Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn áp mức thuế quan "có đi có lại" trong 90 ngày, Nhà Trắng đã trở thành trung tâm của các cuộc đàm phán, khi nhiều quốc gia trên thế giới chạy đua tìm kiếm một thỏa thuận với hy vọng giảm bớt tác động.
Thái Lan, dự kiến sẽ là nằm trong nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ mức thuế quan 36% – cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực và toàn cầu, đã được lên lịch đàm phán với phía Mỹ vào ngày 23/4. Nhưng các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng đã bị trì hoãn vào phút chót.
Lịch trình đàm phán đã được điều chỉnh và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira, trưởng đoàn đàm phán của Thái Lan, sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết vào ngày 22/4, người phát ngôn của chính phủ Jirayu Houngsub cho biết hôm 21/4.
Vị phát ngôn viên không đưa ra bất kỳ lý do nào cho việc các cuộc đàm phán bị trì hoãn.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cũng đã không đến Seattle vào tuần trước để gặp gỡ các doanh nhân Mỹ như đã thông báo trước đó, Bloomberg cho biết.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan, người cũng là thành viên của nhóm đàm phán, cho biết chính phủ hy vọng sẽ có "kết quả tốt" bất cứ khi nào các cuộc đàm phán được tổ chức vì hai nước có mối quan hệ song phương "tốt đẹp và lâu dài".

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira tuyên bố rằng chiến lược đàm phán của Thái Lan sẽ tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác với Mỹ để đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên. Ảnh: Nation Thailand
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với mức thuế quan "có đi có lại" cao nhất sau khi thặng dư thương mại của nước này với Mỹ tăng gấp đôi lên khoảng 46 tỷ USD vào năm ngoái, từ khoảng 17 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump.
Chính quyền của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết mức thuế cao hơn dự kiến đối với các lô hàng của nước này sang Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan – có thể làm giảm ít nhất 1% tăng trưởng của nước này trong năm nay nếu Bangkok không thể đàm phán để giảm mức thuế quan xuống.
Ông Chak Reungsinpinya, giám đốc điều hành và trưởng bộ phận nghiên cứu tại Maybank Securities (Thái Lan), cho biết một số ngành công nghiệp của Thái Lan có thể phải đối mặt với những trở ngại đáng kể do mức thuế quan mới.
Cụ thể, các ngành có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm xuất khẩu tiềm ẩn hoặc cạnh tranh cao hơn từ hàng nhập khẩu bao gồm điện tử, ô tô và hóa dầu. Trong khi đó, các ngành ngân hàng, tài chính và thương mại có thể suy giảm nếu tăng trưởng kinh tế giảm.
Thái Lan đã đề nghị tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Mỹ như ngô, khí đốt tự nhiên và etan, bên cạnh việc giảm thuế nhập khẩu và xóa bỏ các rào cản phi thuế quan để đảm bảo một thỏa thuận.
Nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á cũng cam kết kiểm tra chặt chẽ hơn các mặt hàng được vận chuyển đến Mỹ để ngăn chặn tình trạng làm giả của các nước thứ ba nhằm trốn tránh mức thuế quan cao mà họ phải đối mặt.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Bangkok Post)