Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô

Admin
(PNTĐ) - Năm 2025, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025); 71 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2025). Trên hành trình xây dựng và kiến thiết đất nước ấy đều có sự tham gia đóng góp của đội ngữ các nữ trí thức là người Hà Nội hoặc được lớn lên, trưởng thành cùng Thủ đô. Mỗi người một vị trí công việc, nhưng đều có chung tình yêu, ý thức trách nhiệm với Thủ đô, đất nước thân yêu.

Cùng gặp gỡ một số nhân vật nữ trí thức với những cống hiến thuộc các lĩnh vực đại diện cho các giai đoạn lịch sử.

1. PGS.TS.NGND. AHLĐ thời kỳ đổi mới Nguyễn Thị Trâm: Nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp nước nhà

PGS.TS.NGND. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, là nhà giáo, nhà nông học chọn tạo giống lúa lai nổi tiếng của Việt Nam. Sinh năm 1944, bà là đại diện cho nhóm các nữ trí thức được tôi luyện, trưởng thành trong chiến tranh. Bà chia sẻ: Quê tôi ở Hà Nam, vùng quê nghèo đồng chiêm trũng, cả năm chỉ trồng 1 vụ lúa. Vì nghèo mà nhà tôi ngày đó chỉ dám ăn một bữa cơm sạn rồi đi làm, chiều về ăn khoai thay cơm. Vì vậy, từ nhỏ, tôi đã khao khát làm được điều gì đó có ích để hỗ trợ người nông dân nâng cao mức sống.

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 1
PGS.TS.NGND. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, nhà giáo, nhà nông học chọn tạo giống lúa lai nổi tiếng của Việt Nam

Không sinh ra ở Hà Nội nhưng sau này cuộc đời của bà Trâm đã trọn vẹn gắn bó với Hà Nội. Năm 1963, bà lần đầu tiên đến Hà Nội để học đại học Nông nghiệp ở Trâu Quỳ, Gia Lâm. Sau khi tốt nghiệp, bà được học hỏi nhà khoa học Lương Đình Của. Bà nhớ mãi lời thầy Của dặn: “Nhà khoa học không phải đi từ phòng thí nghiệm ra phải bắt đầu từ đồng ruộng Việt Nam”. Vì thế, bà đã lăn lộn ngoài đồng ruộng, thử nghiệm nhiều giống lúa rồi mới đưa vào phòng thí nghiệm để tiếp tục nghiên cứu, “sửa chữa” các “khuyết điểm” của giống cây. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp ngành nông nghiệp ở Liên Xô, bà Trâm về nước, dạy học tại Đại học Nông nghiệp. Bà nói vui, mình chính thức trở thành người Hà Nội từ đó.

Sau khi về hưu, bà đã thuê lại 6.000m2 đất để nghiên cứu các giống lúa và thành công với giống lúa lai hai dòng TH3-3, một giống lúa lai cho năng suất khá cao nhưng thời gian sinh trưởng ngắn, ít bị đổ do gió bão. Đến nay, giống lúa lai đã được bà chuyển giao công nghệ trồng và đưa vào trồng thành công tại nhiều địa bàn, từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng, miền Trung và Tây Nguyên... Bà lại tiếp tục lai tạo, chọn lọc giống lúa mới chất lượng cao, có hương thơm, gạo mềm ngon, chống chịu sâu bệnh, phục vụ cho nhu cầu của người dân ngày càng cao, hướng tới trồng lúa thuận thiên, dùng phân bón hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính.

2. TS.KTS Tô Thị Toàn: Góp công xây dựng và kiến thiết Thủ đô

Bà Tô Thị Toàn, sinh năm 1947 tại Hà Nội, là con gái của danh họa Tô Ngọc Vân. Bà nhớ lại: “Năm 1954, bố tôi xung phong vào Điện Biên Phủ để vẽ ký họa về mặt trận và hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ ký họa. Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, gia đình tôi từ chiến khu Việt Bắc được trở về Thủ đô, ai cũng da diết nhớ bố nhưng vẫn hòa vào không khí vui chung của nhân dân chào đón đoàn quân chiến thắng”.

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 2
TS.KTS Tô Thị Toàn, nữ kiến trúc sư có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới của đất nước

Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc, bà trở thành nữ kiến trúc sư có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới của đất nước. Bà kể, trước năm 1975, ngành kiến trúc ở nước ta chưa phát triển. Các kiến trúc sư chủ yếu tập trung thiết kế các khu nhà tập thể để giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, viên chức ở Thủ đô. Sau năm 1975, bà Toàn đã tham gia thiết kế các khu đô thị mới, các mẫu nhà ở dành cho nhiều đối tượng, trong đó có người nghèo, người nước ngoài... Bà tâm sự: Với tôi, đây là nhiệm vụ quan trọng vừa góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đồng thời còn nâng cao điều kiện sống cho người dân theo chủ trương của Thành phố. Năm 1998, bà Toàn được UBND Thành phố điều động làm Phó Ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội. Bà đã tham gia đề xuất quy hoạch và các hoạt động bảo tồn tôn tạo phố cổ, tiến tới đưa phố cổ trở thành di sản quốc gia. Với tất cả tình yêu của một người con Hà Nội, bà đã chủ trì thiết kế, bảo tồn và cải tạo ngôi nhà 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào, sau này, 2 ngôi nhà đều được công nhận là ngôi nhà di sản của Thủ đô Hà Nội. Công trình bảo tồn và cải tạo nhà 38 Hàng Đào của bà còn được nhận giải thưởng kiến trúc Việt Nam. Đặc biệt, cả hai ngôi nhà đều vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm và chỉ đạo về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Thủ đô.

Những đóng góp to lớn đó đã đưa KTS Tô Thị Toàn trở thành nữ Đại biểu Quốc hội khóa X và khóa XI. Năm 2002, bà giữ cương vị Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội. Thành ủy, HĐND, UBND và MTTQ Thành phố Hà Nội cũng đã tặng bà danh hiệu “Người xây dựng Thủ đô”. Tổng Công đoàn Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam vinh danh bà là “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” tiêu biểu (1978-1988).  Năm 2008, bà đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Bà tâm sự: “Ngày mới ra trường, tôi chỉ nặng có 35 kg nhưng sức làm việc của tôi không thua kém nam giới. Phụ nữ chúng ta chỉ cần quyết tâm thì điều gì cũng có thể làm được”.

3. Nhà văn chiến trường Vũ Thị Hồng: Người truyền lửa về tinh thần sống đẹp của người lính

Bà Vũ Thị Hồng sinh năm 1949, thuộc thế hệ các nữ trí thức tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Bà nhớ lại: Thủa nhỏ, tôi học ở trường Trưng Vương, rồi học Đại học Tổng hợp, sau đó học trường viết văn Nguyễn Du. Năm 1970, khi vừa hết năm thứ 3 đại học, tôi cùng nhà văn Hà Phương và nhà thơ Trần Thị Thắng viết đơn tình nguyện làm phóng viên ở các chiến trường phía Nam.

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 3
Nhà văn Vũ Thị Hồng thuộc thế hệ các nữ trí thức tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thập niên 60-70 của thế kỷ trước

“Trước khi là một nhà văn, tôi còn là một người lính. Tôi cũng học làm rãy, đi cày, học cầm súng đánh giặc. Nhiều lần tôi đã cùng các chiến sĩ Trung đoàn 31, Trung đoàn 38, Sư đoàn 711 (sau này là Sư đoàn 2) chiến đấu và chứng kiến nhiều đồng đội đã hy sinh anh dũng”, bà tâm sự.

Bà Hồng có thể gọi tên nữ trí thức Hà Nội, bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Đó còn là liệt sĩ - nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, nữ văn công Phương Thảo, nhà văn Chu Cẩm Phong... Không biết bao lần bị bom vùi, bà Hồng luôn sẵn sàng tâm thế chuẩn bị cho cái chết nhẹ tựa lông hồng. Bà nói: “Nữ trí thức Hà Nội vào chiến trường có những tố chất riêng như nhu mì nhưng vô cùng bản lĩnh, gan dạ”.

Trở về sau chiến tranh, bà Hồng trải qua 17 năm làm biên tập mảng sách văn học ở NXB Quân đội Nhân dân và gần 15 năm làm Trưởng ban công tác phụ nữ quân đội cho đến ngày nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Cũng như chồng mình, nhà văn Chu Lai, bà vẫn tiếp tục viết sách về người lính. Mới đây, ở tuổi ngoài 70, bà vừa hoàn thành cuốn truyện ký có tên Chạm vào ký ức, tác phẩm mà bà nói là để “gọi tên các đồng đội của mình”-những người đã cùng bà cống hiến cho hòa bình, độc lập của dân tộc.

4. Bà Nguyễn Thị Thanh Nghị, Nguyên Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Ngành hàng không dân dụng Việt Nam: Tự hào góp sức trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Thủ đô

“Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng lại vinh dự được làm dâu Thủ đô và được tham gia vào trận chiến Điện Biên Phủ trên không năm 1972”, bà Nghị chia sẻ.

Bà Nghị nhập ngũ năm 1968, được đào tạo là lính Quân y thuộc Sư đoàn 365. Sau đó bà được điều động vào chiến trường phục vụ chiến đấu đến năm 1976 thì ra quân. Nhìn lại những năm tháng trong quân ngũ, bà đặc biệt nhớ về sự kiện 12 ngày đêm khói lửa năm 1972, Mỹ đã ném bom rải thảm, trút một khối lượng bom đạn khổng lồ tương đương sức công phá của 2 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) tháng 8/1945.

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 4
Bà Nguyễn Thị Thanh Nghị tự hào được góp sức trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Thủ đô

“Tất cả chúng tôi, bao gồm cả các nữ chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường, quyết tâm bảo vệ đến cùng Thủ đô thân yêu. Chúng tôi đã khiến "siêu pháo đài bay B-52” thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề. Tôi tự hào vì ngày đó, tôi được mặc áo lính và chứng kiến thời khắc lịch sử của Thủ đô Hà Nội anh hùng”.

Khi chuyển ngành, bà Nghị được đơn vị cử đi học đại học và công tác tại ngành Hàng không cho đến lúc nghỉ hưu, được phân công là Trưởng Ban Nữ công - Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Ở cương vị công tác nào bà cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành. Cũng như lớp lớp các nữ trí thức luôn đồng hành cùng Thủ đô, bà Nghị tự hào vì Hà Nội hôm nay sau khi đi qua chiến tranh đã trở thành Thành phố hòa bình, thành phố của sáng tạo.

5.  AHLĐ thời kỳ đổi mới - doanh nhân Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm: Góp sức trong công cuộc phát triển kinh tế

Bà Ninh Thị Ty thuộc thế hệ các nữ tri thức được Nhà nước cử đi đào tạo tại CHDC Đức, sau đó trở về tham gia xây dựng quê hương trên lĩnh vực kinh tế. “Ngày nghe tin giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975, tất cả du học sinh chúng tôi ở Đức ngỡ như mơ, cứ ôm chầm lấy nhau. Một sinh viên người Mỹ chứng kiến cảnh đó thì khóc vì buồn vì không hiểu sao Mỹ lại xâm lược Việt Nam”.

Bà Ty sinh ra trong gia đình nghèo, đi học chỉ có chiếc áo mỏng vá chằng vá đụp. Sang Đức, bà đã học ngành dệt may và gắn bó với ngành này cho tới bây giờ. Lúc đó, việc bà đi học may là điều lạ vì trong nước hãy còn bao cấp, mỗi người chỉ được phát 2m vải/năm nên không ai nghĩ tới may mặc. Tuy nhiên, ở nước ngoài, bà nhận thấy rằng, ngành này rất quan trọng và nhiều nước sau chiến tranh đã lấy dệt may làm ngành phát triển kinh tế.

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 5
Những đóng góp của bà Ninh Thị Ty đã góp phần đưa ngành dệt may Việt Nam vươn xa thế giới.

Trở về nước, mang theo trách nhiệm của một nữ trí thức, bà đã tham gia “cứu” 4 doanh nghiệp may trên bờ vực phá sản phát triển trở lại. Có công ty đang bị lỗ sau 1 năm được bà điều hành, quản lý đã lãi hơn 18 tỷ đồng. Những đóng góp của bà đã góp phần đưa ngành dệt may Việt Nam vươn xa thế giới.

Bà Ty luôn muốn làm được những điều người khác chưa làm. Khi phần đông hướng về nội đô thì bà đã tiên phong phát triển ra các tỉnh thành và mở công ty may ở tỉnh Hưng Yên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Dưới sự lãnh đạo của bà, Tập đoàn Hồ Gươm phát triển mạnh mẽ và có nhiều đóng góp tích cực trong nền kinh tế quốc gia.

6. TS Nguyễn Minh Hà, Đại biểu Quốc hội khóa XII, Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội giai đoạn 2008-2012, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội

Bà Nguyễn Minh Hà sinh ra, lớn lên, trưởng thành ở Hà Nội. Sau 13 năm công tác trên cương vị Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường Đào tạo cán bộ Đội Lê Duẩn thuộc Thành đoàn Hà Nội, bà được Thành ủy điều động về công tác tại Hội LHPN Hà Nội. Nhận nhiệm vụ ở một môi trường mới với nhiều bỡ ngỡ nhưng bà đã luôn nỗ lực, trách nhiệm, mong muốn được góp sức xây dựng phong trào phụ nữ Thủ đô ngày một phát triển. Từ năm 2000 đến khi về hưu, được sự tín nhiệm của các cán bộ, hội viên phụ nữ, bà lần lượt giữ các vị trí Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội.

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 6
Hiện nay, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, TS Nguyễn Minh Hà mong muốn cùng đội ngũ các nữ trí thức tiếp tục phát huy trí tuệ đóng góp xây dựng Thủ đô văn hiến văn minh, hiên đại.

Bà Hà nhớ lại, ngày đó, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành ủy, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn thành phố, sự tham gia trách nhiệm, đoàn kết của toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ. Nhờ đó, Hội Phụ nữ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị Thành phố giao, phát huy vai trò hạt nhân đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên; duy trì ảnh hưởng rộng rãi và vai trò trên nhiều lĩnh vực như tham gia quản lý Nhà nước, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.... Phong trào phụ nữ và hoạt động Hội nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua cả nước. Hội LHPN Hà Nội được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (Lần 2) cùng nhiều Bằng khen của Trung ương Hội, Thành ủy, UBND Thành phố...

Năm 2007, bà Hà vinh dự trở thành đại biểu Quốc hội khóa XII. Là một cán bộ nữ, làm việc trong tổ chức Hội, bà thấu hiểu những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của chị em. Vì vậy, bà đã tham gia đóng góp ý kiến về giới và bình đẳng giới vào các dự thảo Luật tại nghị trường. Bà rất vui vì hiện nay, Việt Nam ngày càng đạt được được nhiều bước tiến trong công tác nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Bà chia sẻ: Được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nên như một lẽ tự nhiên, tình yêu với Hà Nội luôn đong đầy trong bà. Nhớ lại ngày còn nhỏ, được trở về Hà Nội sau những ngày sơ tán, chỉ cần đến chân cầu Long Biên thôi là bà đã thấy bình yên, hạnh phúc lắm. Hiện nay, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, với tất cả tình yêu dành cho Hà Nội, bà mong muốn sẽ cùng đội ngũ các nữ trí thức tiếp tục phát huy trí tuệ đóng góp xây dựng Thủ đô văn hiến văn minh, hiên đại.

7GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Hoàng Yến, Chuyên gia cao cấp học viện Quản lý Giáo dục: Tích cực đóng góp trong lĩnh vực giáo dục

GS Nguyễn Thị Hoàng Yến sinh năm 1960 trong một gia đình Hà Nội gốc. Từ nhỏ, bà đã được bà nội dạy tề gia nội trợ, lời ăn tiếng nói, ứng xử chuẩn mực của con gái Tràng An. Năm 1978, bà tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội.

Bà Yến đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục khi là người thành lập Khoa giáo dục đặc biệt và xây dựng Trung tâm đánh giá, tham vấn và can thiệp cho trẻ khuyết tật đầu tiên của trường Đại học sư phạm Hà Nội. Những đóng góp của bà đã giúp cho các trẻ khuyết tật được đảm bảo quyền lợi về chăm sóc, giáo dục, góp phần vào công tác an sinh xã hội của Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, bà còn có nhiều đóng góp cho khoa học giáo dục nước nhà qua hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, sách, báo... công bố trong nước và quốc tế.

Nữ trí thức góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 7
Những đóng góp của GS Nguyễn Thị Hoàng Yến đã giúp cho các trẻ khuyết tật được đảm bảo quyền lợi về chăm sóc, giáo dục, góp phần vào công tác an sinh xã hội của Thủ đô Hà Nội

Bà Hoàng Yến chia sẻ: Bà yêu Hà Nội tới mức dù đã có nhiều cơ hội mời bà làm việc ở nước ngoài nhưng bà đều từ chối. Bởi bà chỉ cảm thấy mình thuộc về Hà Nội.

Yêu Hà Nội và luôn nỗ lực đóng góp cho Thủ đô trên lĩnh vực giáo dục, bà Yến đã được vinh danh là công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2002 với những đóng góp trong công tác bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ khuyết tật. Bà đã có 3 nhiệm kỳ tham gia BCH Hội LHPN Hà Nội. Năm 2018, bà là 1 trong 100 phụ nữ được nhận Bằng khen Phụ nữ Việt Nam vững vàng tiến bước do Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

 Lúc nào, bà Yến cũng cảm thấy những đóng góp của bà cho Hà Nội là chưa đủ. Hiện nay, ở tuổi 65, bà đang đảm nhiệm vai trò cố vấn cho chương trình nghiên cứu của Hà Nội giao cho trường Đại học Thủ đô về phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành nơi khởi đầu sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.