Tài chính gia đình bí quyết từ nguyên tắc ‘6 cái lọ’

Hoàng Huyền
Kiếm tiền và tiêu tiền là hai việc làm quan trọng ngang nhau, nhưng nhiều người chỉ chú trọng kiếm tiền, mà quên đi câu “miệng ăn núi lở”, có lắm tiêu nhiều, khó mà trở thành “người có tiền”. Vậy nghệ thuật sử dụng đồng tiền thu nhập của gia đình như thế nào để không bao giờ rơi vào cảnh “cháy túi”.

Nghệ thuật sử dụng đồng tiền nằm gọn trọng nghệ thuật phân chia tiền thu nhập của gia đình theo 6 loại chi tiêu, được gọi là “nghệ thuật của 6 chiếc lọ”. Bạn phải là người biết chắc, nắm rõ số tiền mà gia đình bạn có trong một tháng.

Tài chính gia đình bí quyết từ nguyên tắc ‘6 cái lọ’-dulichgiaitri.vn
Áp dụng nguyên tắc "6 cái lọ" để đảm bảo nguồn tài chính trong gia đình (Ảnh: minh họa)

Với những người làm công ăn lương, thì tổng thu nhập là số tiền lương, thưởng và thu nhập ngoài lương của các thành viên trong gia đình. Với những người buôn bán, kinh doanh, làm nông nghiệp, làm tự do cũng cần hoạch toán hàng tháng gia đình bạn có được bao nhiêu, dù chưa thật sự chính xác.

Dù mỗi tháng gia đình bạn chỉ có chục triệu hay trăm triệu, thì hãy trích ra, bỏ vào cái lọ thứ nhất mang tên “chi tiêu cần thiết” không quá 55% tổng số tiền bạn có. Chi tiêu cần thiết là những chi phí cho ăn uống, tiền điện, tiền nước, tiền nhà, phí vệ sinh… Đó là những thứ chi tiêu để gia đình bạn “sống được”.

Lọ thứ 2 là lọ “tiết kiệm dài hạn”, chiếm 10% tổng thu nhập. Tiết kiệm dài hạn là số tiền “chết cũng không được tiêu đến”. Nó là loại quỹ “tích tiểu thành đại”, mỗi tháng một ít, mỗi năm một nhiều hơn, để rồi có lúc bạn mua được xe máy cho con đi học, mua được ô tô, sửa được nhà hoặc đầu tư mở cửa hàng, khởi nghiệp một lĩnh vực kinh doanh mới.

10% tiếp theo là quiỹ ‘chi cho giáo dục”. Đây là tiền dành cho con ăn học hàng tháng. Nếu con bạn đã lớn, không phải lo chuyện học hành, hãy nhập 10% quỹ giáo dục này vào quỹ tiết kiệm dài hạn, chứ không dùng để ăn tiêu.

Đừng quên rằng mình làm ra tiền để tiêu, để hưởng thụ, nên dù nghèo khó hay khá giả, cũng nên dùng 10% thu nhập cho “lọ tiền hưởng thụ”. Đi tham quan, du lịch, đi nghe nhạc, xem phim, uống café, ăn lẩu với bạn, sắm chiếc điện thoại khá hơn, mua cái váy mới để diện… đều là nằm trong quỹ hưởng thụ.

Ngoài ra, chúng ta còn có 10% dành cho “quỹ tài chính tự do” và 5% chi cho “từ thiện”. Quỹ tài chính tự do là “quỹ đen”, không ai được kiểm soát, hỏi han rằng tiêu gì, nếu phải khai báo thì nó không còn gọi là “tài chính tự do” nữa. Còn 5% quiỹ từ thiện cũng không có nghĩa là bạn mang đi làm từ thiện, mà là chỉ là “quỹ để cho đi”. Mừng cưới em, tặng anh chị nhân sinh nhật, góp quỹ xây nhà thờ họ, gửi về quê đóng tiền làm “đường nông thôn mới”, biếu bố mẹ “ăn quà”… cũng là cho đi rồi đấy bạn ạ!

Nếu nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc “6 cái lọ” này, bạn sẽ không rơi vào cảnh “bóc ngắn cắn dài”, “ăn bữa nay lo bữa mai”, “lo ăn chưa đủ nói gì vui chơi”. Đặc biệt, lúc nào bạn cũng có tiền dư, tiền chưa dùng đến, để khi có việc, bạn chủ động ít nhiều, có vay thêm, mượn thêm cũng chỉ là “thêm” mà thôi.

DUY BÌNH/baophunuthudo.vn