
Đàn gà giống là sinh kế được hỗ trợ để cải thiện kinh tế gia đình - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Trong bối cảnh chuẩn bị kết thúc hoạt động cấp huyện, tỉnh Hà Tĩnh khẳng định chính sách an sinh, đặc biệt đối với người yếu thế, sẽ tiếp tục được bảo đảm và thực hiện hiệu quả hơn nhờ trao quyền sâu sát cho cấp xã nơi gần dân, hiểu dân nhất.
Những tia hy vọng từ sinh kế mới
Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, suốt nhiều thập kỷ qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực rà phá, thu gom bom mìn để giải phóng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn cũng được triển khai rộng khắp với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Trong hành trình âm thầm nhưng bền bỉ đó, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng; đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương, tận dụng nguồn lực từ quỹ Hội, các doanh nghiệp, tổ chức nhân đạo và các nhà hảo tâm để triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn. Từ những mô hình nhỏ nhưng thiết thực như hỗ trợ con giống, vật nuôi… hàng trăm người đã có thêm cơ hội vượt lên hoàn cảnh, ổn định cuộc sống.
Tháng 5 vừa qua, tại huyện Can Lộc và huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), một trong những địa bàn từng bị ô nhiễm bom mìn nặng nề, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho 45 gia đình, trong số đó có bà Nguyễn Thị Khánh, người phụ nữ mang trên mình những mất mát không gì bù đắp được.
"Chồng và con tôi mất vào năm 1993 vì một quả đạn còn sót lại trong vườn nhà. Khi ấy, chúng tôi không ai ngờ được mảnh đất mình canh tác hàng ngày lại ẩn chứa hiểm họa chết người như vậy", bà Khánh nghẹn lời.
Sau cú sốc tinh thần ấy, một mình bà Khánh gồng gánh nuôi con, rồi sống lặng lẽ với mảnh ruộng nhỏ, thu nhập bấp bênh. Nhận được đàn gà giống từ chương trình sinh kế của Hội, bà vui mừng chia sẻ: "Tôi tách đàn gà lớn nhỏ để dễ chăm, mong chúng chóng lớn, đẻ trứng. Có đàn gà này, tôi hy vọng sẽ có thêm thu nhập để đỡ đần tuổi già".
Tại huyện Hương Khê, ông Mai Đức Vĩnh (58 tuổi), là nạn nhân bom mìn từ khi còn là cậu bé chăn trâu. Vụ nổ khiến ông bị thương nặng và trở thành người khuyết tật. Hiện ông đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Nhà nước theo quy định về xác định mức độ khuyết tật.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập chỉ quanh quẩn trong vài tạ lúa mỗi năm, ông Vĩnh vẫn giữ tinh thần lạc quan. Mới đây, ông đã được Hội hỗ trợ một con bò giống.
"Gia đình tôi chọn bò vì phù hợp điều kiện chăn nuôi. Tôi hy vọng nếu chăm tốt, khoảng một năm nữa bò sẽ sinh bê con, khi đó sẽ có thêm nguồn thu, đời sống sẽ ổn định hơn", ông Vĩnh chia sẻ trong niềm xúc động.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết, những sinh kế tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang theo nhiều kỳ vọng và sự sống mới cho những phận người từng chìm trong đau thương chiến tranh. Đó không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, mà còn là liều thuốc tinh thần giúp họ vững vàng hơn trong hành trình vượt qua bóng tối bom mìn.
"Trong bối cảnh hậu chiến vẫn còn để lại những di chứng nặng nề, việc đồng hành cùng nạn nhân bom mìn không chỉ là trách nhiệm nhân đạo, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về sự sẻ chia, hàn gắn và khát vọng vươn lên của người Việt Nam. Hành trình ấy sẽ còn tiếp tục, để không ai bị bỏ lại phía sau, để những vùng đất chết từng bước hồi sinh trong bình yên và hy vọng", Trung tướng Phạm Ngọc Khóa bày tỏ.

Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao sinh kế cho các nạn nhân tại huyện Can Lộc - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Trải qua 11 năm hoạt động, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ sinh kế cho hơn 6.000 người. Hiện Hội có 3 tổ chức cấp tỉnh tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hải Phòng (với gần 20 chi hội trực thuộc), cùng 17 chi hội cơ sở tại các tỉnh trọng điểm và 5 chi hội tại Hà Nội. Hơn 1.500 hội viên đang tích cực tham gia, là những người tự nguyện, tâm huyết, có chuyên môn và uy tín, góp phần khắc phục hậu quả bom mìn trên cả nước.
Giữ vững chính sách an sinh
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Tư lệnh Công binh cho thấy toàn bộ 17 xã, thị trấn của huyện đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Diện tích ô nhiễm chiếm tới 38,8% tổng diện tích toàn huyện, đưa Can Lộc trở thành một trong 12 địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất tỉnh.
Tính từ sau chiến tranh đến nay, huyện đã ghi nhận 36 nạn nhân do bom mìn, trong đó 15 người tử vong, 21 người bị thương.
Đại diện UBND huyện Can Lộc chia sẻ: "Trong những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức về phòng tránh bom mìn trong nhân dân. Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số người dân vẫn tự ý thu gom, tháo dỡ vật liệu nổ để lấy thuốc nổ hoặc phế liệu, dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm và vi phạm pháp luật".
Liên quan đến triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7 tới, ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định không làm gián đoạn công tác theo dõi, hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên địa bàn.
"Thực tế, khi chính quyền cấp xã được trao quyền nhiều hơn, công tác chăm lo an sinh xã hội, trong đó có nạn nhân bom mìn, sẽ sát sao hơn. Cán bộ cơ sở nắm rõ địa bàn, gần dân hơn, nên việc rà soát và triển khai hỗ trợ cũng sẽ thuận lợi hơn khi có nguồn lực", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, hiện tại, toàn huyện có 52 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bom mìn, và tất cả đều được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Về các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, ông Bảo khẳng định rằng những chính sách này đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt là với những đối tượng yếu thế. Từ một huyện có nhiều hộ nghèo, cận nghèo và thiếu hàng nghìn căn nhà ở, đến nay, toàn huyện Hương Khê đã đạt tỷ lệ 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, đảm bảo tiêu chuẩn của Chính phủ.
UBND huyện cũng phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ bom mìn sót lại sau chiến tranh. Điều này nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, giảm thiểu rủi ro và bảo đảm an toàn cho học sinh và người dân.
"Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền tới học sinh và đoàn viên thanh niên về tác hại của bom mìn, đặc biệt là cách phát hiện bom bi. Học sinh được khuyến cáo báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm hoặc tổng phụ trách đội, và gia đình cũng phải thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời", ông Bảo cho biết.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, từ năm 2005 đến nay, huyện Hương Khê không còn xảy ra trường hợp thương vong do bom mìn. Ông Trần Quốc Bảo cũng nhấn mạnh rằng huyện luôn ưu tiên hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, từ các chương trình sinh kế, ngân sách hỗ trợ, vay vốn phát triển sản xuất, đến chăm sóc y tế và giáo dục cho con em của họ, giúp họ vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.
Văn Hiền