Quảng Nam đẩy mạnh phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao

Admin
(Chinhphu.vn) - Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển cây dược liệu đa dạng và phong phú, phân bố tập trung ở các huyện miền núi.

Theo Tỉnh ủy Quảng Nam, đến nay, tổng diện tích trồng dược liệu tại tỉnh ước đạt 9.610 ha, trong đó sâm Ngọc Linh hơn 1.243 ha, quế 5.993 ha, bảy lá một hoa gần 2.201 ha, ba kích gần 151 ha, đảng sâm 186 ha, sa nhân 36 ha, đinh lăng 42 ha, chè dây 13 ha.

Riêng năm 2023 tỉnh trồng mới được 561 ha với các loại cây chính: Quế 258 ha, sâm Ngọc Linh 253 ha, đảng sâm 66 ha, ba kích 24 ha.

Về phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh đã ban hành Đề án triển khai thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Hiện có 2 đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, có quy mô vườn sâm 3,5 ha với khoảng 17.392 cây từ 2-7 năm tuổi; Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu, có quy mô vườn sâm 8,5 ha với lũy kế khoảng 241.561 cây ở nhiều độ tuổi. Hiện 2 đơn vị đang triển khai trồng mới, mở rộng diện tích vườn bảo tồn.

Để phát triển sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ nhân giống nhằm nâng cao tỉ lệ và chất lượng cây giống sâm Ngọc Linh; sản xuất thử nghiệm trà túi lọc và nước uống bổ dưỡng từ sâm Ngọc Linh; nghiên cứu bào chế, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của viên nang mềm sâm Ngọc Linh; đăng ký và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ.

Về phát triển quế Trà My, tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My và triển khai thực hiện tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn. Tính phấn đấu đến năm 2025 phát triển và ổn định vùng nguyên liệu với diện tích trồng quế Trà My đạt 7.777 ha; giai đoạn 2025-2030 trồng mới 2.223 ha, nâng tổng diện tích lên 10.000 ha.

Ngoài ra, hỗ trợ cây giống để trồng xen canh khoảng 368 ha (tại huyện Nam Trà My), qua đó, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Việc phát triển sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác góp phần nâng cao kỹ thuật canh tác, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái, hạn chế tình trạng phá rừng để làm nương rẫy; từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao; dần hình thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, mang tính chất sản xuất hàng hóa. Qua đó, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, với tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp dược liệu, ngày 27/3/2022 trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương giao Bộ Y tế và tỉnh Quảng Nam nghiên cứu đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam.

Ngay sau khi có chủ trương, Quảng Nam đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng đề án để trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Mục tiêu của đề án là hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam thành trung tâm điểm của cả nước trong chế biến dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Phấn đấu đến năm 2035 tăng diện tích vùng trồng dược liệu lên 30.000 ha (trong đó sâm Ngọc Linh là 15.568 ha); khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở khu vực miền núi, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân địa phương theo hướng bền vững.

Nhật Anh