Tiếp tục dẫn dắt, thực hiện vai trò trụ cột trong nền kinh tế
Ngày 23/10, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Việt Nam có 2-3 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Tuy nhiên hiện tại, điều này vẫn chưa thể hiện thực hoá, lý do thì nhiều nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bài toán tăng vốn điều lệ, đặc biệt là với ngân hàng cổ đông nhà nước chi phối vốn.
Nhóm ngân hàng cổ đông nhà nước chi phối vốn đang thực hiện đa mục tiêu, vừa cấp tín dụng cho tăng trưởng, vừa thực hiện tài trợ cho các công trình dự án trọng điểm của Chính phủ, cùng các nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là vào lúc thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, do vốn điều lệ bị bó hẹp nên chưa thể mở rộng quy mô hoạt động như mong muốn.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề xuất tăng vốn điều lệ cho Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại với số tiền 27.666 tỷ đồng, trong đó phần vốn bổ sung của cổ đông Nhà nước là 20.695 tỷ đồng. Nếu được thông qua, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, việc tăng vốn cho Vietcombank là rất cần thiết nhằm hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện tại, Vietcombank là NHTM hoạt động hiệu quả nhất và có chất lượng tài sản tốt nhất. Giai đoạn 5 năm vừa qua (2019-2023), tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng với mức bình quân từ 10,6%/năm đến 14,6%/năm. Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 là 0,99% (kiểm soát dưới 1%). Lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 26%/năm. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, vốn chủ sở hữu (ROA, ROE) bình quân ở mức xấp xỉ ở mức 1,6% và 23%. Nhưng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, mở rộng quy mô cấp tín dụng và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tài trợ cho các dự án trọng điểm… Vietcombank cần tăng quy mô vốn điều lệ.
Xét về tỷ lệ an toàn vốn (CAR), trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng và Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" ghi rõ: "Phấn đấu đến hết năm 2023, tỷ lệ CAR của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 – 11%; đến hết năm 2025 đạt tối thiểu 11 - 12%".
Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ CAR của Vietcombank xấp xỉ 11%, tuân thủ quy định hiện hành (đáp ứng 8%) và cao hơn các NHTM nhà nước khác, tuy nhiên vẫn đang thấp hơn so với các NHTM cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Với định hướng là ngân hàng chủ lực của toàn ngành, Vietcombank hướng tới mục tiêu đáp ứng CAR theo Basel III (đến năm 2026 là 13,5%). Vì vậy, vốn tự có và vốn điều lệ của ngân hàng cần tiếp tục được củng cố.
"Việc đầu tư bổ sung vốn giúp cho Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để Vietcombank nâng cao năng lực tài chính, có nguồn lực để cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn.
Nhiều năm qua, Vietcombank đóng vai trò là kênh tài trợ vốn chủ lực cho các công trình trọng điểm quốc gia và các ngành kinh tế mũi nhọn, tái cấu trúc tài chính nhằm tối ưu hoá chi phí vốn cho khách hàng. Ngân hàng là đầu mối thu xếp vốn thành công cho dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trị giá hơn 99.000 tỷ đồng; Tài trợ nhu cầu vốn của PVN để góp vốn cho Chuỗi Dự án khí Lô B quy mô 193.000 tỷ đồng; Dự án mở rộng Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất 36.830 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện khí Ô Môn 3 quy mô 25.243 tỷ đồng; Dự án Mở rộng tuyến đường cao tốc TP HCM – Long Thành hơn 15.000 tỷ đồng…
Không gây áp lực lên cân đối ngân sách quốc gia
Trong phiên họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho hay, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Vietcombank sẽ giúp bảo đảm duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Vietcombank trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Với vị thế là ngân hàng chủ đạo của ngành, Vietcombank cũng luôn thể hiện vai trò tiên phong trong thực hiện các chính sách của nhà nước, đặc biệt là trong thực hiện chủ trương hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.
Tính riêng từ năm 2023 đến nay, Vietcombank thực hiện giảm 57 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng SMEs và thể nhân, 11 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp. Tổng dư nợ tín dụng được hưởng ưu đãi lên tới 1,95 triệu tỷ đồng. Gần đây nhất, Vietcombank đã triển khai "Chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 - Yagi". Ước tính chính sách này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng.
Vietcombank cũng được biết đến với hình ảnh ngân hàng xanh phát triển bền vững vì cộng đồng, thông qua hàng loạt chương trình an sinh xã hội. 5 năm qua, Vietcombank dành hơn 2.408 tỷ đồng cho các hoạt động về giáo dục, y tế, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết...
Mặt khác, hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại Vietcombank khá cao, khi tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 5 năm gần đây của ngân hàng đạt khoảng 23%. Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư tăng vốn điều lệ vào Vietcombank là để tiếp tục nuôi dưỡng, tạo nguồn thu trong tương lai.
Thực tế, trong 10 năm qua (2014-2023), tổng số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của Vietcombank đạt trên 71.000 tỷ đồng, trong đó thuế nộp NSNN đạt khoảng 53.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 3 năm 2021, 2022, 2023, nhà băng này đã nộp vào NSNN khoảng 29.000 tỷ đồng, đứng đầu ngành ngân hàng và duy trì vị thế là một trong những doanh nghiệp nộp NSNN lớn nhất nền kinh tế. Đáng chú ý, nguồn vốn mà Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ là từ phần lợi nhuận giữ lại hàng năm sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với NSNN. Do vậy, không ảnh hưởng đến kế hoạch thu NSNN, không gây áp lực lên cân đối ngân sách quốc gia.
Vietcombank cho biết toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số của ngân hàng và từ đó tạo nguồn lực để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Hơn nữa, kế hoạch tăng vốn của Vietcombank đã được sự đồng thuận của các cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường tháng 1/2023, trong đó có cổ đông Chiến lược Mizuho.
Mặt khác, theo Chính phủ, việc tăng vốn cho Vietcombank là điều kiện cần thiết để ngân hàng này có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.
Theo Vietcombank: Nếu việc tăng vốn điều lệ cho Vietcombank được thông qua và sớm triển khai, sẽ là tiền đề để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế theo định hướng của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tiến trình "hoá Rồng" của Việt Nam vào năm 2045.
Anh Minh