Tháo gỡ vướng mắc trong quy định tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế

Admin
(Chinhphu.vn) - Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi một số quy định để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa hỗ trợ người nộp thuế duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tháo gỡ vướng mắc trong quy định tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế- Ảnh 1.

Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu sửa đổi một số quy định - Ảnh: VGP/HT

 Thu thuế của 2.873 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh

Tổng cục Thuế khẳng định, đang triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo đúng quy định pháp luật tại: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13; Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế.

Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế (NNT) là DN thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, về cơ bản, các quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đã được quy định tại Luật Quản lý thuế. Từ cuối năm 2023, ngành Thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của NNT bỏ địa chỉ đã đăng ký trên cả nước là khá lớn (15.602 tỷ đồng).

Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi "Thông báo tạm hoãn xuất cảnh" đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi NNT để NNT được biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều kênh thông tin để thông báo, nhắc nhở, cảnh báo NNT về nghĩa vụ nộp thuế, trong đó có thông báo qua ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile và cả nhắn tin tới NNT, do đó NNT nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế.

Trong quá trình áp dụng triển khai các biện pháp quản lý nợ thuế trên cả nước, cơ quan thuế nhận được nhiều phản ánh từ NNT về việc bất ngờ nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh..., cũng như những phản ứng đối phó của NNT như thay đổi người đại diện pháp luật khi có thông báo tạm hoãn xuất cảnh. Trước tình hình trên, cơ quan thuế chủ động nắm bắt thông tin phản ánh, rà soát đảm bảo NNT nhận được thông tin nợ thuế, thông tin về thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân khi biết được thông tin về các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế của cơ quan thuế, nhất là các quy định về tạm hoãn xuất cảnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã tự giác đi nộp những khoản thuế nợ từ nhiều năm trước đó. Nhiều DN đã tập trung thu xếp nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế nhằm được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Từ cuối năm 2023, ngành thuế đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của trường hợp này trên cả nước khá lớn 15.602 tỷ đồng. Tính riêng trong 9 tháng năm nay, cơ quan thuế đã ban hành hơn 23.700 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế với tổng số nợ thuế của các cá nhân này là 51.000 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2023 đến tháng 9/2024, cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh (số thu này chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do NNT chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).

Như vậy, số thuế thu được đã cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nợ thuế mà ngành Thuế triển khai. Bên cạnh đó, sự tham gia hết sức tích cực của các bộ, ngành và cơ quan có liên quan như Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an); sự quan tâm chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố; và đặc biệt là sự vào cuộc hiệu quả của các cơ quan thông tấn báo chí đã cùng với ngành Thuế đẩy mạnh truyền thông về công tác quản lý nợ thuế, giúp người dân, DN hiểu rõ hơn về các quy định, chính sách của Nhà nước.

Tiếp tục gỡ vướng, tạo thuận lợi hơn cho DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế

Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác quản lý nợ thuế, trong quá trình triển khai, ngành Thuế cũng đã tiếp nhận được những ý kiến của doanh nghiệp (DN) và NNT cho rằng đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Cụ thể, khi tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, cơ quan thuế nhận được ý kiến trái chiều cho rằng người đại diện pháp luật có khi chỉ là người lao động làm thuê cho DN, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của DN.

Phản hồi về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho rằng, theo quy định của Luật DN hiện hành, người đại diện pháp luật của DN là cá nhân đại diện cho DN thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của DN, đại điện cho DN thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật hay người chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần... là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu.

Cùng với đó, cũng có ý kiến cho rằng, theo quy định hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế sẽ căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng nhận được phản hồi về việc DN và NNT cho rằng các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho DN và NNT gặp khó khăn tài chính nhất thời. Đây chính là băn khoăn của không ít DN và NNT và mong muốn được Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Phản hồi ý kiến của NTT, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định, có một số giải pháp đảm bảo thu thuế nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân và DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: nộp dần tiền thuế nợ, không tính tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp… Tuy nhiên, Tổng cục Thuế sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh (khoản 1 Điều 66, khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế và khoản 1 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) và các quy định pháp luật liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ NNT khó khăn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để tăng cường quản lý nợ thuế, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai 11 nhóm giải pháp để thu hồi nợ thuế, đảm bảo dữ liệu tạm hoãn xuất cảnh được cập nhật trên hệ thống để thuận lợi cho người nộp thuế tra cứu thông tin trên website của ngành thuế và trên các ứng dụng eTax, eTax Mobile.

TIN LIÊN QUANNgành thuế tích cực vào cuộc để các chính sách hỗ trợ sớm tới đúng địa chỉNgành thuế Thái Nguyên đồng hành cùng DN vượt khóNhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả thu hồi nợ thuếNhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả thu hồi nợ thuế

Cơ quan thuế đang tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và giới thiệu các ứng dụng để người nộp thuế biết, theo dõi, tra cứu nghĩa vụ thuế (trong đó có số tiền thuế nợ); khuyến khích người nộp thuế nộp thuế bằng phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua ứng dụng eTaxMobile.

Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tiền thuế nợ. Đồng thời, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh ổn định cũng như các hoạt động đi lại giao thương được thuận lợi. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục công khai thông tin nợ thuế, nhắc nhở và cảnh báo doanh nghiệp cũng như người nộp thuế về thời hạn nộp thuế. Đồng thời, ngành thuế sẽ tăng cường triển khai các kênh hỗ trợ để cung cấp đầy đủ thông tin về nghĩa vụ thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp thuế điện tử, giúp người nộp thuế dễ dàng hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Anh Minh