Những “cây ATM” đặc biệt trong tâm dịch TPHCM

Hoàng Huyền
Một ngày đầu tháng 7 một chiếc ATM gạo tặng miễn phí cho người dân tại TPHCM có camera nhận diện khuôn mặt, để bảo đảm mỗi người dân có thể nhận 3 kg gạo/tuần. ATM gạo có mặt tại địa chỉ 12A đường Núi Thành, Phường 13, quận Tân Bình, TPHCM.

Trong những ngày dịch COVID-19 tại TPHCM diễn biến căng thẳng, có những cây "ATM" được biến hóa trở nên thật đặc biệt… "ATM gạo" có camera và hệ thống tổng đài gọi lấy số thứ tự, "ATM lướt ống", là hai trong số đó.

Những “cây ATM” đặc biệt trong tâm dịch TPHCM-dulichgiaitri.vn
ATM gạo nhận diện khuôn mặt, tặng miễn phí cho người dân tại TPHCM. Ảnh: VGP/Khánh Chi)


ATM gạo có tổng đài lấy số thứ tự

Một ngày đầu tháng 7, anh Lê Hải Bình (Chủ tịch tập đoàn AXYS) đã có ý tưởng tạo ra một chiếc ATM gạo tặng miễn phí cho người dân tại TPHCM. Anh cùng nhân viên trong công ty tạo nên chiếc ATM gạo có camera nhận diện khuôn mặt, để bảo đảm mỗi người dân có thể nhận 3 kg gạo/tuần. ATM gạo có mặt tại địa chỉ 12A đường Núi Thành, Phường 13, quận Tân Bình, TPHCM.

Quá trình nhận gạo diễn ra chỉ trong một phút. Nếu người dân tới nhận lần thứ 2, ATM sẽ tự động không phát gạo. Mục đích của việc này là để người dân không nhận gạo quá nhiều lần, dẫn đến việc gạo không đến được tay những người thực sự cần.

Tuy nhiên, anh Lê Hải Bình cho biết, đối với những người cần hơn lượng gạo đó vẫn có thể nói người thân trong nhà gọi tổng đài để lấy số thứ tự hoặc người thân tới xếp hàng lấy thêm. “Những cô chú lớn tuổi, người tàn tật, phải đi xe lăn sẽ được các tình nguyện viên đưa gạo tới tận nơi, mà không cần check camera ở ATM. Tôi bảo đảm có thể giúp gạo cho bà con hết mùa dịch”, anh Bình chia sẻ.

Tổng đài lấy số thứ tự nhận gạo được thiết lập, để hạn chế người dân đứng xếp hàng lâu giữa trời nắng, đồng thời bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch. Người dân gọi đến số (028) 77.77.77.88, hệ thống sẽ tự động kiểm tra thông tin, xếp lịch và thông báo thời gian người dân đến nhận gạo. Trước 30 phút đến thời gian nhận gạo, tổng đài sẽ gọi nhắc người dân một lần nữa.

Ngay ngày đầu tiên ATM gạo đi vào hoạt động, đã có hơn 500 người đến nhận, hơn 1,5 tấn gạo được trao tới người dân. ATM gạo phát song song cho những người đã gọi lấy số thứ tự và người dân xếp hàng đến lấy mà chưa biết đến tổng đài. Người đã có số thứ tự sẽ được lấy trước.

“Trong tuần đầu tiên, vì tổng đài lấy số thứ tự còn chưa được phổ biến nhiều nên người dân còn phải xếp hàng lâu. Nhưng đến tuần sau, tình trạng này sẽ không còn nữa. Vì các tình nguyện viên đã hướng dẫn cho người dân gọi đến tổng đài lấy số thứ tự, lần tới đến nhận gạo, họ sẽ không phải đợi nữa”, anh nói.

Biết được việc làm ý nghĩa của anh Bình, nhiều bạn bè đã đứng ra hỗ trợ. Có người hứa trong mùa dịch này sẽ gửi 50 tấn gạo. Có bà con đi ngang qua, thấy ATM phát gạo cho người dân liền gửi luôn 100 kg gạo, người gửi tiền mặt.

Hiện tại, anh đang chuẩn bị ATM gạo thứ hai. Nếu có đơn vị 'mạnh thường quân', doanh nghiệp muốn đồng hành, anh sẵn sàng chuyển giao phần mềm, hướng dẫn sử dụng, chế tạo ATM. Tất cả ATM gạo sẽ được đồng bộ dữ liệu, để người dân sẽ nhận một lượt 3 kg/tuần.

Cầm túi gạo trên tay, cô Phan Thị Huệ (59 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) xúc động cho biết: "Trong mùa dịch như thế này, nhận được 3 kg gạo là rất quý. Dù chưa biết đến tổng đài lấy số thứ tự nhưng tôi cũng không phải xếp hàng quá lâu. Tuần tới tôi sẽ gọi điện đặt lịch, vừa không phải chờ đợi, vừa đảm bảo giãn cách. Vì sức khỏe của bản thân mình thôi”.

Khi dịch qua đi, ATM gạo sẽ được cải tiến, bổ sung các nhu yếu phẩm khác như dầu ăn, nước mắm, hạt nêm,... để không lãng phí ATM, và những người dân gặp khó khăn trong Thành phố được giúp đỡ. 

Những “cây ATM” đặc biệt trong tâm dịch TPHCM-dulichgiaitri.vn
"ATM lướt ống" tại TPHCM - Ảnh: VGP/Khánh Chi)


“ATM lướt ống” chuẩn bị chu toàn ba bữa ăn trong ngày

ATM có hình thức đặc biệt này có mặt tại nhà thờ Tân Sa Châu (387 Lê Văn Sỹ, Phường 2, quận Tân Bình, TPHCM). ATM là hai ống nhựa to dài 2 m, có đường kính đủ để hộp cơm, bánh mì, khoai lang lọt qua. Các tình nguyện viên đứng trong nhà thờ, thả những phần hỗ trợ vào ống nhựa, “lướt ống” vào rổ nhựa bên ngoài, đến tay người dân.

Đều đặn hơn một tháng nay, ATM “lướt ống” gửi các phần bánh mì vào buổi sáng, cơm hộp vào buổi trưa, khoai lang hoặc mì gói vào buổi chiều đến tay những người cần. Linh mục tại nhà thờ cho biết: “Hình thức lướt ống tránh việc tiếp xúc giữa các tình nguyện viên và người dân, bảo đảm an toàn trong mùa dịch. Người dân cũng không phải chờ đợi lâu”.

Mỗi 15 phút, ống nhựa sẽ được khử khuẩn một lần. Người dân tới nhận hỗ trợ cũng được nhắc nhở đeo khẩu trang và xếp hàng giãn cách. Chỉ khi người dân tới trước ống nhựa, phần quà mới được thả vào để bảo đảm chất lượng. Đã có ngày, gần 1000 người dân tới nhà thờ nhận phần hỗ trợ.

Kinh phí hoạt động của ATM lướt ống do các 'mạnh thường quân' và giáo dân chung tay ủng hộ. Nhiều người tới gửi gạo, khoai lang, trứng, rau củ và không để lại tên. Linh mục nhà thờ cho biết hiện nhà thờ đang lên kế hoạch để tạo nên nhiều ATM lướt ống hơn, đặt tại các nhà thờ khác trong Thành phố để những người gặp khó khăn có thể nhận được sự giúp đỡ.

Ông Nguyễn Thành Long (55 tuổi, quận Gò Vấp) làm nghề bán vé số. Nghe người đi đường giới thiệu tới nhà thờ Tân Sa Châu, ông liền đi bộ qua và nhận được phần cơm. “Thành phố có thông báo ngừng hoạt động bán vé số, cả tháng nay tôi không kiếm được đồng nào, chỉ có thể sống nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Hộp cơm này đã cho tôi nhiều sức lực, mong dịch nhanh chóng qua đi để cuộc sống trở lại bình thường”, ông Long cảm động cho biết.

Hình thức ATM lướt ống nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân TPHCM, bạn Xuyến Kim (22 tuổi, Quận 1) là một trong số đó. “Tôi biết hình thức ATM này trên các trang mạng xã hội, tôi cảm nhận được sự linh hoạt, sáng tạo của mô hình trong bối cảnh dịch bệnh. Bình thường sẽ là trao quà tận tay, giao hàng tận tay nhưng trong thời kỳ dịch bệnh, ATM lướt ống dù không trao trực tiếp nhưng tình cảm của mọi người trao đi vẫn thế. Nó còn giúp người dân giữ được khoảng cách an toàn, thể hiện ý thức phòng chống dịch của người cho và người nhận. TPHCM có khó khăn hay biến cố thế nào thì con người nơi đây cũng có cách để sinh tồn và vượt qua”, Xuyến Kim trải lòng.

Khánh Chi/chinhphu.vn