Mới đây, theo Quyết định số 120433/QĐ-SHTT ngày 15/10/2024, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sầu riêng số 509387 được cấp cho UBND huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký (19/1/2024).
Danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu: Sầu riêng đã qua chế biến; cơm sầu riêng đã qua chế biến; cơm sầu riêng chưa qua chế biến; trái sầu riêng tươi; mua, bán và xuất nhập khẩu các loại hàng hóa gồm: Trái sầu riêng tươi, cơm sầu riêng đã qua chế biến, sầu riêng đã qua chế biến; dịch vụ quảng cáo, quảng bá nhãn hiệu sầu riêng.
Huyện Krông Năng hiện có 8.618 ha sầu riêng, trong đó hơn 4.500 ha cho thu hoạch, năng suất trên 70tạ/ha, sản lượng khoảng hơn 71.200 tấn.
Với lợi thế chín muộn nhất trong toàn tỉnh, thời gian qua, sầu riêng huyện Krông Năng luôn bán được giá cao khi khan hiếm hàng ở cuối vụ. Sản phẩm sầu riêng của huyện chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung quốc và được đánh giá là có chất lượng tốt. Hiện nay huyện đang xây dựng đề án phát triển cây trồng chủ lực (trong đó có cây sầu riêng) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện sầu riêng của huyện đã có 3 mã vùng trồng với 100ha.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNTtỉnh Đắk Lắk khẳng định, việc sầu riêng Krông Năng được cấp chứng bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ giúp quả sầu riêng của huyện nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung ngày càng vươn xa hơn, từng bước khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Hà, việc xây dựng nhãn hiệu sầu riêng cho các vùng trọng điểm là hết sức quan trọng. Hiện nay, Đắk Lắk đã xác định 7 vùng trọng điểm trồng sầu riêng. Huyện Krông Năng là địa phương thứ 3 của tỉnh Đắk Lắk được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ tập thể đối với quả sầu riêng. Đây cũng là tiền đề cho định hướng trong tương lai Đắk Lắk sẽ xây dựng thương hiệu sầu riêng trên thị trường.
Mặt khác, việc xây dựng nhãn hiệu cũng như thương hiệu đối với ngành hàng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk hiện nay sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất. Đồng thời, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu hiện nay.
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hết tháng 9/2024 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,7 tỉ USD, đây là mức kỷ lục lịch sử, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dẫn đầu, đạt khoảng 2,5 tỉ USD.
Nhận định về dư địa của mặt hàng sầu riêng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Quốc gia này năm 2023 đã chi ra gần 7 tỷ USD để bao mua lượng lớn sầu riêng từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là của Thái Lan và Việt Nam. Ở Trung Quốc, người dân mê sầu riêng đến mức ăn từ cơm cho đến vỏ.
Thực tế, kể từ giữa năm 2022, khi sầu riêng chính thức có "giấy thông hành" tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu loại quả này liên tiếp lập kỷ lục lịch sử. Cụ thể, nếu năm 2021, xuất khẩu sầu riêng thu về chỉ 178 triệu USD thì sau đó tăng nhanh lên 421 triệu USD vào năm 2022. Đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng lập kỷ lục 2,24 tỷ USD.
Năm nay, mới 9 tháng, nhưng theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu quả sầu riêng đã tăng mạnh 63,7%, tương ứng tăng 1,04 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, 95% lượng sầu riêng của nước ta được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn.
Mới đây, Việt Nam tiếp tục ký nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch sang thị trường này. Các doanh nghiệp dự tính, những lô sầu riêng đông lạnh đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 11 năm nay.
Tính đến hết tháng 9 năm nay, sản lượng sầu riêng của nước ta đã thu hoạch đạt gần 985.000 tấn, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, sản lượng cả năm ước đạt 1,2 triệu tấn. Còn nhiều vùng trồng cho thu hoạch vào những tháng cuối năm. Chúng tôi cho rằng, với đà này, hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 3 tỷ USD.
Đỗ Hương