Nợ xấu có xu hướng tăng, Thống đốc NHNN nêu biện pháp kiểm soát

Admin
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đối với các nợ xấu hiện hữu thì tích cực xử lý nợ xấu, thông qua đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ hoặc phát mại tài sản.

Sáng 11/11, tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, ĐBQH Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi:

"Thống đốc đánh giá thế nào về tình hình nợ xấu và các giải pháp để kiểm soát nợ xấu? Theo Thống đốc, nếu không giảm được nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?", bà Nguyên chất vấn.

Nợ xấu có xu hướng tăng, Thống đốc NHNN nêu biện pháp kiểm soát- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hồng Nguyên chất vấn (Ảnh: Media Quốc hội).

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Ngân hàng Nhà nước tổng hợp cho thấy cuối tháng 9/2024 tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022.

Đây là thực tế, vì từ năm 2020 đến nay, trước tình trạng Covid-19 xảy ra tác động mọi mặt của tình hình kinh tễ xã hội, doanh nghiệp và người dân khó khăn trong khả năng trả nợ. Nợ xấu này là các khoản nợ của người dân vay của ngân hàng nhưng không trả được.

Để kiểm soát nợ xấu Thống đốc cho biết cũng có những giải pháp ở góc độ các chủ thể. Như đối với các tổ chức tín dụng khi cho vay phải thẩm định kỹ lưỡng khả năng trả nợ của khách hàng để đảm bảo là kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.

Đối với các nợ xấu hiện hữu thì tích cực xử lý nợ xấu, thông qua đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ hoặc phát mại tài sản.

Đối với Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức VMC, các công ty mua bán nợ cũng có thể tham gia xử lý nợ xấu.

Nợ xấu có xu hướng tăng, Thống đốc NHNN nêu biện pháp kiểm soát- Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn (Ảnh: Media Quốc hội).

Trong trường hợp nợ xấu vẫn tiếp tục tăng cao, khó có thể giải quyết được thì thách thức nào trong điều hành chính sách tiền tệ?

Thống đốc cho biết, ở Việt Nam lãi suất cho vay khó tiếp tục giảm mặc dù đã giảm đáng kể trong thời gian qua.

"Nợ xấu là khi khách hàng không trả được nợ và tiền cho vay là tiền huy động của người dân, tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi cho người dân. Với điều kiện như vậy sẽ khó cho tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay", Thống đốc nói.

Ngân hàng vẫn chưa thể "ghìm cương" nợ xấu

Trong điều hành thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp hạ lãi suất cho vay, phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.

Hệ thống tổ chức tín dụng đã dành chính nguồn lực tài chính của mình để giảm 50.000-60.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho khách hàng.