Rác thải hoàn toàn có thể trở thành nguồn lực đầu vào cho kinh tế

Admin
Mỗi phút có một triệu chai nhựa trên thế giới được tiêu thụ, mỗi năm có tới 5000 tỷ túi nhựa được thải ra môi trường, nhưng chỉ 9% trong số đó được tái chế.

Ngày 18/3, phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy tái sử dụng, tái nạp trong thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ TN&MT cho rằng, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa đang là vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đối thoại - Rác thải hoàn toàn có thể trở thành nguồn lực đầu vào cho kinh tế

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường

Chỉ 9% số rác thải được tái chế

Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc về rác thải nhựa trên thế giới, mỗi phút có một triệu chai nhựa trên thế giới được tiêu thụ, mỗi năm có tới 5000 tỉ túi nhựa được thải ra môi trường, nhưng chỉ 9% trong số đó được tái chế.

Tại Việt Nam, lượng rác thải và bao bì nhựa được đưa đến bãi rác mỗi tuần luôn ở mức báo động.

Mặt khác, bối cảnh thế giới hiện nay đang đứng trước trước áp lực về sự gia tăng dân số, thay đổi nhu cầu tiêu dùng, cũng như vấn đề về dịch bệnh, bất ổn chính trị đặt ra thách thức về gia tăng nguồn cung nguyên nhiên vật liệu.

Vậy nên, chúng ta cần có sự lựa chọn những mô hình tăng trưởng mới để giải quyết yếu tố hài hoà mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một nặng nề hơn.

Từ đó, tái sử dụng là điều rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, đó là cách các sản phẩm vẫn được lưu thông, giảm áp lực lên tài nguyên, đồng thường giảm thiểu chất thải.

Có thể nói, tái sử dụng, tái nạp là một dạng của mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), ngày càng được đón nhận ở quốc tế, và dần phổ biến trên các lĩnh vực đóng gói bao bì sản phẩm ở Việt Nam. Tuy nhiên, các mô hình kinh doanh này ở nước ta vẫn còn manh mún, không toàn diện dù đã xuất hiện từ trước.

Nguồn lực tiềm năng cho hoạt động kinh tế 

Nhận định về vấn đề này, TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường cho biết, nếu được phân loại, tỉ lệ chất thải của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nguồn lực đầu vào cho các hoạt động kinh tế. “Đây là một tín hiệu rất tốt”, ông bày tỏ.

Song, thực trạng chất thải của Việt Nam gồm 3 đặc trưng chính mà chúng ta vẫn vướng mắc nhiều ở cách vận hành và giải quyết rác thải dựa trên những đặc điểm này. 

Thứ nhất, chất thải rắn đô thị phát sinh ước khoảng 28 triệu tấn và dự báo đạt 54 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 73%).

Thứ hai, phần lớn chất thải đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ, thiếu kỹ thuật. Không chỉ khu vực đô thị, mà cả khu vực nông thôn cũng đang đặt ra những bài toán nan giải về vấn đề này, thậm chí mỗi xã có tới 3-4 điểm chôn lấp. Như vậy, áp lực lên môi trường là quá lớn.

Thứ ba, thành phần chất thải chính là các nguyên liệu hữu cơ (chất thải thực phẩm, quần áo, giầy, bìa…) và chất thải vô cơ (nhựa, cao su, kim loại,...).

Đối thoại - Rác thải hoàn toàn có thể trở thành nguồn lực đầu vào cho kinh tế (Hình 2).

Phần lớn chất thải tại Việt Nam vẫn đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ, thiếu kỹ thuật

Cấp bách là thế, vậy các biện pháp để hiện KTTH là gì? Ông mạnh chỉ ra theo ba thứ tự ưu tiên của các biện pháp.

Đầu tiên, cần hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, tối ưu hoá sử dụng thiết bị, sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu.

Theo bà Marian Frances T. Ledesma, Đại diện Chiến dịch không rác tại Philippines, có hai cách để hạn chế vấn đề này, đó là luật pháp và ý thức của người dân. Trên thực tế, ở Hàn Quốc hay Philippines đều đã có những quy định về sử dụng túi ni-lông cho các siêu thị hay nhà sản xuất, thay thế bằng những vật liệu dễ dàng tái chế và ít ảnh hưởng tới môi trường hơn.

Song, kết hợp với những chiến dịch truyền thông, kết hợp với những quy định người dân phải trả tiền nếu muốn sử dụng túi ni-lông, theo thời gian, mọi người sẽ có ý thức hơn về vấn đề này và hình thành thói quen xanh trong đời sống hằng ngày.

Biện pháp ưu tiên thứ hai, kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cầu kiện của sản phẩm, bao gồm: tái sử dụng (sản phẩm được người tiêu dùng khác tái sử dụng); tu sửa (sửa chữa hoặc bảo trì các sản phẩm lỗi để kéo dài thời gian sử dụng); hoặc tân trang, tái sản xuất, thay đổi mục đích sử dụng…

Cuối cùng, giảm chất thải phát sinh bao gồm: tái chế chất thải (xử lý, chế biến chất thải để chuyển hoá thành nguyên nhiên vật liệu có ích); thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải).