Phá rừng tự nhiên ngay trong dự án quản lý rừng bền vững ở Quảng Ngãi

Admin
Nhiều hecta rừng tự nhiên của dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững (Dự án KFW6) trên địa bàn thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) không những không được phát triển mà đang bị "lâm tặc" chặt phá lấy gỗ bán, lấy đất để trồng cây keo, khiến diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh.

Phá rừng tự nhiên tại tỉnh Quảng Ngãi

Phá rừng tự nhiên giữa ban ngày

Đầu tháng 4/2025, từ nguồn tin báo của người dân, phóng viên Người Đưa tin đã có mặt tại khu vực giáp ranh giữa phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để thâm nhập vào khu vực tàn phá rừng tự nhiên. Lần theo tiếng máy cưa gỗ, trước mắt chúng tôi là cảnh tang hoang của cánh rừng tự nhiên. Tại hiện trường cho thấy, mặt đường san ủi mở rộng, nhiều gốc cây lớn bị ủi lấp. Hàng trăm gốc cây rừng tự nhiên, trong đó cây gỗ ké, trâm… hàng chục năm tuổi bị cưa hạ, gỗ chất thành đống, tập kết tại nhiều điểm để ô tô chở xuống núi.

Phá rừng tự nhiên ngay trong dự án quản lý rừng bền vững ở Quảng Ngãi- Ảnh 1.

Diện tích rừng bị phá. Ảnh: Sơn Tùng

Dễ thấy, các gốc gỗ vết cưa vẫn còn mới khoảng vài ngày trở lại. Có khoảng 10 người tham gia cưa, chặt gỗ, cây rừng nhưng thản nhiên làm nhiệm vụ phá rừng. Thậm chí được thuê ăn ở tại khu vực này để khai thác gỗ. Một đối tượng khai thác gỗ cho biết: "Mình cắt rồi mình chất lên xe đó. Một tấn 200 nghìn". Chỉ về cánh rừng phía trên, một đối tượng khai thác gỗ cho biết: "Cánh rừng tự nhiên phía trên cũng đã cắt vào mùa mưa trước Tết năm nay".

Cây gỗ bị chặt hạ. Ảnh: Sơn Tùng

Cây gỗ bị chặt hạ. Ảnh: Sơn Tùng

Đầu nguồn nước của hồ Cây Xoài, thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ còn nhiều cánh rừng tự nhiên bao bọc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều diện tích hecta rừng bị tàn phá, chặt hạ để trồng cây nguyên liệu khác. Theo tìm hiểu của phóng viên, số cây gỗ chặt đã được bán vào tỉnh Bình Định. Lần theo dấu vết gỗ đưa xuống núi phát hiện điểm tập kết gỗ khai thác tại xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Với số lượng gỗ tại hiện trường và trên ô tô tải có hàng chục khối gỗ. 

Tại hiện trường, có nhiều người chất gỗ lên xe ô tô tải để chở đi bán. Khi thấy chúng tôi ghi hình, người thu mua gỗ tiếp cận và giãi bày việc hoạt động thu mua gỗ. Theo người đàn ông tên Nhơn chủ của số gỗ trên cho biết: "Thời điêm buổi chiều, tối có mấy người trên trên khai thác gỗ chở xuống bán. Ở đây tôi mua thu gom và tập kết lại một điểm. Ngày chở một chuyến xe đi Bình Định. Mỗi ngày chất dần dần lên xe chở đi".

Phá rừng tự nhiên ngay trong dự án quản lý rừng bền vững ở Quảng Ngãi- Ảnh 3.

Xe tập kết chở gỗ. Ảnh: Sơn Tùng

Ngay sau khi phóng viên chúng tôi xâm nhập, phát hiện vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên và đường dây tiêu thụ, lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra vị trí, diện tích rừng tự nhiên bị phá. Theo ông Lê Văn Đạt - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ cho biết: vị trí bị chặt phá tại Lô 22, khoảnh 3, tiểu khu 337, thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.

Theo ông Đạt, đây là vụ việc mới đây. Những vị trí trước, anh em kiểm lâm địa bàn cũng đã kiểm tra, mới đây phát hiện họ đã phát luỗng. Thời gian qua, Hạt kiểm lâm Đức Phổ đã kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, đình chỉ, lập hồ sơ các vụ phá rừng tự nhiên KFW6.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Đức Phổ, huyện tiếp nhận vụ việc phá rừng tự nhiên. Sau khi nghe báo cáo của Hạt kiểm lâm Đức Phổ, UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường và các cơ quan liên quan phối hợp Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích rừng thuộc dự án. Công an xã phối hợp các đơn vị để điều tra, xác minh, xử lý đối tượng phá rừng.

Phá rừng trong dự án khôi phục, bảo vệ rừng bền vững

Tìm hiểu PV, dự án KFW6 do Chính phủ Đức tài trợ vốn được triển khai tại một số tỉnh miền Trung từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2015, đã thu hút khá đông hộ dân ở tỉnh Quảng Ngãi tham gia.

Phá rừng tự nhiên ngay trong dự án quản lý rừng bền vững ở Quảng Ngãi- Ảnh 4.

Đối tượng cưa hạ gỗ rừng. Ảnh: Sơn Tùng

Trong đó, trên địa bàn thị xã Đức Phổ có 4 địa phương là xã Phổ Cường, xã Phổ Khánh, xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh tham gia dự án trồng rừng với hơn 1.300ha. Theo đó, trồng mới 749 ha gồm keo lá tràm, sao đen, lim xanh, gió bầu, bời lời đỏ ... khoanh nuôi, xúc tiến, tái sinh 350 ha. Mục tiêu của dự án là nâng cao mức sống người dân, khôi phục, bảo vệ rừng; đảm bảo diện tích cảnh quan, sinh thái.

Dự án đã đạt hiệu quả về lâm sinh, đa dạng sinh học, góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay nhiều diện tích rừng của dự án đang bị tàn phá. Ngay sau khi dự án KFW6 kết thúc, nhiều diện tích rừng đã thành rừng keo nguyên liệu, vì chủ rừng nắm trong tay sổ đỏ. Số diện tích rừng tự nhiên KFW6 còn lại cũng đang nguy cơ tiếp tục bị xóa sổ để trồng cây keo.

Thống kê Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ, hiện có gần 200 ha bị người dân phá để thay thế bằng trồng keo nguyên liệu.

Trước tình trạng phá rừng dự án KFW6, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND thị xã Đức Phổ đã ban hành nhiều văn bản ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng. Ông Lê Văn Đạt - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ cho biết: "Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ đã tham mưu UBND thị xã Đức Phổ kiểm tra lại những hộ không thực hiện thì thu hồi diện tích. Cũng đã có động tác tham mưu UBND thị xã thu hồi diện tích rừng".

Phá rừng tự nhiên ngay trong dự án quản lý rừng bền vững ở Quảng Ngãi- Ảnh 5.

Một gốc gỗ lớn vừa cưa hạ. Ảnh: Sơn Tùng

Theo ông Huỳnh Thanh Thao - Trưởng phòng Nông nghiệp và môi trường thị xã Đức Phổ, Thị xã Đức Phổ tập trung rà soát, phối hợp, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng chuyển cơ quan điều tra. Việc phá rừng nguyên sinh, rừng dự án KFW6 là phải quyết liệt xử lý, xử lý dứt điểm".

Bên cạnh đó, UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường và các cơ quan liên quan phối hợp Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích rừng thuộc dự án. Với những diện tích mà người dân không thực hiện đúng cam kết, tiếp tục trồng cây không phải là cây bản địa sẽ đề xuất thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Phạm Ngọc Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ cho biết "Bất cập hiện nay đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng KFW6 trên địa bàn".

Phá rừng tự nhiên ngay trong dự án quản lý rừng bền vững ở Quảng Ngãi- Ảnh 6.

Diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá. Ảnh: Sơn Tùng

Hiện nay không ít hồ, đập chứa nước ở thị xã Đức Phổ không còn trồng cây rừng tự nhiên, bởi các cánh rừng tự nhiên bị tàn phá thay vào rừng sản xuất cây keo, nguồn sinh thủy thấp dẫn đến tình trạng bị cạn kiệt nguồn nước.

Khu vực rừng đầu nguồn Hồ chứa nước Cây Xoài, phường Phổ Thạnh, Đức Phổ trước đây cả trăm diện tích rừng KFW6 nhưng đến nay diện tích rừng tự nhiên dần biến mất.

Ông Mai Thanh Quyền, ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ cho biết: "Trước đây cây rừng tự nhiên khu vực phường Phổ Thạnh và Phổ Khánh rất nhiều đến cả hàng trăm hecta, bây giờ tiếc vì cánh rừng bị tàn phá".

Còn ông Huỳnh Thanh Thao - Trưởng phòng Nông nghiệp và môi trường thị xã Đức Phổ cho biết: "Hiện nay trên địa bàn các phường Phổ Thạnh, Phổ Châu, Phổ Khánh... có các hồ chứa lớn. Để phục vụ cho hoạt động sản xuất của người dân. Việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng phòng hộ ở các hồ chứa nước này rất quan trọng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục bảo vệ, cho trồng bổ sung để bảo vệ các hồ chứa, bảo vệ nguồn nước".

Người dân lo ngại, việc các chủ rừng không thực hiện đúng quy định, để mất rừng nhưng chưa bị xử lý, thu hồi lại diện tích rừng dẫn đến các chủ rừng xem thường, dẫn đến để mất rừng như một lẽ đương nhiên. Thậm chí có dư luận cho rằng, nếu không được xử lý triệt để các chủ rừng sẽ lại tiếp tục vi phạm vì cho rằng người khác làm được thì mình cũng làm được. Câu chuyện mất rừng từ những dự án chuyển đổi rừng đang được đẩy qua đẩy lại giữa chính quyền địa phương - chủ rừng - cơ quan chức năng trong ngành lâm nghiệp. Trong khi chưa có chế tài mạnh tay xử lý nghiêm thì cây rừng vẫn bị triệt hạ.

Phó Giám đốc Công an Thanh Hóa thông tin điều tra vụ phá rừng ở Bá ThướcPhó Giám đốc Công an Thanh Hóa thông tin điều tra vụ phá rừng ở Bá Thước

Đại tá Trịnh Văn Giang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, CQĐT đã khởi tố vụ án phá rừng ở huyện Bá Thước xảy ra cuối năm 2024 và đang tiếp tục điều tra làm rõ