Quảng Ninh: Phát triển 393 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao

Admin
393 sản phẩm OCOP 100% được ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh cấp mã vạch và QR code cũng như đưa lên sàn thương mại điện tử. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ cho các chủ thể OCOP.

Ngày 6/8, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp trực tuyến sơ kết đánh giá tình hình thực hiện "Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh" 7 tháng và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024.

Quảng Ninh: Phát triển 393 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao- Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến về Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh).

Theo thông tin được đưa ra tại cuộc họp, đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 393 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm - One Commune One Product) của 13 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đạt từ 3-5 sao với 218 chủ thể sản xuất.

Trong đó, 100% sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử. Thời gian quan, bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP không ngừng được cải tiến, nâng cấp cũng như có đầy đủ thông tin theo quy định. Bên cạnh đó, 100% sản phẩm OCOP đã được cấp mã vạch và QR code tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc.

Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận để phát triển ổn định các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Các nội dung gồm: Quy hoạch vùng trồng sản xuất; Kiểm soát, bảo vệ thương hiệu sản phẩm; Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất và tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm; Nâng cao chất lượng đội ngũ theo dõi OCOP; Tiếp cận thị trường; quy trình sản xuất sản phẩm OCOP.

Quảng Ninh: Phát triển 393 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao- Ảnh 2.

Sản phẩm trà hoa vàng đạt OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: CTV).

Quảng Ninh: Gần 420 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 saoQuảng Ninh: Tổ chức cuộc thi sáng tạo bao bì, nhãn hàng hóa OCOP

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP Tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp, hỗ trợ cũng như tuyên truyền sâu rộng đến các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP chủ động nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát triển khai hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển sản phẩm OCOP.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến công, khuyến nông, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm vào các điểm bán hàng. Gắn chuyển đổi số với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP.