Sở hữu trí tuệ: Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững

Admin
(Chinhphu.vn) - Đổi mới sáng tạo để xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho toàn thế giới là hoạt động mà tất cả các quốc gia đang nỗ lực để thực hiện. Đồng thời, hoạt động đổi mới sáng tạo liên tục, không ngừng nghỉ trên phạm vi toàn thế giới và trong nước cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ đáp ứng kịp thời với các vấn đề mới.

Công cụ khuyến khích đổi mới sáng tạo

Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (IPDay) 26/4 là "Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo".

Có thể thấy, quyền sở hữu trí tuệ được nhìn nhận là động lực quan trọng cho hoạt động đổi mới sáng tạo, là chìa khóa thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thông qua việc khuyến khích các sáng tạo và ý tưởng, tìm ra cách giải quyết những thách thức toàn cầu.

Ở Việt Nam, ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Chiến lược được coi là kim chỉ nam để các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ vào hoạt động quản lý nhà nước, từ đó triển khai thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng, góp phần nâng tầm vị thế của quốc gia trong bản đồ sở hữu trí tuệ thế giới, cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo đánh giá của WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua, gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục về thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp, gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam.

Thực tế, thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sáng chế đối với phát triển kinh tế-xã hội dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhiều tỉnh, thành phố và các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn đã có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, khuyến khích tạo ra, bảo hộ và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới.

Theo thống kê, số lượng đơn đăng ký sáng chế nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ và số lượng Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ra trong những năm gần đây đều có xu hướng tăng, kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, năm 2023, số lượng bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho người nộp đơn Việt Nam đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2022, gồm 315 bằng độc quyền sáng chế (năm 2022 là 153) và 391 bằng độc quyền giải pháp hữu ích (năm 2022 là 176).

Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, mỗi năm WIPO đưa ra một chủ đề khác nhau và thường hướng tới một vấn đề cụ thể như: Sở hữu trí tuệ với các lĩnh vực thể thao, điện ảnh, công nghệ xanh hoặc hướng tới các nhóm chủ thể như giới trẻ, phụ nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Chủ đề của IP Day năm nay rất hay và ý nghĩa, là cơ hội để các chủ thể trong xã hội hiểu rõ hơn về vai trò trung tâm của sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo trong việc hỗ trợ quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Lưu Hoàng Long cho rằng, đổi mới sáng tạo là quá trình vận động không ngừng, còn sở hữu trí tuệ là vừa là kết quả của quá trình đổi mới, vừa là chất xúc tác, là đầu vào để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Và cách thức sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ để khuyến khích đổi mới sáng tạo ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp

Ở góc độ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ đang từng bước thực hiện các biện pháp quản lý và hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trong đó, một trong các nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ là việc quản lý cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp. Các công cụ tra cứu cần được xây dựng tạo thuận lợi cho người dùng và việc hướng dẫn tra cứu, sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp được thực hiện thường xuyên nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển.

Theo ông Lưu Hoàng Long, nhiều quốc gia đã phát triển và hình thành những nền tảng giao dịch tài sản trí tuệ hiện đại để tài sản trí tuệ được tạo ra liên tục và được sử dụng một cách có hiệu quả.

Mặc dù, Việt Nam có cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp phong phú nhưng nhiều thông tin hữu ích chưa được khai thác hiệu quả, chưa tới được đúng địa chỉ áp dụng.

Do đó, cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp cũng như các thông tin hữu ích khác cần được tích hợp và kết nối tới doanh nghiệp bằng cách thiết lập một "thị trường giao dịch tài sản trí tuệ".

Kinh nghiệm của một số nước cho thấy nếu thị trường này được quản lý và vận hành một cách chuyên nghiệp, hiệu quả thì không chỉ giúp các tài sản trí tuệ được ứng dụng tạo thu nhập cho chủ thể sáng tạo, đầu tư mà còn giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách cho cả xã hội như tạo việc làm giúp xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, cải thiện khí hậu và gìn giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý…

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ

Cũng theo ông Lưu Hoàng Long, ở mỗi quốc gia, sở hữu trí tuệ sẽ mang lại cả thách thức và cơ hội cho hoạt động đổi mới sáng tạo, trực tiếp tác động tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, đến nay chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu về bảo hộ các kết quả của hoạt động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân.

Pháp luật Việt Nam đã tương thích với chuẩn mực chung về sở hữu trí tuệ của thế giới quy định trong Hiệp định TRIPS của WTO, thậm chí một số nội dung về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn ở mức độ cao như nhiều nước phát triển khi mà Việt Nam quyết tâm hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung lần thứ ba năm 2022 đã dần tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ, qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả.

Và để hệ thống sở hữu trí tuệ hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, một số vấn đề về sở hữu trí tuệ cần được tiếp tục nghiên cứu, từ đó có những đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Đó là việc bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI), bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống, quy định về định giá tài sản trí tuệ, chính sách thúc đẩy bảo hộ và khai thác các đối tượng sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm phục vụ sức khỏe cộng đồng…

Bên cạnh đó, cần tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu, ban hành và thực hiện các chính sách thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ đã được bảo hộ, đặc biệt là những tài sản trí tuệ là ưu thế của Việt Nam như các sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý gắn với các loại nông sản chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của các địa phương.

Chúng ta cũng cần quan tâm đến các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của việc bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh, xã hội… Đồng thời có cơ chế, chính sách nhằm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp dân sự, trọng tài, trung gian hoà giải cũng cần được phát huy hiệu quả tốt hơn nữa trong tương lai…

Hoàng Giang