Những ẩn số lớn về đòn thuế quan “có hiệu lực ngay lập tức” của ông Trump

Admin
Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp công bố chi tiết hơn về các mức thuế quan trong cuộc họp báo “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” tại Vườn Hồng của Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nhấn mạnh ngày 2/4 là "Ngày giải phóng", với việc công bố những mức thuế quan lớn "có hiệu lực ngay lập tức".

Dự kiến, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ công bố chi tiết hơn về các mức thuế quan trong cuộc họp báo "Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại" tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vào ngày này.

Khi đó, những ẩn số lớn về đòn thuế quan rộng rãi này mới dần được hé lộ, rằng chính xác điều gì sẽ có hiệu lực, liệu có ngoại lệ, sự trì hoãn hay việc hủy bỏ mức thuế quan nào hay không.

Thuế quan có thể lớn đến mức nào?

Một trong những điểm chính trong tầm nhìn của ông Donald Trump là ý định áp dụng thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ, và do đó sẽ ảnh hưởng tới mọi quốc gia có giao dịch với Mỹ.

Ông Trump đã giao cho các cố vấn kinh tế của mình nhiệm vụ phác thảo kế hoạch áp thuế quan "có đi có lại" đối với mọi quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu của Mỹ, cũng như chống lại các rào cản phi thuế quan như các quy tắc an toàn phương tiện loại trừ ô tô của Mỹ và thuế giá trị gia tăng (VAT) làm tăng chi phí của Mỹ.

Những ẩn số lớn về đòn thuế quan “có hiệu lực ngay lập tức” của ông Trump- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Washington, DC, ngày 31/3/2025. Ảnh: Getty Images

Các cố vấn của Tổng thống Mỹ đã đưa ra đề xuất áp dụng mức thuế toàn cầu 20% đối với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ, tờ Wall Street Journal đưa tin. Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 31/3 cho biết các mức thuế quan có thể "tùy theo quốc gia".

Trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Trump đã ủng hộ mức thuế quan toàn diện 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, và đôi khi còn đề xuất mức thuế 20%, thậm chí 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo EU và Vương quốc Anh cũng đang lo ngại về khả năng Mỹ áp dụng thuế quan theo ngành.

Rủi ro đã hiện hữu với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, khi từ ngày 3/4, tất cả các loại xe và phụ tùng ô tô sản xuất ở nước ngoài được nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế 25%.

Những quốc gia nào có thể chịu ảnh hưởng?

Sự nồng nhiệt tương đối mà ông Trump dành cho Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Phòng Bầu dục vào tháng trước khó có thể bảo vệ Vương quốc Anh, khi mức thuế quan dự kiến áp dụng cho "tất cả các quốc gia".

Tuy nhiên, "xứ sở sương mù" đã chạy đua để đạt được một thỏa thuận. Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds cho rằng nếu bất kỳ quốc gia nào có thể đảm bảo được một sự miễn trừ, thì đó chính là Anh, tờ The Guardian đưa tin.

Thủ tướng Starmer hôm 1/4 cho biết các doanh nghiệp nước này không muốn một cuộc chiến "ăn miếng trả miếng", do đó, thay vì phản ứng "theo phản xạ", ông sẽ phản ứng theo cách "bình tĩnh và điềm đạm".

Chính quyền Trump muốn giảm sự phụ thuộc của đất nước vào hàng hóa nước ngoài như một phần của chính sách thúc đẩy rộng hơn nhằm phục hồi ngành sản xuất trong nước, cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và giúp giảm nợ quốc gia.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng chiến lược của ông Trump có nguy cơ làm dấy lên một cuộc chiến thương mại toàn cầu, gây ra phản ứng dây chuyền từ các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ như EU, Canada và Trung Quốc.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã nói rằng các nỗ lực tập trung vào 15% các quốc gia chiếm phần lớn thương mại với Mỹ, áp đặt thuế quan hoặc các quy tắc khác khiến các công ty Mỹ gặp bất lợi.

Những ẩn số lớn về đòn thuế quan “có hiệu lực ngay lập tức” của ông Trump- Ảnh 2.

Nhà máy lắp ráp của Ford Motor ở Wayne, Michigan. Ford đã cho lưu kho các động cơ sản xuất tại Canada tại các kho hàng ở Mỹ trong bối cảnh mức thuế quan của ông Trump đối với ngành ô tô sắp có hiệu lực. Ảnh: NY Times

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã xác định các quốc gia mà họ "đặc biệt quan tâm" trước khi đưa ra các khuyến nghị, bao gồm Argentina, Brazil, Canada, Mexico, Australia, EU, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi…

Mexico và Canada, được xếp hạng là hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, cũng đang phải chịu áp lực về thuế quan.

Mức thuế 25% được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ đã có hiệu lực vào ngày 4/3. Canada đã đáp trả bằng mức thuế 25% đối với 20,7 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết các quan chức Mỹ có thể vẫn đang cố gắng đưa ra một giải pháp một phần với hai nước láng giềng, đồng thời nói thêm rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn là chỉ tập trung vào fentanyl, theo Reuters.

Đối với EU, Tổng thống Mỹ trước đó đã nói rằng khối 27 quốc gia ở bên kia bờ Đại Tây Dương và các nước khác có thặng dư thương mại đáng lo ngại với Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng đã lưu ý rằng sản phẩm của các nước này sẽ phải đối mặt với thuế quan, hoặc Washington sẽ yêu cầu họ mua thêm năng lượng từ Mỹ.

Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU – gọi chính sách thuế quan "có đi có lại" là một bước đi sai hướng.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hôm 1/4 cho biết, EU đã có sẵn kế hoạch để trả đũa thuế quan của Mỹ và sẽ không ngần ngại hành động nếu cần thiết, có thể nhắm tới các ngân hàng Mỹ và các công ty công nghệ lớn (Big Tech).

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, bà Von der Leyen cho biết, EU "không phải là bên khởi xướng cuộc đối đầu này" nhưng sẵn sàng bảo vệ người dân và sự thịnh vượng của mình.

Bà chỉ trích động thái của Mỹ là phản tác dụng, nói rằng nó sẽ gây hại cho cả ngành công nghiệp châu Âu và người tiêu dùng Mỹ. "Thuế quan là loại thuế mà người dân sẽ phải trả", người đứng đầu EU nói.

Thuế quan sẽ tác động như thế nào?

Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt hôm 1/4 tuyên bố rằng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ sẽ "có hiệu lực ngay lập tức". "Tổng thống có một đội ngũ cố vấn xuất sắc đã nghiên cứu những vấn đề này trong nhiều thập kỷ và chúng tôi tập trung vào việc khôi phục thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ", bà Leavitt lưu ý.

ĐỌC THÊMNga thừa nhận thách thức trong việc thảo luận vấn đề Ukraine với Mỹ

Các doanh nghiệp và thị trường tài chính Mỹ khó có thể thoát khỏi sự bất ổn đi kèm với chính sách thương mại của ông Trump. Các công ty sẽ có cảm nhận rõ hơn về số lượng quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng và mức thuế sẽ cao như thế nào, sau khi ông Trump đưa ra thông báo cụ thể.

Bà Kelly Ann Shaw, cựu cố vấn thương mại cấp cao của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho biết, "Ngày 2/4 là thời điểm mọi thứ bắt đầu, không phải là thời điểm mọi thứ kết thúc".

"Đến một lúc nào đó, mọi thứ sẽ ổn định. Nhưng vì chúng ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình – về cơ bản là quá trình xem xét lại toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu, nên sẽ có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời trong tương lai gần", bà nói thêm.

Các động thái liên quan đến thuế quan cũng gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế ở cả Mỹ cũng như các quốc gia xa xôi.

Tổng thống Mỹ đã nói rằng các công ty muốn tránh thuế quan có thể chỉ cần tiến hành kinh doanh tại Mỹ. Nhưng đây không phải là giải pháp ngay lập tức hoặc dễ dàng thực hiện, xét đến chi phí thành lập doanh nghiệp và tuyển dụng nhân viên mới.

Ông Matthew Luzzetti, một chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank, lưu ý rằng ngay cả khi các thông báo đưa ra vào ngày 2/4 là lời cuối cùng về thuế quan, thì sự không chắc chắn xung quanh các động thái của Tổng thống Mỹ có thể kéo giảm tăng trưởng khoảng 1% trong nhiều quý.

"Nếu sự không chắc chắn đó kéo dài hơn nữa, hoặc duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, thì điều đó sẽ chỉ khuếch đại các tác động", vị chuyên gia kết luận.

Minh Đức (Theo The Guardian, Hindustan Times, RFE/RL)

Tham khảo thêm
Ukraine đang chờ phản hồi “cụ thể hơn” từ đồng minh về ý tưởng mà Nga phản đốiUkraine đang chờ phản hồi “cụ thể hơn” từ đồng minh về ý tưởng mà Nga phản đối
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Chính trị gia cực hữu Marine Le Pen đối mặt tương lai chính trị bất địnhChính trị gia cực hữu Marine Le Pen đối mặt tương lai chính trị bất định