Sáng 8/7, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị của Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chủ trì Hội nghị.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, 6 tháng qua, toàn ngành nội vụ đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống, thể chế chính sách trên lĩnh vực công vụ, công chức, cải cách tiền lương, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Các địa phương nỗ lực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách cho lĩnh vực ngành nội vụ, nhất là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng như cải cách nền hành chính, đặc biệt là tập trung ổn định sự phát triển của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Đây là điểm nhấn rất rõ, hết sức tích cực trong 6 tháng qua.
Cũng theo Bộ trưởng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hết sức cố gắng quyết liệt tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Đến nay, chúng ta đang ở giai đoạn tăng tốc để về đích và các địa phương đều rất nỗ lực. Mặc dù nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này có nhiều địa phương đã có tốc độ rất nhanh, kịp thời để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Cùng với đó, đã tập trung cao cho việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là ở Trung ương và một số địa phương.
Bộ cũng đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả.
Ngoài ra, ngành nội vụ đã hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) và thúc đẩy mạnh chuyển đổi số gắn kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần xây dựng Chính phủ số, chính quyền số.
Tinh giản biên chế 3.853 người
Báo cáo sơ kết công tác nội vụ 6 tháng đầu năm, theo ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức với tổng số 3.853 người; trong đó các bộ, ngành là 107 người và các địa phương là 3.746 người.
Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện tuyển dụng 13.965 công chức, viên chức; tuyển dụng theo Nghị định số 140 được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (trong đó bộ, ngành tuyển dụng 4 người, các địa phương: 26 người) để bổ sung vào đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của cả nước.
Đối với nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, theo ông Long, đến nay, 53 tỉnh, thành phố đến nay đã hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp.
Trong đó, cấp huyện sắp xếp 49 đơn vị, dự kiến giảm 12 đơn vị; cấp xã sắp xếp 1.247 đơn vị, dự kiến giảm 624 đơn vị.
Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã một số địa phương còn chậm. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh tự chủ đạt kết quả hạn chế nên số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khó đạt được mục tiêu đặt ra của Nghị quyết của Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng cán bộ, CCVC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Hoàn thành sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã trước 30/9
Đối với nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu ngành nội vụ tập trung bộ hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cho sửa đổi, bổ sung 4 luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…
Đối với các địa phương, cần chủ động tham mưu cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND liên quan đến lĩnh vực ngành phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp; thúc đẩy tự chủ và xã hội hóa dịch vụ công ích; thu hút trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp cơ sở…
Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng nhấn mạnh tập trung cho 2 nhiệm vụ lớn, đó là hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trước 30/9; thực hiện các giải pháp để cải cách tiền lương bền vững.
Ngoài ra, trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng yêu cầu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản bên chế theo mục tiêu đề ra.
Cùng với đó là tích cực đẩy lùi tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền. Cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm "chỉ có bàn làm, không có bàn lùi".
Anh Thơ