Nữ phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay phản lực thương mại

Admin
(PNTĐ) - Vượt qua nỗi sợ độ cao cùng mọi áp lực, thử thách cả về tâm lý và thể lực, Hồ Trang Nhung (sinh năm 1999) đã trở thành nữ phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay phản lực thương mại.

Từ lâu, nghề phi công đã được xem là nghề chỉ dành riêng cho nam giới. Các con số thống kê chỉ ra rằng, chỉ có 6% phi công trên toàn cầu là phụ nữ. Ngay cả với những hãng hàng không lớn và nổi tiếng trên thế giới như Emirates (Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), Air France (Pháp), tỉ lệ nữ phi công cũng rất thấp.

Sự mất cân bằng giới tính trong nghề phi công phần lớn bắt nguồn từ quan niệm truyền thống. Theo đó, đàn ông đảm nhiệm vai trò làm những công việc quan trọng và nặng nhọc, trong khi phụ nữ thường làm các công việc nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, quan niệm này đã dần thay đổi.

Ở Việt Nam, có nhiều “bóng hồng” theo nghề phi công đã xuất sắc chinh phục bầu trời, có thể kể đến như Huỳnh Lý Đông Phương hay Diệu Thúy... Các nữ phi công Việt không chỉ có vẻ đẹp và cá tính, mà còn có cả sự dũng cảm, quyết đoán, cùng đam mê chinh phục bầu trời. Tiếp nối thành công của thế hệ đi trước, Hồ Trang Nhung gây ấn tượng khi trở thành nữ cơ phó Gen Z đầu tiên của Việt Nam lái dòng máy bay phản lực thương mại.

Nữ phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay phản lực thương mại - ảnh 1
Hồ Trang Nhung. Ảnh: NVCC

“Mình từng là người sợ độ cao, nhưng khi có cơ hội được ngồi trong buồng lái, nhìn khung cảnh toàn thành phố khi máy bay cất cánh, mọi nỗi sợ bỗng tan biến. Và chính cảm giác được chinh phục bầu trời đã tiếp thêm động lực cho mình đến với hành trình làm phi công”, Nhung tiết lộ.

Để chinh phục ước mơ, Nhung đã nỗ lực không ngừng. Cô tham gia khóa huấn luyện phi công cơ bản ở Trường Đào tạo phi công tại Philippines. Trang Nhung đã theo đuổi "Chương trình huấn luyện phi công chuyển loại" trên dòng máy bay phản lực 2 động cơ Embraer.

"Chương trình huấn luyện phi công chuyển loại" là chương trình đào tạo chung cho tất cả mọi người, không phân biệt nam hay nữ. Tiêu chuẩn nghề nghiệp là như nhau, yêu cầu sức khoẻ cũng vậy. Học viên cần hoàn thành các bài tập nâng cao từ mô phỏng đến trải nghiệm bay thực tế, trải qua hơn một năm huấn luyện nghiêm ngặt, đến nay, nữ phi công đã sở hữu kinh nghiệm lên đến hơn 700 giờ bay. Mặc dù vậy, cô cho biết vẫn không ngừng trau dồi học hỏi từ kinh nghiệm thực tế và từ các đồng nghiệp của mình.

“Đối với việc tuyển chọn phi công, tỷ lệ cạnh tranh rất cao. Đa phần đều là nam giới, riêng mình là nữ. Nếu không thực sự đam mê và quyết tâm thì khó có thể theo đuổi công việc mang tính đặc thù này. Hơn nữa, Embraer cũng là dòng máy bay mới và chưa có nhiều người Việt lái. Khi máy bay hạ cánh thành công, mình cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Mặc dù gia đình mình khá lo lắng, song may mắn mọi người đều ủng hộ quyết định này của mình”, Nhung chia sẻ.

“Nhiệm vụ của mình là kiểm tra toàn bộ hệ thống bay, an toàn kỹ thuật buồng lái với hàng loạt các nút điều khiển chức năng khác nhau nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và quy trình làm việc nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay. Ngoài việc hỗ trợ cơ trưởng, theo sự phân công mình thực hiện nhiệm vụ yêu cầu như cất cánh và hạ cánh, giám sát các thông số về độ cao, tốc độ, điều kiện thời tiết, điều khiển máy bay trong quá trình bay, liên lạc với kiểm soát viên không lưu về các vấn đề phát sinh trong hành trình và đưa ra quyết định trong tình huống khẩn cấp”, cô cho biết.

Theo Trang Nhung, đối với nghề phi công, đặc biệt là nữ cần có 2 tố chất quan trọng, bên cạnh năng lực và trình độ thì còn phải có quyết tâm và kiên trì. Đặc thù riêng biệt của phi công đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt đúng, đầy đủ quy trình làm việc của hãng hàng không nhằm bảo đảm các chuyến bay được thực hiện an toàn và hiệu quả tốt nhất.

Nữ phi công cho rằng, phụ nữ ngày nay hoàn toàn có thể "cạnh tranh" với nam giới trong lĩnh vực hàng không. Cô khẳng định, phụ nữ có những ưu điểm như sự kiên nhẫn dẻo dai, khéo léo xử lý tình huống và chỉ số IQ cao. "Đặc biệt với những nữ phi công trẻ như tụi mình, sự nhanh nhạy trong các tình huống phát sinh, thích nghi cao với mọi hoàn cảnh cũng chính là điểm cộng", Nhung nói.