Tin liên quan
Năm 2025, Hà Nội sẽ chuyển đổi sử dụng xe buýt điện
Hà Nội sẽ có thêm xe điện gom khách từ khu dân cư ra đường sắt đô thị
Thay đổi nhận thức của người dân khi tham gia giao thông
Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 100 và Nghị định 123 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đáng chú ý là Nghị định mới này có quy định điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Rất nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ được điều chỉnh mức phạt lên rất cao, thậm chí là gấp hàng chục lần so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Trong đó, có thể kể đến một số lỗi cố ý và là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn như: Vượt đèn đỏ, đèn vàng bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng đối với ô tô và từ 4-6 triệu đồng đối với xe máy; điều khiển xe lạng lách, đánh võng sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với ô tô và từ 8-10 triệu đồng đối với xe máy; đi ngược chiều của đường một chiều hoặc trên đường có biển cấm sẽ bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng đối với ô tô và từ 4-6 triệu đồng đối với xe máy; mở cửa xe, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 20-22 triệu đồng (trước đây là từ 400.000-600.000 đồng); vi phạm nồng độ cồn mức 2 (vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở) sẽ bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng đối với ô tô và từ 6-8 triệu đồng đối với xe máy…
Ngay từ khi Nghị định 168/NĐ-CP được áp dụng, một điều đáng mừng là trên các tuyến phố, ý thức người tham gia giao thông đã có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân chấp hành tín hiệu đèn giao thông dù có cảnh sát giao thông hay không. Tình trạng lấn chiếm, đi trên vỉa hè, quay đầu xe, đi ngược đường giảm đáng kể. Rất nhiều người dân đánh giá đây là “bước ngoặt”, bởi ai cũng sợ bị phạt với mức cao gấp nhiều lần trước đó nên “thà chậm vài giây còn hơn bị phạt 5 triệu”.
Ghi nhận của phóng viên tại tại nút giao nhiều tầng Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) thời gian qua “nổi tiếng” với tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, đi ngược chiều..., thì những ngày gần đây, vi phạm đã giảm trông thấy. Tại một số nút giao thông khác, người tham gia giao thông đã chấp hành đúng quy định. Những hình ảnh này thật sự tạo ra một bước “chuyển mình” trong sự phát triển của Thủ đô, khi các phương tiện tham gia giao thông ngày một đông nhưng kết cấu hạ tầng đô thị còn yếu và thiếu.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe, mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, hướng tới xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm
Đánh giá về Nghị định mới của Chính phủ, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Nghị định 168 tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có lỗi cố ý, nguy cơ gây tai nạn giao thông cao là cần thiết. Mức phạt mới cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý những hành vi vi phạm giao thông có tìm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường luật lệ an toàn giao thông nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông phải lập lại trật tự an toàn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhằm xây dựng văn hóa giao thông, môi trường văn minh, lành mạnh.
Trước đây chế tài hành chính với hành vi vi phạm về giao thông đường bộ được áp dụng, xử lý theo Nghị định số 100, sửa đổi bởi Nghị định 123. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn áp dụng các nghị định này cho thấy có nhiều hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ ở mức nghiêm trọng diễn ra thường xuyên, thậm chí lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều đối tượng như: Hành vi vượt đèn đỏ, không chấp hành đèn tín hiệu; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; hành vi lạng lách đánh võng, chèn ép nhau trên đường; hành vi vi phạm về nồng độ cồn; hành vi mở cửa xe không đảm bảo an toàn; hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, hành vi chống người thi hành công vụ.
Các hành vi vi phạm trên đường cao tốc như đi lùi trên đường cao tốc, đi ngược chiều, quay đầu trên đường cao tốc… diễn ra khá phổ biến gây nguy cơ mất an toàn. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra từ những hành vi phạm vi phạm nêu trên…
Đáng nói, các hành vi vi phạm này đều là có lỗi cố ý, người thực hiện hành vi nhận thức rõ là vi phạm giao thông nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, thể hiện ý thức coi thường luật an toàn giao thông, có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông. Bởi vậy, nếu chỉ trông chờ vào các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật thì sẽ không đạt hiệu quả tích cực. Do đó, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó kết hợp giữa giải pháp tuyên truyền giáo dục với giải pháp áp dụng biện pháp cưỡng chế, tăng mức chế tài xử lý.
Theo LS Cường, với một hành vi vi phạm mà chế tài hành chính xử lý ít nghiêm khắc, không đủ sức răn đe thì hành vi dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng, khi đó chế tài hình sự sẽ được áp dụng phổ biến hơn. Muốn giảm biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự, tăng tính chất phòng ngừa thì cần tăng mức chế tài hành chính để răn đe và phòng ngừa chung. Ví dụ: nếu hành vi vi phạm giao thông là vượt đèn đỏ có mức chế tài hành chính ít nghiêm khắc, người vi phạm bị xử phạt mà không đủ sức răn đe thì hành vi vi phạm sẽ ngày càng nhiều và nguy cơ tai nạn giao thông ngày càng cao, khi tai nạn xảy ra mà hậu quả nghiêm trọng thì khi đó chế tài hình sự sẽ được áp dụng.
"Pháp luật có chế tài nghiêm khắc hay ít nghiêm khắc thể hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trực tiếp là điều kiện phát triển kinh tế xã hội, về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Khi ý thức chấp hành pháp luật của công dân đã tốt rồi thì mức hình phạt sẽ bớt nghiêm khắc, thậm chí còn có thể bỏ hình phạt để điều chỉnh bởi các quy phạm xã hội. Ngược lại, khi ý thức chấp hành pháp luật về một lĩnh vực nào đó chưa tốt, đã tăng cường các biện pháp giáo dục nhưng vẫn không hiệu quả, có nguy cơ gây bất ổn trong xã hội thì việc tăng mức chế tài là cần thiết", LS Cường phân tích.
Thực tế, trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 168, cơ quan chức năng đã xử phạt với số tiền 28.000.000.000 đồng, đây là số tiền rất lớn. Với số tiền phạt nêu trên cho thấy rõ ràng hành vi vi phạm về giao thông đường bộ là rất nhiều, nhiều người vi phạm và nhiều người bị xử phạt. Tuy nhiên mục đích của việc xử phạt không phải là để thu tiền cho ngân sách nhà nước mà là đánh vào “hầu bao” để giáo dục ý thức tuân theo pháp luật của người tham gia giao thông, từ đó đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn hành vi vi phạm giao thông được bộ, hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra để đảm bảo bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông.
Nói về việc nhiều ý kiến cho rằng mức phạt cao sẽ tăng nguy cơ tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giao thông; mức phạt tăng không phù hợp với thu nhập của người Việt Nam hoặc mức phạt như thế có thể dẫn đến nhiều người bị phạt oan khi đèn tín hiệu bị hỏng…, LS Cường nhấn mạnh: Nhiều người còn biện minh cho hành vi vi phạm của mình là do hệ thống giao thông không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu, đường phố thường xuyên ùn tắc nên nhiều người mới phải vượt đèn đỏ, đi lên về hè cho kịp giờ làm… Có thể nói rằng đó là những quan điểm từ dư luận xã hội, trong đó cũng có thể là ý kiến của những người thường xuyên vi phạm giao thông, những lời biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ của mình.
Về nguyên tắc thì nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mà pháp luật lại được ban hành dựa trên chính sách. Căn cứ vào chính sách của đảng phái chính trị thì nhà nước sẽ thể chế hóa bằng pháp luật, sẽ ban hành pháp luật để tổ chức thực hiện chính sách. Sau khi pháp luật được ban hành thì sẽ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đồng thời áp dụng pháp luật trong đời sống xã hội. Sau một quá trình áp dụng pháp luật thì sẽ tổng kết thực tiễn để đối chiếu lại với chính sách, điều chỉnh chính sách sao cho hoàn thiện rồi lại sửa đổi pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật..
"Quy trình xây dựng hoàn thiện chính sách, ban hành pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, tổng kết thực tiễn rồi lại soi chiếu hoàn thiện lại chính sách, sửa đổi lại pháp luật…. là một quy trình khép kín, liên tục cùng với sự vận động phát triển của xã hội để tạo ra hành lang pháp lý ở cho nhà nước có công cụ để quản lý xã hội. Bởi vậy, hệ thống pháp luật ở mỗi quốc gia sẽ có những biến động phụ thuộc vào thực trạng phát triển kinh tế xã hội, định hướng xây dựng đất nước, khi xã hội càng phát triển thì hệ thống pháp luật các biến động, khi xã hội ổn định, các quan hệ xã hội đã ổn định thì hệ thống pháp luật mới ổn định tuy nhiên sự ổn định này chỉ mang tính chất tương đối", theo LS Cường.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những biện pháp khác như nâng cao, cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng lái xe cho tài xế, phát triển hệ thống giao thông công cộng. “Việc tăng mức xử phạt cũng là một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm giao thông, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn. Tôi đồng tình với việc xử phạt nghiêm, nặng đối với hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc ví dụ như đi ngược chiều, đi lùi, dừng đỗ không đúng nơi quy định. Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông rất cao và rất nguy hiểm” - luật sư Cường nói.
Việc quy định chế tài nghiêm khắc sẽ có tính chất răn đe phòng ngừa tốt hơn, kết hợp với việc tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ vào điều hành, xử lý vi phạm giao thông, tăng cường các biện pháp giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông sẽ xây dựng được văn hóa giao thông ngày càng văn minh, lành mạnh.