Tận dụng cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều sang thị trường Anh

Admin
Năm tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang Anh đạt hơn 8,1 triệu tấn với trị giá hơn 40,1 triệu USD, tăng cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo Bộ Công Thương, giống như các quốc gia Tây Âu khác, Vương quốc Anh không canh tác hạt điều, do vậy toàn bộ sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu thụ trong nước hoặc tái xuất đều là hàng nhập khẩu.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia sản xuất, chế biến và cung ứng điều nhân lớn hàng đầu thế giới. Sản lượng và năng suất điều tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 67,71 nghìn tấn, trị giá 370,34 triệu USD, tăng 1,0% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với tháng 4/2024, tăng 18,1% về lượng và tăng 9,0% về trị giá so với tháng 5/2023.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 285,1 nghìn tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, tăng 29,5% về lượng và tăng 18,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 5/2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.469 USD/ tấn, tăng 2,2% so với tháng 4/2024, nhưng giảm 7,7% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.387 USD/tấn, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh, hạt điều luôn là một trong những ngành hàng chủ lực, đóng góp không nhỏ vào quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường bạn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang thị trường này đạt hơn 8,1 triệu tấn với trị giá hơn 40,1 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường đứng thứ 6 trong số các thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.

Còn theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, trong quý I/2024, Anh nhập khẩu hạt điều từ thế giới đạt 6,06 nghìn tấn, trị giá gần 33,48 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và tăng 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá nhập khẩu hạt điều của Anh từ thế giới trong quý I/2024 đạt mức 5.521 USD/tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá nhập khẩu hạt điều của Anh từ Việt Nam giảm 3,3%, xuống còn 5.484 USD/tấn; từ Bờ Biển Ngà giảm 19,8%, xuống còn 5.223 USD/ tấn; từ Ấn Độ giảm 19,4%, xuống còn 7.170 USD/tấn…

Trong quý I/2024, Anh nhập khẩu hạt điều chủ yếu từ Việt Nam, đạt trên 5,55 nghìn tấn, trị giá gần 30,47 triệu USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 19,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tổng lượng nhập khẩu của Anh từ thế giới, thị phần hạt điều của Việt Nam tăng từ 89,06% trong quý I/2023 lên 91,63% trong quý I/2024. Quý I/2024, Anh cũng tăng nhập khẩu hạt điều từ các thị trường như Bờ Biển Ngà, Ấn Độ, Nigeria với mức tăng lên đến 3 con số.

Tuy nhiên, lượng nhập khẩu hạt điều của Anh từ các thị trường trên ở mức thấp. Như vậy, hạt điều Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần tại thị trường Anh.

Những lưu ý khi xuất khẩu hạt điều sang Anh

Thông tin trên báo Đầu tư, đối với hạt điều, trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ ngay thuế quan đối với mặt hàng hạt điều tươi của Việt Nam như: Hạt điều tươi hoặc khô, đã hoặc chưa bóc vỏ (HS 08013100, 08013200).

Bên cạnh đó, các sản phẩm hạt đã chế biến, trong đó có hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam (mã HS 200819) cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, cơ hội ưu đãi thuế quan là vậy, nhưng với sự thay đổi của hàng loạt chính sách thương mại, quy định nhập khẩu của thị trường Anh và sự chuyển động không ngừng từ xu hướng tiêu dùng, thị hiếu, kênh phân phối… đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nắm vững.

Điển hình như UKVFTA quy định công đoạn tách vỏ hạt là công đoạn gia công đơn giản, sẽ không được tính đến khi xét xuất xứ của sản phẩm. Như vậy, trường hợp nhập khẩu hạt điều chưa bóc vỏ từ Campuchia về Việt Nam sau đó thực hiện bóc vỏ và xuất khẩu sang Vương quốc Anh thì hạt điều đã bóc vỏ này không được coi là có xuất xứ theo UKVFTA.

“Hạt điều đã hoặc chưa bóc vỏ đều phải có xuất xứ thuần tuý tại Việt Nam thì mới được coi là đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo UKVFTA. Đối với hạt điều chế biến, Hiệp định UKVFTA cho phép sử dụng nguyên liệu hạt điều không có xuất xứ ngoài Vương quốc Anh và Việt Nam với điều kiện nguyên liệu đường không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất không vượt quá 20% trọng lượng của sản phẩm”, Bộ Công thương thông tin.

Về chất lượng, các tiêu chuẩn của Vương quốc Anh cơ bản vẫn dựa trên nền tảng của EU, vốn được xây dựng theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) và Tiêu chuẩn Codex (Codex Alimentarius). Các loại nông sản, thực phẩm như hạt điều phải tuân thủ các tiêu chuẩn thị trường chung. Các sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn của UNECE sẽ được coi là phù hợp với các tiêu chuẩn thị trường…

Vì vậy, khi xuất khẩu hạt điều sang thị trường này, một số chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết chuỗi từ sản xuất/chế biến đến xuất khẩu.

Xuất khẩu hạt điều hướng tới kỷ lục mới 3,8 tỷ USD

Theo báo Công Lý, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Cục Xuất nhập khẩu kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2024 sẽ lấy lại mốc kỷ lục của năm 2021 và hướng tới mức kỷ lục mới 3,8 tỷ USD.

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD. Tuy nhiên, nhịp tăng bị phá vỡ khi năm 2022, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về giá trị, đạt 519.782 tấn và 3,08 tỷ USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điều tăng trở lại 18% so với năm 2022, đạt 3,6 tỷ USD.

Việt Nam hiện vẫn duy trì vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu và đang là quốc gia làm chủ về công nghệ chế biến.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành điều, Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp ngành điều cần đầu tư vào việc phát triển vùng nguồn nguyên liệu. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc hỗ trợ và ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và giảm sự phụ thuộc vào nguồn hạt điều nhập khẩu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho hạt điều xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết và kết nối nguồn lực, nhằm chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ.

Minh Hoa (t/h)