Nhận định đầu tư
Chứng khoán Agribank (Agriseco Research): VN-Index vẫn bảo lưu xu hướng tăng điểm ngắn hạn khi hỗ trợ 1.240 điểm được duy trì và áp lực bán không quá áp đảo dù thông tin thị trường kém tích cực.
Trong bối cảnh lực cầu hỗ trợ đang có phần hạn chế, Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu có sẵn, chờ đợi cơ hội giải ngân mới khi thị trường xác nhận tạo đáy tại vùng hỗ trợ kể trên.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Xác suất cao VN-Index sẽ đi ngang tích lũy để củng cố động lực tại hỗ trợ 1.250 điểm. Các nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu ở vùng giá thấp mà nên quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới, thậm chí hoàn toàn có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng với các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt cho danh mục đầu tư dài hạn.
Mặc dù xác suất rung lắc vẫn hiện hữu nhưng sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy cho thấy thị trường sẽ sớm cân bằng và hồi phục ở vùng hỗ trợ 1.250 điểm.
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trong ngắn hạn, VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy trên vùng hỗ trợ quanh 1.260 điểm, trước khi chờ các động lực tăng trưởng mới như kỳ vọng vào tăng trưởng kết quả kinh doanh qúy IV/2024 và triển vọng năm 2025.
SHs kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trở lại khi thị trường vẫn đang phân hóa tốt phụ thuộc nhiều vào chất lượng nội tại của doanh nghiệp.
Khuyến nghị đầu tư
- BSR (CTCP Lọc – Hoá dầu Bình Sơn): Chờ bán.
BSR vừa nhận được quyết định chấp thuận chuyển niêm yết trên HoSE. TCBS cho rằng đây là tin tích cực với các cổ đông của BSR sau nhiều năm chờ đợi.
Từ đầu tháng 12/2024, tình hình kinh doanh có chuyển biến khả quan hơn. Mặc dù, quý III/2024 BSR chịu lỗ sau thuế ở mức 1.210 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua do crack spread giảm mạnh.
TCBS cho rằng kết quả kinh doanh sẽ bắt đầu hồi phục trở lại từ quý IV/2024. Nhà đầu tư đã có vị thế nên tiếp tục nắm giữ và chờ cơ hội chốt lời.
- DCM (CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau): Bán ở vùng giá 37.000 đồng/cổ phiếu.
Tháng 11/2024, DCM tiêu thụ sản lượng Urea là 52.150 tấn (giảm 46% so với tháng trước), sản lượng NPK đạt 2,33 tấn (tăng 88% so với tháng trước). Công ty đặt kế hoạch tiêu thụ tháng 12 là 80 tấn Urea (tăng 53% so với tháng trước) và 37 tấn NPK (tương đương 15,8x so với tháng trước).
Giá Urea tháng 12 đã tăng dần trở lại từ mức thấp của tháng 11, tuy nhiên TCBS dự báo lợi nhuận quý IV dự kiến giảm mạnh chủ yếu do nghiệm thu các chi phí bảo trì và ảnh hưởng giá khí cao từ giữa năm, mức này được dự báo sẽ duy trì trong thời gian tới.
TCBS kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại từ giữa năm 2025 khi giá khí thế giới hạ nhiệt dần, tăng sản lượng theo sản xuất nông nghiệp và tiết giảm chi phí nhờ thay đổi luật thuế VAT.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm tỉ trọng ở thời điểm hiện tại và giải ngân trở lại khi tình hình kết quả kinh doanh cải thiện rõ nét hơn.
- SAB (Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn): Chờ bán.
Trong quý III/2024, SAB ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.670 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.119 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ). TCBS kỳ vọng SAB sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi tốt trong quý IV khi đây là mùa lễ hội sôi động cuối năm.
Hiện tại công ty đang thực hiện thương vụ nâng sở hữu tại Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (SABIBECO) từ 22,8% lên 59,6% để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nếu thương vụ thành công, tổng công suất của SAB đạt khoảng 3 triệu lít bia/ năm, tăng 25% so với công suất hiện tại.
Dù ngành sản xuất kinh doanh bia, rượu, nước giải khát tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thử thách trong năm 2025, tuy nhiên TCBS kỳ vọng SABECO với vị thế và kinh nghiệm lâu năm trong ngành sản xuất bia rượu sẽ duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm tới. Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.