Trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều động lực rõ ràng về đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột ở Ukraine, vấn đề khôi phục liên lạc với Nga đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra bàn thảo.
Theo Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, tại một cuộc họp gần đây, "Liên minh những người sẵn sàng" – một nhóm các quốc gia ủng hộ Ukraine – đã kết luận rằng ít nhất một nhà lãnh đạo châu Âu nên nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Trong cuộc thảo luận của chúng tôi với Liên minh những người sẵn sàng tại Paris vào ngày 27/3, chúng tôi đã nhận ra thực tế là một nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải tiếp cận Nga vào một thời điểm nào đó", Reuters dẫn lời ông Stubb nói với các phóng viên tại Helsinki hôm 3/4.
Tổng thống Phần Lan đề xuất rằng, Pháp hoặc Vương quốc Anh, với tư cách là những nhà lãnh đạo chủ chốt của liên minh này, nên chủ động liên lạc với ông Putin, đồng thời nói thêm rằng cuộc đối thoại nên được phối hợp giữa tất cả các bên.
Tuy nhiên, ông Stubb không đưa ra mốc thời gian nào cho cuộc đối thoại tiềm năng trong tương lai, cũng không nêu rõ nhà lãnh đạo châu Âu nào có ý định tham gia đối thoại với Tổng thống Nga.

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb. Ảnh: YLE
Kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, mới chỉ có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và sau đó là Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Putin, nhưng những cuộc thảo luận đó không mang lại kết quả nào.
3 nhà lãnh đạo EU từng đến Moscow để gặp người đứng đầu Điện Kremlin là Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Áo lúc bấy giờ là ông Karl Nehammer.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán ngừng bắn gần đây do Washington dẫn đầu với Ukraine và Nga, bao gồm các cuộc họp mới nhất tại Ả Rập Xê-út vào ngày 24-25/3.
Song song với đó, Pháp và Anh đã dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm đảm bảo an ninh phù hợp cho Ukraine, khởi xướng một nhóm các quốc gia ủng hộ Kiev gọi là "Liên minh những người sẵn sàng", ủng hộ gửi quân đến quốc gia Đông Âu để thực thi lệnh ngừng bắn tiềm năng.
Phần Lan nằm trong số các nước đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh này ở Paris vào ngày 27/3.
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Phần Lan cho biết rằng đất nước ông nên "chuẩn bị tinh thần" để cuối cùng khôi phục quan hệ với Nga sau khi cuộc giao tranh ở Ukraine kết thúc.
"Chúng tôi ở Phần Lan phải chuẩn bị tinh thần cho thực tế rằng tại một thời điểm nào đó, quan hệ với Nga sẽ bắt đầu phục hồi", ông Stubb nói với các phóng viên tại London hôm 1/4 sau khi hội đàm với Thủ tướng Anh Keir Starmer, theo báo Ilta-Sanomat của Phần Lan.
"Không có gì có thể xóa bỏ thực tế rằng Nga là và sẽ luôn là nước láng giềng của Phần Lan", ông Stubb nói, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ sự tan băng nào trong quan hệ Moscow-Helsinki sẽ phụ thuộc vào việc Nga chấm dứt hoạt động quân sự ở Ukraine và cuộc tranh luận nội bộ của Phần Lan về cách tiến hành.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 1/4 cho biết rằng ông Putin sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Phần Lan.
Phần Lan, một quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt tình, đã gia nhập NATO vào năm 2023. Quốc gia này có chung đường biên giới dài khoảng 830 dặm (1.340 km) với Nga, và đã tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh phương Tây kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu trên "cựu lục địa".
Minh Đức (Theo TASS, Kyiv Independent)