Quản lý rau quả cần chặt chẽ từ nơi sản xuất

Admin
(Chinhphu.vn) - Xuất khẩu rau quả nổi lên như một ngành hàng có tốc độ phát triển nhanh chóng trong các ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu. Việc phát triển nóng đang phát sinh những bất cập từ sản xuất, đòi hỏi các địa phương cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất cho đến việc cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu.
Quản lý rau quả cần chặt chẽ từ nơi sản xuất- Ảnh 1.

Quản lý chặt chẽ từ các vùng trồng giúp chất lượng rau quả được đồng đều, đảm bảo đúng tiêu chuẩn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Các vi phạm xuất khẩu có thể phá vỡ ngành hàng tỷ đô

Cuối tháng 12/2024, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đã phát đi thông báo khẩn cấp, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.

Hành vi vi phạm nghiêm trọng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành sầu riêng Việt Nam, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế mà còn gây thiệt hại lớn cho những nhà sản xuất, xuất khẩu sầu riêng chân chính.

"Các cơ quan chức năng nước nhập khẩu có thể siết chặt kiểm soát đối với sầu riêng Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp vì nguy cơ phía Trung Quốc thu hồi mã số đã cấp vì vi phạm chất lượng", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit, nhấn mạnh.

Mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cũng đã có thông báo gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam liên quan đến việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU. Theo đó, với sầu riêng của Việt Nam, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%. Với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới.

Trong đó, tần suất kiểm tra thanh long là 30%, ớt và đậu bắp cùng tần suất 50%. Ba sản phẩm này khi nhập khẩu vào thị trường EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để đầu ra cho sản phẩm ổn định, cùng với việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng thì các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần đẩy mạnh khâu chế biến, tập trung vào chế biến sâu, vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ như xuất khẩu tươi.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, cơ quan này vừa nhận được cảnh báo đối với lô hàng trái cây tươi (sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm (ATTP) của các nước nhập khẩu, đặc biệt là của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

"Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, có nguy cơ cao sẽ đánh mất thị phần", ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh.

Kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt được nhiều thành công cả về thị trường, sản lượng và trị giá xuất khẩu. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt khoảng 7,12 tỷ USD trong năm 2024, tăng 27,1% so với năm 2023. Như vậy, so với con số 1,84 tỷ USD vào năm 2015, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có bước phát triển "nhảy vọt" trong một thập kỷ qua.

Năm 2024, nhu cầu tiêu thụ rau quả toàn cầu tăng, bất chấp những ảnh hưởng từ lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài. Việt Nam, với nguồn cung rau quả ổn định, chất lượng ngày càng được cải thiện và việc tận dụng tốt cơ hội các FTA mang lại, đã khai thác thành công nhiều thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản...

Để tăng cường quản lý chất lượng các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu và bảo đảm việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và ATTP, tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, thậm chí là dừng ngành hàng, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, các tổ chức và cá nhân liên quan tăng cường quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Trong đó, tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Phải xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Xuất khẩu rau quả đang đối diện với nhiều khó khăn khi các quốc gia tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu.

Hiện nay, sản lượng rau quả tươi được chế biến vẫn còn ít trong khi sản lượng thu hoạch hàng năm rất lớn. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp tại các thị trường, khu vực thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…

Nhằm hạn chế các trường hợp giả mạo, gian lận trong sử dụng mã số xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong trường hợp không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đóng gói của mình phải chủ động gửi thông báo bằng văn bản về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Từ ngày 20/1, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng dựa trên các báo cáo tổng hợp của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm cơ sở để thực hiện thủ tục kiểm dịch cho các lô hàng trái cây tươi không do chủ sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trực tiếp xuất khẩu.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cần sự chuẩn bị cho xuất khẩu các mặt hàng rau quả chủ lựcCần sự chuẩn bị cho xuất khẩu các mặt hàng rau quả chủ lực
Tham khảo thêm
Xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng trong các sản phẩm nông sảnXuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng trong các sản phẩm nông sản