Điều hành nội dung thảo luận tại hội trường về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) với 67 ý kiến phát biểu. Các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đối với từng nhóm chính sách, các điều, khoản cụ thể trong dự thảo luật, các vị đại biểu cũng đã quan tâm đóng góp nhiều ý kiến. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội gửi trên mạng thông tin của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, lưu ý các nội dung về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất phổ thông, thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, phương pháp tính thuế…
Thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) cho rằng dự thảo luật đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng sẽ giúp giảm gánh nặng thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn một số bất cập như mức doanh thu 3 tỷ đồng áp dụng thuế 15% là quá thấp, cách phân loại doanh nghiệp chỉ dựa vào doanh thu có thể bị lợi dụng. Đại biểu đề nghị cần tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế 15% và 17%, sử dụng thêm tiêu chí như số lao động và tổng tài sản để phân loại doanh nghiệp, áp dụng lộ trình tăng thuế suất khi doanh nghiệp vượt ngưỡng.
Đối với cơ quan báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như các doanh nghiệp thông thường. Điều này gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số.
Bên cạnh đó, Luật Thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí. Đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện. Đồng thời miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc là rất thấp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất việc dự thảo Luật đã bổ sung người nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Đại biểu cho biết, trong thời gian qua, nếu chúng ta bỏ không thu thuế đối với những đối tượng này sẽ dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Sẽ không công bằng đối với các cở sở sản xuất kinh doanh trong nước có những sản phẩm tương đồng với các sản phẩm của các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, đối với cơ sở kinh doanh thường trú ở Việt Nam thì chúng ta đánh thuế được, còn có những cơ sở không thường trú ở Việt Nam mà chỉ thông qua sàn giao dịch điện tử thì cách tính thuế sẽ như thế nào? Vấn đề này, đề nghị Chính phủ có Nghị định quy định cụ thể.
Đối với việc không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp từ sản xuất cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đại biểu tán thành cao với quy định này. Theo đại biểu, đối với nhà sản xuất thì không nên đánh thuế, nhưng những đối tượng mua bán thương mại thì phải tính thuế thu nhập.
Đại biểu cũng cho rằng vấn đề xác định thuế, tính thuế là vấn đề rất quan trọng. Có những cơ sở kê khai thuế, hoặc có cơ sở hạch toán, quyết toán theo hóa đơn…Cho nên việc thu thuế rất khó khăn, doanh nghiệp dễ dàng trốn thuế nếu cơ quan thuế không phát hiện ra hành vi này. Do đó, Luật sửa đổi lần này cần khắc phục được tình trạng trốn thuế, đảm bảo công bằng cho những người nộp thuế.
Góp ý một số nội dung của dự thảo luật, đại biểu Mai Văn Hải (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị xem xét quy định cho phép doanh nghiệp được cộng dồn số tiền tích trước nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng không hết vào khoản trích trước của năm sau.
Tại Điều 9 của dự thảo luật về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các loại chi phí liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư dự án mới, sau đó gặp rủi ro dẫn đến không có doanh thu vào diện chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về nội dung quy định khoản chi không đáp ứng điều kiện chi nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định này, vì vi phạm nguyên tắc quy định của luật nào thì xử lý theo quy định của luật đó, không nên quy định chồng chéo và loại bỏ các chi phí hợp lý, hợp lệ mà liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và có đầy đủ hồ sơ chứng từ, vẫn phải xem xét để đưa vào chi phí hợp lý.
Về miễn giảm thuế quy định: thời gian miễn miễn thuế giảm thuế được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu dự án thì thời gian miễn giảm thuế được tính từ năm thứ tư. Đại biểu cho rằng, để đảm bảo thực thi thống nhất, đề nghị bổ sung quy định doanh thu từ dự án là doanh thu từ việc tiêu thụ sản phẩm mục tiêu của dự án.
Lê Sơn