Một trong những điểm sáng của Hà Nội khi thực Chỉ thị số 34-CT/TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng (Chỉ thị 34) ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị là đã phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt, mô hình hay, đưa các sáng kiến, sáng tạo vào cuộc sống. Từ đó góp phần lan tỏa, thúc đẩy các phong trào thi đua trong các cấp, các ngành, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị cũng như của Thủ đô và đất nước.
Ngày 20/4/2021, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 04/KH-HĐTĐKT về việc tổ chức phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021-2025 với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai sâu rộng hoạt động sáng kiến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố. Đồng thời khuyến khích, động viên các cá nhân phát huy tính sáng tạo, đổi mới, có những hoạt động, mô hình, sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động sáng kiến, sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến Thủ đô, điểm nhấn của phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021-2025 là khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến, giải pháp hữu ích của các tầng lớp nhân dân. Chuyển trọng tâm thi đua, khen thưởng về cơ sở, động viên, khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và người lao động trực tiếp có thành tích sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.
UBND Thành phố Hà Nội trao bằng Sáng kiến Thủ đô năm 2024 đợt 3 cho các cá nhân và tập thể.
Phong trào cũng xác định mục tiêu phát huy tối đa giá trị của những sáng kiến, kinh nghiệm từ cơ sở, nhân rộng đến các đơn vị, địa phương khác. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá của Thành phố đề ra.
Ngày 30/5/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định tặng Bằng “Sáng kiến Thủ đô” đối với 44 sáng kiến của 66 cá nhân là tác giả và đồng tác giả. Theo đó, ngày 11/6/2024, UBND Thành phố đã trao tặng Bằng sáng kiến Thủ đô cho 30 cá nhân và 14 nhóm tác giả. Trong số 44 tác phẩm, có nhiều sáng kiến đang được triển khai tại các dự án, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021-2025 đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến, giải pháp hữu ích của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Anh Hoàng Việt Anh là 1 trong 30 tác giả nhận Bằng khen sáng kiến Thủ đô năm 2024. Là kỹ sư của Công ty TNHH Medlatec Tây Hồ, anh có sáng kiến kiểm kiểm soát được chất lượng nguồn nước RO Ion cung cấp cho quá trình chạy máy xét nghiệm phục vụ công tác khám chữa bệnh; dễ dàng sử dụng, theo dõi được độ tinh khiết, độ ổn định của nước Ion và có hướng khắc phục sớm nhất khi chất lượng nước có biến động về chỉ số trong giải cho phép. Dễ dàng gia công, phù hợp với mọi kích thước bể xử lý nước thải; độ bền sử dụng kéo dài 5-10 năm, giúp tăng tải trọng của bể vi sinh nhờ đó tiết kiệm diện tích xây dựng. Tiết kiệm chi phí cải tạo hệ thống xử lý sinh học.
Hiệu quả mang lại đã giảm thiểu các hóa chất sục rửa, hạn chế sự cố gây tắc, tràn nước chưa được xử lý ra môi trường, giảm thiểu chi phí mua men vi sinh xử lý nước thải; đảm bản chất lượng nước ổn định, đạt chuẩn theo quy định nước thải y tế. Số tiền tiết kiệm được cho công ty từ 250 – 300 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Trưởng ca, Công ty TNHH Canon Việt Nam cũng vừa nhận danh hiệu “Sáng kiến, Sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô”. Sáng kiến của chị đã đưa ra giải pháp thiết kế và lắp đặt hệ thống vận chuyển tự động hóa, hệ thống tự động gọi hàng, lắp đặt hệ thống tự động đọc linh kiện và tự động di chuyển linh kiện vào khu vực sản xuất, thiết kế các hệ thống nâng hạ hàng.
Sáng kiến được áp dụng cho tất cả các vùng cần vận chuyển linh kiện cho các nhà máy thuộc công ty TNHH Canon Việt Nam và chia sẻ sang một số nhà máy của tập đoàn Canon ở Thái Lan và Philipin. Sáng kiến sáng tạo của chị Hằng tạo ra môi trường làm việc thân thiện, giảm công việc nặng ngọc thủ công, tối ưu hóa diện tích sử dụng kho. Tổng giá trị làm lợi được là 55,3 tỷ đồng.
Công nhân lao động tích cực hưởng ứng phong trào “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô”
Sáng kiến “Xã hội hóa hệ thống camera an ninh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường” của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy cũng là 1 trong 30 mô hình sáng kiến được TP Hà Nội trao tặng Bằng khen năm 2024. Từ thực tiễn trong những năm qua, công tác an ninh trật tự trên địa bàn phường còn tiềm ẩn những vấn đề bất ổn như: Còn xảy ra nạn trộm cắp, bẻ khóa vào nhà dân; tình trạng đổ trộm phế thải rác thải, vứt rác không đúng nơi quy định vẫn còn thường xuyên xảy ra. Một số hộ gia đình còn chủ quan, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao. Việc phối hợp với các cơ quan chức năng ở một số tổ dân phố và phương án phối hợp xử lý khi có sự việc xảy ra về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trong các tổ dân phố chưa được đồng đều.
Mục đích của sáng kiến “Xã hội hóa hệ thống camera an ninh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường” là thông qua thực trạng trên trong các tổ dân phố trên địa bàn đề ra những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về an ninh trật tự tạo sự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm được sạch sẽ, khang trang. Từ đó giúp nâng cao ý thức của người dân trong phường, đồng thời lan tỏa, nhân rộng trong toàn phường.
Điểm mới của sáng kiến là thực hiện việc xã hội hóa việc lắp đặt camera công cộng tại các tổ dân phố, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Mô hình này đã được triển khai áp dụng đồng bộ, để thời gian tới công tác an ninh trật tự luôn được giữ vững, vệ sinh môi trường sẽ ngày càng đi vào nền nếp, sạch sẽ đường làng ngõ xóm. Nhân dân trong phường sẽ nâng cao ý thức tự giác hơn nữa trong việc đảm bảo an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Phát huy hiệu quả mô hình “Xã hội hóa Camera an ninh" tại phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy.
Từ tháng 10/2021, phường bắt đầu triển khai thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa. Ban đầu mới có 2 tổ dân phố là tổ 20 và tổ 11 với 4 mắt camera công cộng được kết nối để theo dõi an ninh. Sau 3 năm triển khai thực hiện, hiện nay đã có 28/28 tổ dân phố xây dựng hệ thống camera an ninh, qua quá trình sử dụng đã mang lại kết quả tích cực. Người dân có ý thức hơn trong việc tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn phường.
Các tổ dân phố thậm chí là người dân có thể theo dõi, quan sát các khu vực trong tổ và ngõ xóm qua hệ thống máy tính hoặc điện thoại thông minh. An ninh trật tự trên địa bàn tổ dân phố được bảo đảm hơn so với năm không có camera an ninh. Việc truy xuất dữ liệu, hình ảnh rất dễ dàng, thuận lợi cho việc điều tra, làm rõ, xác định người vi phạm, khi có sự việc xảy ra.
Ông Trần Quốc Tùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nghĩa Đô cho biết: "Đây là mô hình được UBND - Ủy ban MTTQ phường phát động từ cuối năm 2021, qua công tác vận động tại các tổ dân phố, địa bàn phường đã có hơn 1.500 mắt camera đặt tại bên ngoài nhà các hộ gia đình có thể sử dụng để lấy dữ liệu hình ảnh khi cần thiết. UBND phường triển khai xây dựng mô hình xã hội hóa camera an ninh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường nhằm đảm bảo tình hình ANTT, vệ sinh môi trường, cung cấp, cập nhật kịp thời các thông tin về diễn biến, tình tiết quan trọng để phục vụ điều tra, truy vết cũng như giám sát hoạt động tại cộng đồng dân cư".
Lan tỏa phong trào xã hội hóa lắp camera an ninh.
Theo ông Trần Quốc Tùng, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia vào mô hình. Bước đầu có 2 tổ dân phố đã xã hội hóa camera an ninh của tổ dân phố tại các tuyến ngõ đầu ra, vào của tổ, đó là tổ 11 và tổ 20. Tính đến nay đã có 28/28 tổ dân phố xây dựng được hệ thống camera an ninh, trong đó có 165 vị trí công cộng do tổ dân phố lắp đặt bằng nguồn XHX và 1.350 vị trí nhà dân tự lắp đặt. Toàn bộ 1.350 vị trí camera đều được tổng hợp số điện thoại di động và tạo thành 13 nhóm zalo được phân theo 13 ô khu vực có cảnh sát khu vực phụ trách và các thành viên của nhóm gồm: Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, Công an phường, các đồng chí CSKV, tổ tuần tra nhân dân, tổ bảo vệ dân phố (PCCC); lực lượng dân phòng; Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Trưởng ban CTMT và đại diện các hộ dân có camera an ninh.
Từ khi thực hiện mô hình camera an ninh tại các tổ dân phố, tình hình an ninh trật tự địa phương được đảm bảo ổn định, người dân có ý thức hơn trong phòng, chống tội phạm cũng như bảo vệ môi trường sống.
ỦY ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội luôn động viên kịp thời những cá nhân tiêu biểu.
Thực tiễn cho thấy trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 34, công tác thi đua khen thưởng của thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới. Qua đây, Thành phố đã phát hiện và nhân rộng nhiều gương người tốt việc tốt trong cộng đồng, góp phần xây dựng Thành phố phát triển hiện đại, văn minh, thanh lịch.
Được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hòa Bình Minh từ năm 2016, với vị trí ban đầu là kỹ thuật viên Tổ sửa chữa chung - Dịch vụ Hyundai Hà Đông, sau 8 năm gắn bó, với tinh thần ham học hỏi, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu…, anh Hoàng Văn Trung đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm giúp nâng cao hiệu suất công việc và đạt được nhiều thành tích cao trong các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động tiên tiến và được tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô năm 2024.
Năm 2023, anh Hoàng Văn Trung vinh dự khi được lựa chọn đại diện Hyundai Thành Công Việt Nam dự thi Hội thi tay nghề toàn cầu và đạt giải Ba.
Tâm sự về quá trình làm việc tại Công ty, anh Trung cho biết, mặc dù công việc sửa chữa, bảo hành đã có quy trình đầy đủ, khoa học. Thế nhưng, điều quan trọng đối với các kỹ sư sửa chữa ô tô đó chính là phải có sự linh hoạt trong việc xử lý các tình huống cụ thể, đặc biệt là phải đảm bảo tiến độ trong công việc và sự hài lòng của khách hàng. Bởi thế, nhằm đảm bảo kịp tiến độ bàn giao xe cho khách hàng, đảm bảo tiến độ được giao và đặc biệt là xử lý được các lỗi kỹ thuật khó, không ít lần anh Trung và các đồng nghiệp đã phải thức đến 1-2h sáng để giải quyết công việc nhằm đảm bảo đúng tiến độ giao xe cho khách.
Với tình yêu, sự say mê sáng tạo trong lao động, sự tận hiến với nghề nghiệp, năm 2018, anh Trung tham gia Hội thi tay nghề do Công ty Cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam tổ chức và đạt giải Nhì. Không từ bỏ ước mơ chinh phục và khám phá kỹ thuật mới, nâng cao tay nghề, năm 2020, Hoàng Văn Trung tiếp tục tham gia Hội thi tay nghề do Hyundai Thành Công Việt Nam tổ chức và đạt giải Nhất. Nhờ đó, năm 2023, anh Trung được đại diện cho Hyundai Thành Công Việt Nam tham gia Hội thi tay nghề Hyundai Toàn cầu tổ chức tại Hàn Quốc và xuất sắc giành giải Ba.
Nhiều năm liền, anh đạt thành tích Lao động xuất sắc do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hòa Bình Minh trao tặng và được tín nhiệm giao đảm nhiệm chức Tổ trưởng Tổ sửa chữa chung, phòng Dịch vụ Hyundai Hà Đông.
Năm 2024, anh Trung được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tặng Bằng khen và là 1 trong 100 Công nhân giỏi Thủ đô năm 2024 được Thành phố tuyên dương, khen thưởng.
Anh Hoàng Văn Trung vinh dự được tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô năm 2024.
“Đạt được danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô và được Liên đoàn Lao động Thành phố biểu dương, khen thưởng và báo công dâng Bác tại chính quê hương Bác là niềm vinh dự rất lớn đối với tôi. Danh hiệu này không chỉ là niềm tin của Ban lãnh đạo Công ty, sự ghi nhận của Liên đoàn Lao động Thành phố đối với cá nhân tôi, mà nó còn là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, chăm chỉ lao động và không ngừng sáng tạo vì một tập thể phát triển hơn nữa”- anh Trung bày tỏ.
Thực tiễn trong phong trào thi đua giai đoạn 2018 – 2023 của Hội LHPN Hà Nội cũng cho thấy, từ phong trào thi đua của Hội đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực như: Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài nghiên cứu, nâng cao kiến thức; tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực môi trường, ATTP, có nhiều đề tài khoa học đóng góp cho Thủ đô, là Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2021, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.
Từ trái qua phải: PGS.TS Bùi Thị An, chị Nguyễn Thị Xuyến, VĐV Nguyễn Thị Tâm
Chị Nguyễn Thị Xuyến là công nhân sản xuất Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam luôn tìm tòi, sáng tạo trong lao động, có nhiều sáng kiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đóng góp cho doanh nghiệp. Cô giáo Thái Thị Thanh Hoa, Tổ phó tổ Toán - Tin học trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt nhiều thành tích trong hướng dẫn đội tuyển Quốc gia Toán đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi Toán quốc tế.
Chị Nguyễn Thị Tâm là vận động viên số 1 của Boxing Việt Nam với nhiều thành tích cao trên khắp các đấu trường thế giới và châu lục, đặc biệt là nữ vận động viên đầu tiên đạt Huy chương Bạc Vô địch Boxing nữ Thế giới năm 2023.
Chị Cao Thị Thuỷ, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hoà đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất; mạnh dạn đầu tư 02 máy bay nông nghiệp thông minh không người lái trị giá trên một tỷ đồng để nâng cao năng suất và hiệu quả canh tác, giảm công lao động tới 90%, giảm 20-30% lượng thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng thành công nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy” đạt OCOP 4 sao, canh tác trên 300 ha, đem lại thu nhập cho trên 2.000 hộ dân của 6 huyện và 12 thôn ở khu vực miền Bắc.
Chị Cao Thị Thủy bên sản phẩm gạo J02. Ảnh NNVN
Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu với những cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới như: Hội LHPN huyện Phú Xuyên đã tích cực triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xây dựng không gian an toàn, phát triển bền vững lan tỏa trong cán bộ, hội viên phụ nữ với các mô hình “phân loại, xử lý rác hữu cơ tại gia đình”.
Hội LHPN xã Trung Giã huyện Sóc Sơn đã thực hiện ứng dụng sản phẩm IMO trong xử lý rác nhằm bảo vệ môi trường thực hiện có hiệu quả mô hình “ nói không với đốt rơm rạ” vận động 1.300 hội viên ký cam kết, sử dụng máy cuộn rơm trong sản xuất, chăn nuôi.
Hội LHPN xã Cần Kiệm huyện Thạch Thất đã nhân rộng, trồng và chăm sóc 3 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu Hoàng Yến có chiều dài gần 1.000 với nguồn kinh phí huy động đóng góp xã hội hóa 100 triệu đồng; vận động ủng hộ công trình “Thắp sáng đường quê” với chiều dài 2000m đường điện năng lượng mặt trời với kinh phí 172,4 triệu đồng.
Hội LHPN xã Ninh Sở huyện Thường Tín đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hiến tặng 1.200 m2 đất xây dựng đường làng, ngõ xóm đóng góp 2 tỷ 850 triệu đồng xây dựng tuyến đường nông thôn...
Hội viên, phụ nữ tham gia chương trình tập huấn, hướng dẫn xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ do Hội LHPN huyện Sóc Sơn tổ chức.
Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Nhận thức rõ việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu của các cấp Hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác TĐKT, Hội LHPN Hà Nội đã phát động các cấp Hội và cán bộ, hội viên phát hiện các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu thông qua các mô hình hoạt động, các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong công tác Hội…. Việc phát hiện, giới thiệu gương điển hình tiến tiến được đưa vào là một trong những nội dung chính trong đánh giá thi đua đối với các quận/huyện, thị xã và cơ sở.
Hàng năm triển khai cuộc thi viết về gương điển hình người tốt việc tốt; Chỉ đạo các cấp Hội chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp phát hiện, viết bài tuyên truyền, viết về gương điển hình cho 100% cán bộ chuyên trách quận, huyện và cán bộ Hội cơ sở cùng các báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội.
Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình được chú trọng thông qua tổ chức các hội nghị biểu dương tổng kết phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gặp mặt, giao lưu trao đổi kinh nghiệm; thăm quan, học tập điển hình tại các địa phương theo từng phong trào, chuyên đề.
(Còn tiếp)
Bài cuối: Để công tác thi đua, khen thưởng không biến thành phong trào, hình thức