Tin liên quan
Đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước
Cần nghiên cứu thêm vấn đề phân quyền cho chính quyền địa phương
Quan tâm đến phân định “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền” giữa chính quyền địa phương các cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần nghiên cứu thêm vấn đề phân quyền cho chính quyền địa phương tại Điều 13, phân cấp cho chính quyền địa phương tại Điều 14 của dự thảo Luật.
![Phải xác định rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền” - ảnh 1](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_13/pho_chu_tich_quoc_hoi_tran_quang_phuong__trung_binh_eucu.jpeg)
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Điều 13 phải là nguyên tắc phân quyền, địa phương tự chủ, chịu trách nhiệm, cơ quan nhà nước cấp trên chịu trách nhiệm thẩm tra, kiểm tra, giám sát những vấn đề mình phân quyền; còn Điều 14 không phải phân cấp mà là nội dung phân quyền. Còn có những điều ủy quyền nằm trong nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương lại không đưa vào Điều 15 quy định về ủy quyền cho chính quyền địa phương, do đó, cần nghiên lại nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải xác định thật rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền”, đồng thời phải lấy kết quả, tính mục đích làm cơ sở để thiết kế các quy định này.
Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với quy định tại khoản 4, Điều 28 về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND và cho rằng, trong điều kiện HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND, thì Thường trực HĐND được quyết định.
Tại quy định về HĐND, đề nghị phải bổ sung “HĐND được phép ủy quyền những việc thấy cần thiết và UBND phải thực hiện những điều ủy quyền đó và chịu trách nhiệm trước HĐND”.
![Phải xác định rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền” - ảnh 2](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_13/to_10_dai_bieu_kiyw.jpeg)
Về các điều kiện ủy quyền phải tính toán cho hợp lý, khi đã ủy quyền sẽ thay đổi trình tự, thủ tục. “Hiện nay “vướng nhất”, “ngại nhất” là thủ tục, vì thủ tục mới ủy quyền. Một là vì tính cấp bách của vấn đề, hai là sự phù hợp với thực tiễn, ba là trình tự thủ tục rườm rà, cái gì cũng báo cáo với tỉnh, báo cáo với trung ương thì mới ủy quyền, cho nên phải làm thay đổi trình tự, thủ tục thì mới nhanh được, mới quyết được.
Đề nghị tiếp tục nghiên cứu việc ủy quyền của HĐND cho Thường trực HĐND
Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu việc ủy quyền của HĐND cho Thường trực HĐND để giải quyết một số vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND; và Thường trực HĐND cũng là một cấp gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Trưởng Ban HĐND, Chánh Văn phòng HĐND…
Theo đại biểu, nên giao HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND một số việc và báo cáo lại kết quả xử lý các vấn đề giữa hai kỳ họp để HĐND xem xét, quyết định.
![Phải xác định rành mạch 4 cụm từ “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền” - ảnh 3](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/ngant/2025_02_13/dai_bieu_dang_ngoc_huy_qcuk.jpeg)
Về cơ cấu tổ chức của UBND (Điều 36 của dự thảo Luật), đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng giảm số lượng ủy viên UBND và cơ cấu chỉ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và một số giám đốc Sở như Sở Nội vụ, Công an, Quân sự, Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, không nhất thiết mở rộng ra các Sở nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy.
Liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương (Điều 2 của dự thảo Luật), theo Tờ trình của Chính phủ hiện nay là giữ nguyên mô hình, tuy nhiên đại biểu cho rằng, các mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn khác nhau, đề nghị tổng kết trên cơ sở thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để đưa ra một mô hình phù hợp.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị làm rõ thêm việc phân quyền. Theo đại biểu, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định trong luật việc phân quyền, còn phân cấp quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư.
Đại biểu cho rằng, cần quy định rõ ràng hơn những vấn đề nào có thể phân quyền thì phân quyền luôn cho địa phương.
Thảo luận tại các tổ, đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện tại và đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội tại các TP Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phân định rõ mô hình chính quyền địa phương đô thị, chính quyền địa phương ở hải đảo, chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế do Luật định và việc quy định nguyên tắc cụ thể, phạm vi trách nhiệm, quyền được phân cấp của chính quyền địa phương.