Chạm đích trước 1 tháng
Mục tiêu đề ra của Bộ NN&PTNN cho ngành hàng rau quả trong năm 2024 là giá trị xuất khẩu ước đạt từ 6 đến 6,5 tỷ USD. Thế nhưng đến thời điểm này, thống kê từ ngành hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng 2024 đã có thể mang về khoảng 6,6 tỷ USD, chạm đích trước 1 tháng. Thành quả này là nhờ vào những thắng lợi tại các thị trường lớn.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng, xuất khẩu rau quả đều thắng lợi ở nhiều thị trường, mức tăng trưởng đạt trên 2 con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới Thái Lan, Hàn Quốc, Đức và Canada, Trung Quốc và Mỹ. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024.
Một trong những thị trường nhập khẩu lớn trái cây của Việt Nam là thị trường Trung Quốc, ước đạt 4,6 tỷ USD, chiếm gần 70% lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Đánh giá về thị trường này, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng, với dân số 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác.
Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Hơn nữa, xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn có lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ðây là cơ hội lớn để trái cây Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.
Mặc dù có nhiều lợi thế về địa lý, song trai cây Việt Nam vẫn đối diện với nhiều đối thủ cạnh tranh trên sân chơi quốc tế như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador. Do đó, doanh nghiệp và nông dân nước ta vẫn phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Ðơn cử, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt...
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, do mùa đông ở phía Bắc Trung Quốc rất lạnh và khắc nghiệt nên việc sản xuất rau củ gặp khó khăn. Thời điểm này, nguồn cung rau củ từ châu Âu, Nhật Bản, Nga... cũng khan hiếm. Trong khi đó, điều kiện khí hậu ở Việt Nam lại có thể thuận lợi sản xuất rau màu vụ Đông, nhất là tại miền Bắc. Vì vậy, khi xuất khẩu chính ngạch, sản xuất rau vụ Đông của Việt Nam sẽ giảm rủi ro và thu được lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiêu thụ rất nhiều thực phẩm chế biến và các thương nhân Trung Quốc cũng nắm giữ hệ thống phân phối thực phẩm lớn nhất. Đây là lợi thế khi Việt Nam hợp tác, liên kết từ đó mở đường cho rau củ quả xuất chính ngạch sang thị trường này, theo Tin tức.
Triển vọng mới cho xuất khẩu rau quả Việt
Mặc dù thị trường Mỹ không thuộc top đầu trong nhập khẩu trái cây của Việt Nam, nhưng đây là thị trường nhập khẩu với giá trị cao và hợp tác song phương đôi bên cùng có lợi. Thị trường Mỹ được các doanh nghiệp ngành hàng trái cây đánh giá là thị trường mang lại lợi thế lớn vì nơi này không sản xuất được những loại trái cây giống như trái cây Việt Nam.
Theo bà Alexis M. Taylor, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Nông nghiệp đối ngoại của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khi khai phá bất kỳ thị trường nào cần đầu tư rất nhiều, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Mỹ cần có mặt ở đó để tìm hiểu người tiêu dùng đang mong chờ, kỳ vọng gì… Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy. Hàng nông sản giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam có nhiều điểm có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt là trái cây Việt Nam có nhiều loại không tìm thấy ở Mỹ, vì vậy, còn nhiều dư địa để khai thác. Tại Mỹ có cộng đồng người Việt Nam khá lớn. Do đó, doanh nghiệp nên chọn một khu vực nhất định, một bang hay cộng đồng nào đó nhất định để thâm nhập.
Tại thị trường Mỹ, nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, nhất là trái dừa và chanh leo. Theo đó, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu dừa từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 với mức tăng 1.155,6% về lượng và tăng 933,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 3.860 tấn, trị giá 3,94 triệu USD. Thị phần dừa của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 0,76% trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 8,59% trong 8 tháng đầu năm 2024. Việc đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ phía thị trường Mỹ đã mở ra triển vọng mới cho ngành dừa Việt Nam.
Việc tăng loại trái cây nhập khẩu vào Mỹ cũng được đi kèm với những quy định về đa dạng hoá các hình thức kiểm dịch, các vùng trồng và cơ sở chế biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau, đảm bảo không có dư lượng thuộc bảo vệ thực vật, không nhiễm các loại vi sinh vật, vi khuẩn nấm mốc. Quá trình thu hoạch không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.
Đây là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn của Mỹ.
Với thị trường Australia, trong tháng 10/2024, hơn 1,5 tấn chanh leo đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường này, mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Australia hiện đang thuộc tốp 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.
"Trong tháng 12/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ vẫn khả quan do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao dịp cuối năm. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến tiếp tục vượt con số 1 tỷ USD" - Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Việc tăng xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến cho thấy chiến lược mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt. Năm nay, rau chế biến dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỷ USD, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng chưa bằng rau quả tươi, nhưng sản phẩm chế biến giữ vai trò quan trọng nâng cao giá trị, giúp nông dân tránh cảnh "được mùa mất giá".
Để tăng tốc hơn nữa kim ngạch xuất khẩu rau quả trong thời gian ngắn, các DN và chuyên gia cho rằng, cần phải khai thác thêm các thị trường tiềm năng. Cuối tháng 10/2024 vừa qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) đã được ký kết tạo cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE cũng như các nước khu vực Trung Đông và châu Phi. Đây là khu vực thị trường có nhu cầu cao về nguồn nông sản, thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo, trong đó các sản phẩm rau quả có lợi thế lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin thị trường, quy trình sản xuất, các quy định, chứng nhận sản phẩm Halal để sớm tiếp cận và khai thác thị trường vô cùng tiềm năng này, theo Vnbusiness.
Khánh Linh (t/h)