Trong đó, cháu P.T.T chưa tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Còn cháu Đ.G.P đã tiêm 1 mũi vaccine "5 in 1" phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.
Theo điều tra dịch tễ, vào đầu tháng 7/2024, hai bệnh nhi này đều có triệu chứng ho nhiều nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi để điều trị. Sau đó, người nhà tiếp tục đưa bệnh nhi ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tại đây, do nghi ngờ bệnh nhi bị bệnh ho gà nên bệnh viện đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.
Kết quả, ngày 16/7, Viện Pasteur Nha Trang thông báo cả hai bệnh nhi P.T.T và Đ.G.P đều dương tính với vi khuẩn gây bệnh ho gà.
Sau khi địa phương xuất hiện ca bệnh ho gà, Trung tâm Y tế TP. Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhanh chóng phun hóa chất khử khuẩn, xử lý môi trường, vật dụng tại nhà có ca bệnh ho gà và những hộ gia đình có người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Đến nay, qua rà soát, Trung tâm Y tế TP. Quảng Ngãi xác định có 7 người tiếp xúc gần với bệnh nhi P.T.T, 17 người tiếp xúc gần với bệnh nhi Đ.G.P. Hiện, tất cả những trường hợp này đều chưa có biểu hiện triệu chứng nghi bệnh ho gà và đã được uống kháng sinh dự phòng (trong 7 ngày), theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần.
Bác sĩ Phan Minh Đan, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2020 đến nay, Quảng Ngãi mới xuất hiện trở lại ca bệnh ho gà.
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, dễ lây lan qua đường hô hấp. Vì vậy, trước mắt, nhằm bảo đảm không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa trường hợp mắc mới, tử vong, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ho gà tại TP. Quảng Ngãi và trên địa bàn tỉnh.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại TP. Quảng Ngãi. Kịp thời phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng và khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định, nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Lưu Hương