Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1, sản xuất công nghiệp quý IV/2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng này đến từ việc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4% so với năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,5%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm gồm sản xuất đồ uống tăng 1,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 0,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,9%; khai thác than cứng và than non giảm 5,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 5,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 so với năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2024 so với năm trước tăng cao gồm Phú Thọ tăng 44,7%; Lai Châu tăng 35,8%; Bắc Giang tăng 28,2%; Thanh Hóa tăng 19,6%; Trà Vinh tăng 7,5%; Điện Biên tăng 5,7%.
Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 135,7%; Trà Vinh tăng 50,2%; Điện Biên tăng 49,5%; Cao Bằng tăng 47,7%; Sơn La tăng 32,3%; Lai Châu tăng 32%; Thanh Hóa tăng 15,6%.
Một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2024 so với năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Quảng Trị tăng 4,7%; Đắk Nông tăng 3,2%; Gia Lai tăng 2,1%; Hà Tĩnh giảm 5,4%; Quảng Ngãi giảm 1,9%.
Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện năm 2024 so với năm trước tăng thấp hoặc giảm gồm Bạc Liêu tăng 2,7%; Lâm Đồng giảm 3,5%; Quảng Ngãi và Gia Lai cùng giảm 6%; Lạng Sơn giảm 14%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2024 tăng cao so với năm trước gồm ô tô tăng 27%; thép thanh, thép góc tăng 18,7%; tivi tăng 18,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên và đường kính cùng tăng 16,7%; xăng dầu tăng 14,0%; thép cán tăng 13,8%; phân hỗn hợp NPK tăng 11%; sữa bột tăng 10,9%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với năm trước như khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 15,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 12,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,8%; than sạch giảm 5,6%; điện thoại di động giảm 4,2%; bia giảm 1%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2024 giảm 5,1% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với năm 2023.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2024 tăng 10% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 10,6% so với cùng thời điểm năm trước. Tỉ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2024 là 77,1%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/12/2024 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp
Nhà nước tăng 0,1% và tăng 0,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7% và tăng 1,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,9% và tăng 3,7%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,4% so với cùng thời điểm năm trước.