Tây Du Ký 1986 và bí ẩn phía sau bản nhạc nổi tiếng nhất

Admin
"Vân cung tấn âm" - Bản nhạc mở màn cho bộ phim kinh điển "Tây du ký 1986" một lần nữa gây sốt nhờ hiệu ứng từ tựa game nổi tiếng.

Kể từ khi trò chơi Black Myth: Wukong (Hắc thần thoại: Tôn Ngộ Không) ra mắt hồi tháng 8/2024 đã trở thành một trong những tựa game bán chạy nhất lịch sử Steam, nền tảng phân phối game lớn nhất thế giới. Doanh thu bán ra đến thời điểm này đã gần chạm con số 1 tỷ USD, chưa kể các nền tảng trực tuyến khác.

Bản phối Vân cung tấn âm trong tựa game Black Myth: Wukong được 8082 Audio phát hành.

Từ cốt truyện, nhân vật cho đến nhạc game đều trở thành cơn sốt khiến khán giả trên thế giới tò mò. Đặc biệt, game tri ân bộ phim Tây du ký 1986 kinh điển bằng bản nhạc mở đầu Vân cung tấn âm.

Bản nhạc này được phối lại cho hợp không khí tựa game, tiếp tục tạo nên trào lưu sau khi Black Myth: Wukong "làm mưa làm gió" trên thị trường. Vân cung tấn âm được đưa vào game show, chương trình truyền hình, thu hút lượt truy cập lớn trên các nền tảng trực tuyến.

Theo Nhật báo Bắc Kinh, "Vân cung tấn âm" do nhạc sĩ Hứa Kính Thanh sáng tác được mệnh danh là "khởi nguồn của âm nhạc điện tử" cho nhạc phim Trung Quốc, và đã trở thành một trong những bản nhạc phim quen thuộc nhất đối với nhiều thế hệ khán giả xứ tỉ dân.

Tây Du Ký 1986 và bí ẩn phía sau bản nhạc nổi tiếng nhất- Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh.

Tây Du Ký 1986 và bí ẩn phía sau bản nhạc nổi tiếng nhất- Ảnh 2.

Hoàn cảnh khó khăn cũng không làm chùn bước nhà soạn nhạc tài năng.

Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh chính thức gia nhập đoàn làm phim "Tây du ký" bản 1986 vào năm 1984. Năm đó ông 42 tuổi.

Trong 4-5 năm tham gia đoàn phim, ông sáng tác tổng cộng 15 bài hát và hơn 100 bản nhạc cho "Tây du ký 1986". Trong đó, ông thích nhất bài hát mở đầu "Vân cung tấn âm", vì cho rằng đây là bài chủ đạo và giàu cảm xúc nhất.

Tây Du Ký 1986 và bí ẩn phía sau bản nhạc nổi tiếng nhất- Ảnh 3.

Tây Du Ký là một trong những bộ phim Trung Quốc kinh điển nhận được sự yêu mến của nhiều thế hệ khán giả.

Năm 1983, đạo diễn Dương Khiết liên hệ với 7 nhà soạn nhạc nổi tiếng từng có tác phẩm gây tiếng vang để sáng tác khúc mở đầu cho "Tây du ký", nhưng bà không ưng ai.

Qua giới thiệu, đạo diễn đã gặp Hứa Kính Thanh. Khi ấy, ông đang làm việc trong một xưởng phim gần 20 năm, với công việc chính là quay phim về khoa học nông nghiệp, giáo dục.

Có người lo ngại Hứa Kính Thanh chỉ là một nhạc sĩ vô danh, nhưng đạo diễn Dương Khiết vẫn chọn ông và nói: "Dù nổi tiếng hay vô danh, quan trọng là âm nhạc có đáp ứng được yêu cầu hay không".

Tây Du Ký 1986 và bí ẩn phía sau bản nhạc nổi tiếng nhất- Ảnh 4.

Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh và nữ đạo diễn Dương Khiết. Ảnh: Suho.

Tây Du Ký 1986 và bí ẩn phía sau bản nhạc nổi tiếng nhất- Ảnh 5.

"Tôn Ngộ Không" Lục Tiểu Linh Đồng và nhạc sĩ Hứa Kính Thanh. Ảnh: Suho.

Trong phiên bản 1986 Tây du ký do Dương Khiết đạo diễn, bản Vân cung tấn âm của Hứa Kính Thanh trở thành tác phẩm kinh điển. Bản nhạc là sự kết hợp khéo léo giữa các nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ điện tử phương Tây để tạo ra sự bất ngờ.

The Paper nhắc đến câu chuyện thú vị về quá trình sáng tạo ra Vân cung tấn âm. Để khơi gợi ý tưởng tóm tắt toàn bộ nội dung của Tây du ký , Hứa Kính Thanh mất nhiều ngày suy nghĩ. Ông đã quen với việc làm việc đến khuya, thức dậy vào buổi trưa ngày hôm sau và nằm trên giường vẩn vơ những ý nghĩ trong đầu.

Đang lim dim ngủ, ba công nhân tình cờ đi ngang qua cửa sổ, gõ hộp đồ ăn trưa và ngâm nga giai điệu. Ý tưởng chợt lóe lên trong đầu ông và giai điệu kinh điển "Ten ten ten ten" hình thành từ đó.

Tây Du Ký 1986 và bí ẩn phía sau bản nhạc nổi tiếng nhất- Ảnh 6.

Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh.

Hứa Kính Thanh sử dụng nhiều âm thanh điện tử trong Vân cung tấn âm như ghi-ta điện, trống và bass điện kèm thêm tiếng kèn đồng, tăng sự uy nghiêm, dày dặn. Giai điệu gợi cảm giác chính nghĩa, tiến về phía trước. Đặc biệt, giọng nữ hòa âm ở giữa bài khiến giai điệu trở nên thanh tao, tựa như những tiên tử đang nhảy múa giữa mây trời, giống như trong giấc mơ của tác giả.

Guitar điện và các nhạc cụ khác trong bản phối khí được lấy cảm hứng từ Đặng Lệ Quân - diễn viên Đài Loan (Trung Quốc), được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc pop vĩnh cửu của châu Á".

Trong hai đến ba ngày, ông đã hoàn thành đoạn nhạc mở đầu dài 2 phút 40 giây. Giai điệu kinh điển của Vân cung tấn âm đã trở thành ký ức của rất nhiều khán giả Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung.

Game Black Myth: Wukong là trò chơi nhập vai hành động do Game Science có trụ sở tại Thâm Quyến phát triển, lấy cảm hứng từ bức tranh phong phú của thần thoại Trung Quốc và tiểu thuyết Tây du ký thế kỷ 16, một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc. Nó truyền tải các yếu tố văn hóa truyền thống của Trung Quốc, mang đến cho người chơi trải nghiệm mới lạ về trí tưởng tượng và phong cảnh đất nước này.

Trong trò chơi, người chơi sẽ vào vai Tôn Ngộ Không, khám phá cuộc phiêu lưu hoành tráng của Tề thiên đại thánh về phía tây.

Tùng Lâm (t/h)