Tết Việt trong tôi

Admin
(PNTĐ) - Với mỗi người dân Việt Nam, Tết cổ truyền luôn mang ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt với những con xa xứ, Tết Việt còn là dịp để được quây quần, đoàn tụ, nhớ về cội nguồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tết Việt trong tôi - ảnh 1
Vợ chồng GS. TS. Bùi Minh Phong đón Tết ở TP Hồ Chí Minh

GS. TS.  Bùi Minh Phong, trường Đại học Tổng hợp Eotvos Loránd, Budapest, Hungary

Ăn Tết ở quê nhà luôn là hành trình đầy cảm xúc

Việc trở về quê hương đón Tết cổ truyền là một hành trình đầy cảm xúc, đưa lại cho tôi nhiều kỷ niệm và  dấu ấn sâu đậm.

Tôi sang Hungary học tập năm 1971. Sau khi tốt nghiệp đã trở về nước giảng dạy 6 năm tại trường ĐH sư phạm TP Hồ Chí Minh. Năm 1985, tôi quay lại Hungary thực tập khoa học và sau khi bảo vệ luận văn tiến sỹ năm 1986, tôi đã ở lại nước bạn giảng dạy cho tới nay. Trong quảng thời gian đó tôi cũng có về thăm quê một vài lần, nhưng về vào dịp Tết thì khá hiếm. Trong những lần hiếm hoi về thăm quê vào dịp Tết nguyên đán, từ môi trường lạnh và có tuyết của nước bạn, khi hạ cánh và ra khỏi sân bay, không khí se lạnh của mùa xuân miền Bắc hay cái nắng ấm áp của miền Nam luôn làm tim tôi bồi hồi. Mùi hương thoang thoảng của đất trời, của khói bếp và cánh đồng gợi nhớ về những ngày thơ bé của tôi ở vùng quê nghèo Hương Khê, Hà Tĩnh.

Về nước trong thời gian chuẩn bị đón Tết, tôi có thể cảm nhận không khí rộn ràng hiện diện ở khắp nơi: chợ hoa đầy sắc xuân, người người mua sắm bánh chưng, mứt tết, câu đối đỏ. Bàn thờ tổ tiên trang nghiêm với hương khói trầm mặc, mâm cỗ đầy đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, thịt đông, dưa hành, canh măng... là những hình ảnh cũng làm tôi xúc động. Đây cũng là dịp bản thân tôi nhớ nhiều hơn tới hai đấng sinh thành và ông, bà tổ tiên nội ngoại. Được ngồi bên gia đình, kể chuyện xưa cũ và nghe họ hàng hỏi han sau bao năm xa cách, tôi cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của sự sum vầy của những ngày Tết nguyên đán.

Hơn bốn thập kỷ xa quê hương, được trở về đúng dịp Tết là một trải nghiệm quý giá. Đó không chỉ là dịp để ôn lại kỷ niệm tuổi thơ mà còn giúp tôi hiểu rõ hơn về sự thay đổi của đất nước, về giá trị của tình thân và ý nghĩa của Tết trong tâm hồn người Việt.

Tết ở quê hương không chỉ là những ngày lễ hội, mà còn là cơ hội để kết nối quá khứ và hiện tại, để trái tim người xa quê tìm lại hơi ấm yêu thương. Và để cảm nhận sâu sắc rằng dù có đi bao xa, quê nhà vẫn là nơi đong đầy tình cảm và kỷ niệm mãi không phai.

Tết Việt trong tôi - ảnh 2
Vợ chồng chị Nguyễn Vạn Ý

Chị Nguyễn Vạn Ý, quê Đồng Tháp, sinh sống tại New Cairo, Cairo, Ai Cập

Năm nay, mẹ mang Tết Việt tới cho tôi

Những ngày này, đường phố ở Ai Cập luôn tấp nập, các cửa hàng được trang hoàng lộng lẫy, không khí rộn ràng, tưng bừng đón năm mới khiến trái tim tôi như chùng xuống, xao xuyến, rưng rưng một nỗi nhớ quê nhà da diết bởi đã 5 năm rồi, tôi chưa được về quê ăn Tết.

Tôi vẫn nhớ như in phong vị Tết ở quê nhà rõ ràng nhất là khoảng từ rằm tháng Chạp trở đi. Lúc này, mẹ tôi bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa với hy vọng dọn sạch những điều cũ, những thứ không tốt đẹp để đón một năm mới với những điều mới tốt đẹp hơn. Tôi cũng tranh thủ thời gian được nghỉ làm để đi chợ mua sắm đồ đạc, trang trí nhà cửa, chuẩn bị làm mâm đồ cúng, mâm ngũ quả và những bữa cơm ngày Tết. Cha tôi với sự phụ giúp của em trai chịu trách nhiệm cắt tỉa cây cối trong vườn nhà, gói và luộc bánh Tét… Tất cả mọi người đều hối hả, tất bật, chuẩn bị chu toàn nhất cho ngày lễ ý nghĩa trong năm với niềm hy vọng về một năm mới an lành, thịnh vượng. Tôi cũng nhớ những buổi chiều đi chúc Tết bà con lối xóm, bạn bè, nhận lì xì đỏ thắm, trò chuyện cùng người thân, kể cho nhau những câu chuyện năm cũ và mong chờ những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Năm nay, Tết của tôi nơi xa xứ sẽ đặc biệt hơn. Tôi đã có mẹ mang theo hương vị Tết quê nhà tới với với gian bếp nhỏ trong nhà hàng Việt Nam của tôi tại Cairo qua những món ăn Việt Nam mẹ nấu. Đối với những người con xa xứ, món ăn quê nhà không chỉ đơn thuần là thức ăn, mà còn là cầu nối giúp họ gắn bó với những kỷ niệm, tình cảm và văn hóa Việt. Đối với tôi mở nhà hàng Việt Nam, không chỉ là việc kinh doanh, mà còn là một sự chia sẻ, một hành trình gìn giữ và truyền bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mỗi món ăn như phở, bún chả, hay nem rán... khi được chế biến đúng cách và đầy đủ tình yêu thương, sẽ giúp người nước ngoài hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.

Năm mới là dịp để mỗi chúng ta gửi gắm những lời chúc tốt đẹp và hy vọng về một tương lai tươi sáng. Từ nơi xa, tôi cầu mong cho mọi người luôn có sức khỏe dồi dào, công việc thuận lợi, gia đình hạnh phúc và cuộc sống đầy đủ may mắn. Dù trải qua những thử thách, chặng đường phía trước luôn sẽ mở ra những cơ hội mới, niềm vui mới. Chúc mọi người một năm mới Ất Tỵ an khang thịnh vượng, bình an và tràn đầy niềm tin vào tương lai.

Tết Việt trong tôi - ảnh 3

TS Nguyễn Thế Dương (áo đỏ) đón Tết cùng gia đình tại Australia

Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương, Sứ giả tiếng Việt năm 2024 tại Australia

Dù ở đâu cũng luôn cảm nhận được sự thiêng liêng của Tết Việt

Tết Nguyên Đán, hay Tết cổ truyền, luôn mang một ý nghĩa đặc biệt trong lòng người Việt. Dù ở nơi đâu, tôi luôn cảm nhận được sự thiêng liêng và sâu sắc mà Tết mang lại. Đó không chỉ là dịp sum họp gia đình, mà còn là thời điểm để tạm gác lại những lo toan, nhìn lại một năm đã qua và hướng tới tương lai. Tết Việt là ngày sum họp, là ngày trở về và đoàn tụ.

Đối với tôi, Tết là ngày rất thiêng liêng. Cái lạnh se người của Hà Nội và những cơn mưa phùn nhắc người ta về Tết. Đường phố cuối năm như hối hả, tất bật hơn ngày thường. Thời những năm cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 1990 thì cái thói quen mua sắm tích trữ cho Tết vẫn còn đậm nét.

Để có một cái Tết tươm tất, đủ đầy, bà nội tôi thường chuẩn bị các đồ ăn thức uống từ cả tháng trước Tết. Như một thói quen đã hằn sâu trong tâm thức, bà tôi lọ mọ đi chơ Đồng Xuân rồi Bắc Qua vừa để mua tích trữ miến, bóng, măng và các thực phẩm cần thiết khác.

Ngày đó, dường như nào cũng gói bánh chưng chứ không mua bánh chưng như bây giờ. Mèng ra thì cũng độ dăm ba cái. Còn nhà nào tươm hơn thì đến vài chục cái. Không phải chỉ để ăn trong dịp Tết mà còn để đem đi biếu họ hàng, bạn bè. Món quà xuân đó thật là trân quý và tình cảm.

Xa quê hương, nhưng tôi rất cố gắng được về quê ăn Tết mỗi năm. Mỗi lần có cơ hội trở về, cảm xúc luôn tràn đầy, như được sống lại trong không khí Tết thực thụ – điều mà ở xa khó có thể trọn vẹn.

Ở Úc, Tết không đồng hành với mùa xuân. Thế nên, Tết cũng là lúc nào tôi nhớ Hà Nội nhiều hơn. Thường thì tôi ngày nào cũng phải mở YouTube để xem hôm nay Hà Nội mình ra sao. Nhiều khi chỉ cảnh hối hả dip cuối năm, một tiếng rao của người bán lá mùi, một cảnh chợ hoa Xuân là cũng đủ nhớ lắm rồi. Chỉ muốn chạy về nhà luôn. Những cái Tết xa xứ lại là dịp để tôi trân trọng hơn giá trị của truyền thống.