Thay đổi nhận thức về vai trò hoạt động thể lực cho học sinh

Admin
Quan tâm hoạt động thể lực, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em không chỉ dừng lại ở trong nhà trường mà cần có sự phối, kết hợp chặt chẽ cùng gia đình và xã hội.

Tiểu ban Giáo dục Thể chất, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp về giải pháp tăng cường dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực trẻ em, học sinh vào hôm nay (16/7).

Báo cáo tại phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất Nguyễn Nho Huy cho biết bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng.

Ngành Giáo dục đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của Bộ Y tế đã đã xây dựng tiêu chuẩn chăm sóc dinh dưỡng cho các nhà trẻ và trường mầm non.

Triển khai đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục dinh dưỡng trong từng cấp học thông qua việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng.

Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ em, học sinh tại các địa phương, hầu hết các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú trong trường học đều thực hiện theo đúng quy trình bếp ăn một chiều. Quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm trong các nhà trường bảo đảm an toàn tuyệt đối, không sử dụng phụ gia thực phẩm, chỉ dùng các loại trong danh mục cho phép.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng năng lực đội ngũ, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cũng như công tác phối hợp liên ngành, xã hội hóa trong quá trình triển khai đã được Bộ GĐ&ĐT, các địa phương chú trọng thực hiện.

Thay đổi nhận thức về vai trò hoạt động thể lực cho học sinh- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi.

Tại phiên họp, các thành viên thuộc Tiểu ban Giáo dục Thể chất, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị, tổ chức đã trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến, giải pháp, đề xuất liên quan đến bồi dưỡng năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất tại các trường học, tài liệu tập huấn kỹ năng, công tác kiểm tra, giám sát, công tác xã hội hóa, kinh phí thực hiện.

Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GĐ&ĐT), việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ở thời kỳ học đường là việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết trong mỗi gia đình, trường học và toàn xã hội.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở mỗi giai đoạn tuổi, học sinh có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau do cơ chế sử dụng các chất dinh dưỡng của cơ thể khác nhau. Vì vậy, việc cung cấp một chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh, phù hợp với độ tuổi sẽ giúp học sinh phát triển một cách tối ưu. 

Tuy nhiên trong thực tế triển khai vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến nhận thức, năng lực, nhân lực, nguồn kinh phí tổ chức tại các nhà trường…

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại phiên họp để tham mưu, hoạch định những chính sách sâu sát với thực tế triển khai.

Để công tác bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên được thực hiện bài bản, chỉn chu và có hiệu quả, Thứ trưởng yêu cầu cần đánh giá đúng thực trạng, ở các cấp độ khác nhau, theo cấp học, vùng miền và điều kiện thuận lợi, khó khăn của địa phương.

Việc đánh giá thực trạng phải được thông qua các số liệu cụ thể, khoa học và bám sát thực tiễn. Để từ đó, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí, quy chuẩn, mục tiêu cụ thể.

Đại diện ngành giáo dục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức, tư duy về đảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Thứ trưởng cho rằng, nếu nhận thức không thay đổi thì sẽ không có kết quả cao. Tư duy nhận thức ở đây không chỉ dừng lại ở giáo dục trong nhà trường mà cần có sự phối, kết hợp chặt chẽ cùng gia đình và xã hội.

Cùng với đó, về công tác truyền thông, tuyên truyền. Tùy vào điều kiện của mỗi địa phương để xây dựng các phương án truyền thông cụ thể, hiệu quả như xây dựng tài liệu truyền thông, thông tin, tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội thảo, tập huấn…