên.

Bà Thanh Trúc mong muốn: “Trong tương lai, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục có kế hoạch tổ chức những lớp tập huấn để nâng cao năng lực về tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý thân thiện cho người chưa thành niên một cách thường xuyên và hệ thống cho các hội viên Hội luật gia trên cả nước”.

Tập huấn cho cán bộ hội về tư vấn pháp luật thân thiện cho người chưa thành niên và nhạy cảm giới sẽ được diễn ra trong hai ngày 9-10/3/2022.

Hoàng Bích - Thế Dân