Từ nỗ lực của Samsung giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài công nghệ
Mô hình robot và cuộc thi Sáng tạo Khoa học công nghệ "Innovation Tech Challenge" bắt đầu từ ý tưởng về một sân chơi giúp các em học sinh, sinh viên được thể hiện trọn vẹn các kiến thức và kỹ năng thu được từ các chương trình đào tạo công nghệ thuộc dự án Samsung Innovation Campus (SIC).
Năm 2019, mang lý tưởng về một thế hệ trẻ Việt Nam với năng lực công nghệ vượt trội, Samsung chính thức triển khai dự án SIC tại Việt Nam. Dự án tập trung vào đào tạo những lĩnh vực công nghệ mới nổi đang có sức ảnh hưởng lớn như: Lập trình C&P, AI, Big Data, IoT.
Từ khi được khởi động vào năm 2019 đến nay, đã có hơn 12.000 học sinh, sinh viên và giáo viên được đào tạo và phát triển năng lực công nghệ cao từ dự án này. Đáng chú ý, trong hơn nửa thập kỷ qua, dự án liên tục ghi nhận những đổi mới sáng tạo, tăng tiến về thành tựu qua từng năm. Đặc biệt, với gần 6.400 học viên, dự án năm 2023 – 2024 đã ghi nhận số học viên tham dự gần gấp đôi so với năm học 2022 – 2023.
Khi số lượng học viên được đào tạo từ chương trình SIC ngày càng tăng nhanh, đồng nghĩa với khoảng cách thiếu hụt số lượng và chênh lệch chất lượng nhân tài công nghệ tại Việt Nam ngày càng được rút ngắn.
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định "Samsung sẽ nỗ lực để có thể đóng góp một phần nhỏ bé trong việc giải quyết vấn đề thiếu nhân tài công nghệ IT của Việt Nam".
Đến cái bắt tay cùng NIC
Tháng 10/2023, đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ huy động các nguồn lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030, Samsung chính thức hợp tác cùng NIC triển khai các dự án giáo dục và phát triển công nghệ cao cho thế hệ trẻ Việt Nam nhằm bồi dưỡng nhân tài công nghệ, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới, Và chỉ hơn nửa năm sau, Samsung và NIC đã chính thức khai giảng Chương trình SIC năm học 2023-2024 tại NIC cơ sở Hòa Lạc.
Sự chung tay của Samsung khi ấy được Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá là phù hợp, đúng trọng tâm và góp phần bồi dưỡng, phát triển thế hệ trẻ thành các nhân tài tương lai trong các lĩnh vực then chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Mới đây, góp mặt tại lễ tổng kết dự án SIC 2023 – 2024, chỉ vài tháng sau khi tham gia lễ khai giảng chương trình SIC tại NIC, trực tiếp theo dõi phần thi đấu của những mô hình robot thông minh do các em học viên của chương trình SIC tạo nên, Thứ trưởng Ngọc một lần nữa ấn tượng vì dự án SIC đã cống hiến trí tuệ, thời gian, công sức để xây dựng một chương trình đào tạo có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị nguồn lực của đất nước trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0.
Bà khẳng định "Từ những kết quả ngày hôm nay, tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng chúng ta đang cùng nhau tạo dựng một tương lai tươi sáng và vững chắc vì sự phát triển chung của Việt Nam và của các đối tác."
Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn nằm trong tầm với
Câu chuyện về những mô hình robot được tạo nên bởi bàn tay khối óc người Việt không phải câu chuyện mới, bởi lẽ người Việt Nam đã tự tay chế tạo robot từ lâu. Tuy nhiên, những mô hình robot do các em học sinh, sinh viên tạo nên chỉ trong vòng hơn 1 tháng nhờ áp dụng những công nghệ mới nhất như lập trình, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật....vừa được học trong khóa học SIC của Samsung chính là minh chứng sống cho chất lượng và hiệu quả của dự án này, đồng thời cũng là tín hiệu tích cực trong việc đào tạo nhân tài công nghệ tại Việt Nam trong tương lai.
"Đây là một khóa học rất tốt. Nó không chỉ tốt cho học sinh sinh viên tiếp cận những kiến thức rất cập nhật và hiện đại mà còn tốt cho giáo viên nữa. Theo tôi nghĩ, những khóa học như thế này cần tiếp tục được triển khai, càng về lâu dài càng tốt" – Thầy Trần Hùng Cường, Trưởng bộ môn Khoa học máy tính – Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết.
Hiệu quả từ dự án SIC cũng một lần nữa chứng minh những nỗ lực trong các hoạt động trách nhiệm xã hội của Samsung. Hiện tại, Samsung đang dành cho Việt Nam một khoản ngân sách hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở mức cao nhất trong số các quốc gia mà tập đoàn này đầu tư. Với tầm nhìn "Together for Tomorrow - Enabling People" (Cùng nhau vì ngày mai – Trao quyền cho mọi người), Samsung đang tập trung triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng thế hệ trẻ tương lai, tiêu biểu như cuộc thi Solve for Tomorrow nhằm khuyến khích các em học sinh ứng dụng kiến thức của phương pháp giáo dục STEM để đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cho những vấn đề xã hội và cộng đồng địa phương. Dự án "Huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới"; Dự án Ngôi trường Hy vọng giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội phát triển toàn diện…
Có thể nói, cách Samsung triển khai các hoạt động nuôi dưỡng và phát triển nhân tài công nghệ một cách thiết thực, phù hợp với định hướng chính sách của Chính phủ cho thấy sự đồng hành, đồng lòng bền vững cùng Việt Nam của doanh nghiệp này. Trong tương lai, khi Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp cùng chung tay như vậy, mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030 là hoàn toàn trong tầm với.
"Giờ đây, không chỉ dừng lại ở những đóng góp về kinh tế, Samsung đang nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh căn bản của Việt Nam. Samsung sẽ cố gắng để trở thành "doanh nghiệp nỗ lực nhiều nhất cho đào tạo nhân tài công nghệ tại Việt Nam", đóng góp vào hoạt động đào tạo nhân tài công nghệ tương lai và trở thành "doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Việt Nam" - ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết.
Nguyễn Đức