So kè kết quả kinh doanh Coteccons - Ricons: Kẻ lên người xuống

Admin
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của Coteccons và Ricons ghi nhận kết quả kinh doanh với sự phân hoá rõ rệt.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons mới đây đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 với sự phân hóa rõ rệt.

Coteccons đi lên, Ricons đi lùi

Từ ngày 1/4 – 30/6/2024, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.595 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu của công ty chủ yếu tới từ hợp đồng xây dựng, chiếm tới 6.583 tỷ đồng tổng doanh thu.

Bên cạnh đó, một số mảng cho thuê thiết bị xây dựng, cho thuê văn phòng… cũng đem lại cho doanh nghiệp khoản thu tăng trưởng nhẹ.

Trái ngược với Coteccons, Ricons lại ghi nhận doanh thu đi xuống, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 2.003 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu của Ricons chủ yếu cũng đến từ các hợp đồng xây dựng, đạt hơn 1.905 tỷ đồng, giảm 177 tỷ đồng so với cùng kỳ, kéo theo đà giảm chung của tổng doanh thu.

Tuy nhiên trong quý này, điểm sáng của Ricons là ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính tăng vọt lên hơn 112 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, đây là khoản thu phát sinh từ lãi chậm thanh toán và lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Ở bên phía Coteccons, quý này công ty lại ghi nhận thu từ hoạt động tài chính giảm về mức dưới 70 tỷ đồng, do năm nay công ty hụt thu từ khoản lãi tiền gửi ngân hàng.

Về phần chi phí, cả hai doanh nghiệp ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp quý này đều neo ở mức cao.

Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Coteccons báo lãi sau thuế đạt gần 59 tỷ đồng, cao gấp đôi lợi nhuận sau thuế của Ricons, chỉ ở mức 26 tỷ đồng.

Theo đó, quý này lợi nhuận sau thuế của Coteccons ghi nhận tăng trưởng 96% còn ở phía Ricons lại giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện Coteccons đang áp dụng niên độ kế toán 1/7/2023-30/6/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.045 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 300 tỷ đồng, vượt kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm tài chính 2024 của công ty.

Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 4 năm trở lại đây của công ty, đồng thời cao gấp tới 4 lần của năm tài chính 2023 theo niên độ kế toán riêng của Coteccons.

Nợ xấu chiếm 10% tổng tài sản Coteccons

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Coteccons ghi nhận 22.829 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu kỳ.

Tiền mặt của công ty đạt gần 22 triệu đồng, bên cạnh đó công ty có hơn 2.200 tỷ đồng đang gửi tại ngân hàng.

Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của công ty là các khoản phải thu khách hàng ngắn hạn với gần 11.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các hợp đồng thanh toán với đối tác như CTCP Vinhomes (1.128 tỷ đồng), Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam (917 tỷ đồng), Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (176 tỷ đồng) và các khách hàng khác (9.627 tỷ đồng).

Đáng chú ý, một phần lớn tài sản của Coteccons đang nằm tại các khoản nợ xấu đều liên quan đến các công ty vướng lùm xùm lừa đảo, sai phạm trên thị trường, chiếm 2.242 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng tài sản.

So kè kết quả kinh doanh Coteccons - Ricons: Kẻ lên người xuống- Ảnh 1.

Nợ xấu chiếm tới gần 10% tổng tài sản Coteccons.

Coteccons nhận định không có khả năng thu hồi 484 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh), 143 tỷ đồng của Saigon Glory (công ty thành viên của Bitexco), 122 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Minh Việt (công ty có Chủ tịch người nước ngoài đã bỏ trốn).

Bên cạnh đó, gần 1.500 tỷ đồng nợ xấu từ đối tác khác chỉ có khả năng thu hồi khoảng gần 900 tỷ đồng.

Ở phía bên kia bảng cân đối, tại ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Coteccons lại ghi nhận tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với đầu năm tài chính 2024 lên 14.248 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí phải trả ngắn hạn.

Trong đó, nợ vay ngắn hạn ghi nhận tăng gấp hơn 2 lần lên 1.519 tỷ đồng, trong khi nợ vay dài hạn giảm mạnh từ 498 tỷ đồng về 21 tỷ.

Khoản phải thu của Ricons tăng 11% sau 6 tháng

Ngược lại với Coteccons, Ricons lại ghi nhận tổng tài sản có xu hướng giảm nhẹ so với đầu kỳ, về mức 7.517 tỷ đồng.

Trong đó khoản mục giảm mạnh nhất là tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 57% so với đầu năm, tiền mặt của công ty tại cuối tháng 6/2024 chỉ còn 349 triệu đồng.

Hiện công ty ghi nhận đang đầu tư 224 tỷ đồng vào kênh trái phiếu, tại khoản mục trái phiếu dài hạn công ty đang phải trích lập dự phòng phải thu dài hạn khó đòi tới 140 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2024, các khoản phải thu ngắn hạn của Ricons đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu kỳ.

Đáng chú ý, phần lớn nằm ở khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 4.198 tỷ đồng; trong đó Ricons ghi nhận còn phải thu của Coteccons gần 323 tỷ đồng.

Đây cũng chính là khoản công nợ khiến Ricons đã yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons vì phía Coteccons chưa quyết toán.

So kè kết quả kinh doanh Coteccons - Ricons: Kẻ lên người xuống- Ảnh 2.

Ricons ghi nhận còn phải thu của Coteccons gần 323 tỷ đồng.

Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, thời Coteccons và Ricons còn chung "chủ" là ông Nguyễn Bá Dương.

Khi Ricons và Coteccons vẫn còn chung một nhà, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại một số dự án và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai đơn vị.

Tuy nhiên, những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.

Bên cạnh Coteccons, khoản phải thu ngắn hạn lớn nhất mà Ricons ghi nhận là với CTCP Đầu tư và Kinh doanh BĐS Phương Nam 3A-1 lên tới 961 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty tại ngày 30/6/2024 đạt 5.042 tỷ đồng, giảm 6,6% so với đầu năm, trong đó nợ vay tài chính chiếm 519 tỷ đồng.